Đường dẫn truy cập

Phúc trình về nhân quyền năm 2006 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ


Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ sẽ đáp ứng những chỉ trích về những vụ Hoa Kỳ bị coi vi phạm nhân quyền liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo. Lời hứa được đưa ra khi bộ Ngoại Giao công bố bản phúc trình thường niên về thành tích nhân quyền trên toàn thế giới.

Các lời than phiền về thành tích của chính Hoa Kỳ trong việc đối phó với các nghi can khủng bố đã làm lu mờ các phúc trình thường niên về nhân quyền của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây.

Phúc trình mới nhất về nhân quyền năm 2006 được bộ Ngoại Giao công bố hôm thứ ba, thừa nhận những lời chỉ trích và hứa sẽ trả lời một cách thẳng thắn các quan ngại được nêu lên với thiện ý.

Trong lời tựa của bản phúc trình được thực hiện với sự ủy nhiệm của Quốc Hội, báo cáo về thành tích nhân quyền của hơn 190 quốc gia, bộ Ngoại Giao nói rằng Hoa Kỳ cam kết sẽ không ngừng cải thiện và nói rằng các phương cách hành xử và các chính sách quản lý nghi can khủng bố đã tiến triển rất nhiều trong 5 năm qua.

Các nhóm hoạt động cho nhân quyền và một vài chính phủ đã lên tiếng phê phán nước Mỹ. Trong số những phê phán này có việc giam giữ mà không đưa ra xét xử tù nhân tại căn cứ hải quân Mỹ trên vịnh Guantanamo của Cuba, cũng như ở nơi khác và về việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn ép cung.

Trong một cuộc phỏng vấn do đài VOA thực hiện, ông Kenneth Roth tổng giám đốc của tổ chức hoạt động cho nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng lề lối đối xử với những tù nhân nghi can khủng bố gây tranh luận đã làm phương hại đến thẩm quyền đạo đức của Hoa Kỳ trong lãnh vực nhân quyền. Sau đây là lời ông Roth.

Đây là một sự tổn hại thực sự cho chính nghĩa của Hoa Kỳ trong lãnh vực nhân quyền, vì Hoa Kỳ không chỉ là một quốc gia hùng mạnh nhất mà còn là một trong những nước lên tiếng cam kết bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ nhất. Và giờ đây cam kết đó đã bị ngờ vực, không những chỉ vì thiếu quyết tâm chính trị mà còn vì thiếu sự khả tín.

Tại một cuộc họp báo công bố bản phúc trình Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đề cập bóng gió đến vụ tranh cãi, và nói rằng Hoa Kỳ thừa nhận rằng thành tích nhân quyền của chính Hoa Kỳ không phải là không thể phê phán. Sau đây là lời Ngoại Trưởng Rice.

Không phải chúng tôi cho công bố các phúc trình này vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi toàn hảo, nhưng vì chúng tôi biết chúng tôi không hoàn hảo cũng như tất cả mọi con người khác với những cố gắng mà họ thực hiện. Hệ thống cai trị dân chủ của chúng ta đáng tin nhưng không phải là không phạm những sai lầm.

Bản phúc trình đưa ra một hình ảnh pha trộn giữa những chiều hướng đầy hy vọng pha lẫn với những thực tế ảm đạm về nhân quyền trên khắp thế giới.

Về mặt tích cực, bản phúc trình đã nêu lên các bước tiến dài về dân chủ với các cuộc bầu cử ở Liberia, Haiti, Indonesia, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo và những tiến bộ về nhân quyền tại nhiều nước trong đó có Ma Rốc, Ukraina và Kyrgyzstan.

Bản phúc trình một lần nữa đã chỉ trích các nước từ lâu đã bị xem như những chính phủ vi phạm nhân quyền trong đó có Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Iran, Zimbabwe, Belarus và Cuba.

Tuy nhiên các nước bạn và các nước đồng minh của Hoa Kỳ cũng không được miễn trừ. Bản phúc trình nói rằng mặc dù với quyết tâm theo đuổi việc chuyển đổi dân chủ của Tổng Thống Pakistan Pervez Musharraf, thành tích nhân quyền của Pakistan vẫn còn yếu kém, với những hạn chế về quyền tự do phát biểu, tự do hội họp và tự do tôn giáo và đã xảy ra những trường hợp các nhà tranh đấu chính trị bị biến mất và bị giết mà không qua xét xử.

Bản phúc trình đưa ra những lời chỉ trích nặng nề về nhân quyền ở Iraq và Afghanistan nơi đang có mặt các lực lượng quân đội do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Phúc trình nói rằng nhân quyền và tiến bộ dân chủ tại Afghanistan vẫn còn kém chính yếu là vì các định chế của trung ương còn yếu và do cuộc nổi dậy của phe Taleban, mạng lưới khủng bố al-Qaida và các thành phần cực đoan khác.

Bản phúc trình nói rằng bạo động giữa các giáo phái và các hành động khủng bố đã gây phương hại cho nhân quyền và tiến bộ dân chủ ở Iraq.

Trong số các cường quốc hàng đầu, bản phúc trình đã nêu lên sự thoái bộ về nhân quyền ở cả hai nước Nga và Trung Quốc. Phúc trình nói rằng tại Nga quyền tự do phát biểu bị khước từ vì sức ép cũng như những hạn chế của chính phủ và Moscow đã dùng thế lực kiểm soát của họ trong các hãng truyền thông lớn để hạn chế việc tiếp cận thông tin.

Tại Trung Quốc, phúc trình nói rằng ngày càng có nhiều vụ việc được nhiều người biết đến, liên quan đến tình trạng theo dõi, sách nhiễu và câu lưu các nhà hoạt động tích cực, các nhà báo và những người khác đang tìm cách hành xử các quyền chỉ có trên danh nghĩa của họ.

Trợ Lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Lowenkron cũng nói rằng Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong một số quốc gia đang tìm cách ngăn chận việc truy cập Internet.

Tại Việt Nam, chính phủ tiếp tục theo dõi và hạn chế việc dùng Internet, ngăn chặn những trang Web về nhân quyền và thông tin quốc tế. Luật pháp cho phép dân chúng công khai than phiền về chính phủ thiếu hiệu năng và tham nhũng, nhưng chính phủ tiếp tục cấm giới truyền thông viết những bài nêu câu hỏi về vai trò của đảng cộng sản, quảng bá chủ thuyết đa nguyên, hay dân chủ đa đảng, hay nêu nghi vấn về chính sách của chính phủ về nhân quyền.

Bản phúc trình nói rằng một thực tế ảm đạm nhất là tình hình diệt chủng vẫn tiếp tục trong vùng Darfur ở miền tây Sudan, mà chính phủ Sudan và nhóm dân quân Janjaweed được chính phủ hậu thuẫn bị qui lỗi đã thực hiện. Năm 2004 cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Colin Powell lần đầu tiên đã mô tả các vụ bạo động ở Darfur là hành động diệt chủng.

Trợ Lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Lowenkron, sẽ thực hiện một chuyến công du Sudan vào những ngày sắp tới trong tuần này. Ông nói rằng 6 tháng cuối năm 2006 đặc biệt là khoảng thời gian nhiều bạo động nhất trong vùng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG