Một tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới đã lên tiếng đả kích chính phủ Việt Nam về việc thực hiện điều mà họ gọi là “một trong những chiến dịch đàn áp tệ hại nhất trong 20 năm nhắm vào những nhân vật bất đồng chính kiến.” Giới hữu trách Hà Nội đã nhanh chóng bác bỏ tố cáo này.
Hãng thông tấn Pháp trích thuật thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) công bố hôm thứ sáu nói rằng: việc này diễn ra trong lúc giới lãnh đạo Hà Nội cảm thấy bạo dạn hơn sau khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi tháng giêng vừa qua và tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11 năm ngoái.
Human Rights Watch đã đặc biệt lên án vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội hồi đầu tháng ba, và Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế hồi trung tuần tháng hai. Cả ba nhân vật tranh đấu cho dân chủ này đã bị nhà chức trách tố cáo là vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự.
Điều khoản này cấm chỉ hành động gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” và quy định án tù 20 năm cho những ai vi phạm. Luật sư Đài và Luật sư Công nhân đã tuyên bố tuyệt thực, và Linh mục Nguyễn Văn Lý cũng tuyên bố sẽ bắt đầu đợt tuyệt thức lần thứ nhì vào ngày 15 tháng tư sau khi đã tuyệt thực hơn hai tuần từ khi bị bắt hôm 18 tháng hai.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng chỉ trích chiến dịch trấn áp của Hà Nội nhắm vào những người hoạt động cho quyền tự do ngôn luận, những người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các giáo hội Tin Lành độc lập, và Tổ chức Đoàn kết Công nhân và Nông dân Việt Nam.
Khi được hỏi ý kiến về chiến dịch đàn áp này, Linh mục Phan Văn Lợi, một thành viên của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, cho biết như sau:
Chúng tôi nghĩ rằng chính quyền Cộng sản Việt nam, đảng Cộng sản Việt nam đang thấy cao trào tranh đấu ngày càng dâng cao. Cao trào đó xuất phát từ quần chúng qua những đoàn người dân oan khiếu kiện, qua những công nhân biểu tình đình công mà cho tới giờ này vẫn còn và có lúc lên tới hàng ngàn công nhân, qua sự đấu tranh của các nhà dân chủ, ngày càng xuất hiện những khuôn mặt mới, những khuôn mặt trẻ; và qua sự lên tiếng của các lãnh đạo tinh thần của hầu hết mọi tôn giáo. Đồng thời nhà nước Cộng sản cũng thấy sự xuất hiện của các đoàn thể, đảng phái phi Cộng sản, của các tổ chức được thành lập mà không xin phép Cộng sản, cũng như sự xuất hiện của một số tờ báo độc lập. Nhà nước Cộng sản thấy đó là một mối nguy cho nên bây giờ, trong sự quẫn trí, họ tìm cách dẹp tắt tiếng nói của người dân bộc lộ qua các phong trào đó. Nhưng chúng tôi thấy rằng Cộng sản càng tàn bạo càng đàn áp chứng nào thì người dân lại càng không sợ hãi và các nhà đấu tranh càng thêm kiên quyết. Cái sự đàn áp dã man của Cộng sản chỉ là những dấu chỉ cho thấy chế độ sắp đến hồi lung lay, và những người lãnh đạo Cộng sản thấy rằng mình sắp mất quyền lực và từ đó mất cả quyền lợi cho nên đã điên cuồng mà đàn áp – bất chấp sự phản kháng của quốc tế và bất chấp lòng dân đang mong muốn có tự do dân chủ. Nhưng chắc chắn là người Cộng sản một ngày nào đó phải đứng trước công lý của nhân dân cũng như của lịch sử.
Bà Sophie Richardson, Phó Giám đốc Bộ phận Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Việt Nam giờ đây đã bắt đầu xuất hiện trên sân khấu kinh tế thế giới nhưng thành tích nhân quyền vẫn còn tụt hậu rất nhiều.”
Theo lời bà Richardson: Những thành quả kinh tế của Việt Nam sẽ bị phương hại vì chính phủ tiếp tục vi phạm các quyền cơ bản của con người và ghép tội hình sự cho những người bày tỏ ý kiến bất đồng một cách ôn hòa.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ sáu, phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ điều mà ông gọi là những nhận xét sai trái của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Theo lời ông Dũng: tổ chức này thường xuyên đưa ra những thông tin bịa đặt, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trong bản phúc trình hàng năm về nhân quyền công bố hôm thứ ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng thành tích nhân quyền của Việt Nam rất yếu kém.
Phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ ngoại giao ở Hà Nội cũng nhanh chóng bác bỏ nhận xét đó và đã lập lại tuyên bố từng đưa ra nhiều lần trước đây là “ở Việt Nam không ai bị bắt vì lý do chính kiến hoặc vì lý do tôn giáo mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị bắt và bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam .”