Đề nghị viết lại bản hiến pháp của Đài Loan do một viện nghiên cứu tư nhân ở đảo quốc này đưa ra đã khiến một giới chức Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ, cho thấy Bắc Kinh nhạy cảm như thế nào đối với chỉ một ngụ ý rất nhỏ rằng Đài Loan có thể chính thức tiến tới độc lập.
Đề nghị vừa kể do học viện nghiên cứu Đài Loan, có khuynh hướng ủng hộ việc để cho Đài Loan độc lập đối với Trung Quốc, đưa ra.
Học viện này kêu gọi thiết lập một nước cộng hòa thứ nhì để phản ảnh thực tế nền chính trị hiện nay của Đài Loan và để làm nổi bật cá tính đặc biệt của đảo quốc này.
Hiện nay Đài Loan vẫn tự nhận là nước Cộng hòa Trung Hoa, tên gọi chính chức của Trung Quốc cho tới khi chính phủ Quốc dân đảng bị đảng cộng sản Trung Quốc đánh đuôỉ và chạy sang Đài Loan.
Trong nhiều thập niên, Quốc dân đảng nhất quyết cho rằng họ là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, trong khi trên thực tế thì nhà cầm quyền cộng sản cai trị Hoa lục một cách chặt chẽ dưới tên gọi Cộng hòa nhân dân Trung Quốc. Đề nghị viết lại bản hiến pháp Đài Loan ghi nhận rằng chính phủ đảo quốc này chỉ cai trị Đài Loan và một số đảo nhỏ.
Đề nghị vừa nêu, yêu cầu mở cuộc trưng cầu dân ý về sự thay đổi hiến pháp, là một trong số khoảng 15 đề nghị đang được luân lưu tại Đài Loan. Trong khi đó tuy Tổng thống Trần thủy Biển tỏ vẻ hậu thuẫn việc viết lại hiến pháp trước khi ông rời khỏi chức vụ, nhưng cả đề nghị vừa kể hay bất cứ một đề nghị nào khác, không được chính thức đưa vào nghị trình vào thời điểm này.
Tuy nhiên, trong một buổi thuyết trình tại văn phòng sự vụ Đài Loan ngày hôm nay, phát ngôn viên Dương Nghị đã mạnh mẽ chỉ trích đề nghị này và liên kết đề nghị đó với việc Tổng thống Trần thủy Biển ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.
Cái gọi là bản sơ thảo hiến pháp của nước cộng hòa thứ nhì này là nhằm thỏa mãn âm mưu của ông Trần thủy Biển trong việc tìm cách cho Đài Loan được độc lập một cách hợp pháp, và trơ tráo hợp thức hóa chủ trương ly khai là mỗi bên eo biển Đài Loan có một quốc gia.
Trung Quốc coi nước Đài Loan dân chủ và tự quản là một tỉnh ly khai và tuyên bố nhiên hậu Đài Loan sẽ tái thống nhất với Hoa lục qua đường lối ngoại giao hoặc qua đường lối sử dụng vũ lực.
Trong khi quan hệ mậu dịch ngang qua eo biển Đài Loan nở rộ thì các quan hệ về chính trị trở nên căng thẳng vào bất cứ lúc nào xuất hiện một ý kiến là Đài Loan có thể tiến tới độc lập.
Sau khi có những lời cảnh cáo của Bắc kinh và Washington, Tổng thống Trần thủy Biển đã ngưng không nói đến vấn đề độc lập của Đài Loan, nhưng ông không bỏ lỡ cơ hội khẳng định đặc tính cá biệt của Đài Loan. Tháng trước, nhà lãnh đạo Đài Loan đã khiến cho Bắc kinh phẫn nộ khi ông ủng hộ việc bỏ chữ Trung Quốc khỏi tên các công ty quốc doanh của Đài Loan.
Chính phủ của ông Trần thủy Biển cũng ủng hộ việc việc thay đổi sách giáo khoa về môn sử, ít nhấn mạnh hơn đến lịch sử Trung Quốc và nói nhiều hơn về lịch sử Đài Loan.
Hoa Kỳ, cũng giống như phần lớn các nước khác, ủng hộ lập trường một nước Trung hoa của Trung Quốc, nhưng đồng thời cam kết bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo quốc này bị Hoa lục tấn công.
Bắc Kinh lâu nay vẫn lên án việc Đài Loan mua các phi đạn và phản lực chiến đấu cơ của Hoa kỳ, nói rằng hành động đó có tính cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.