Việt Nam cho biết 4 ngân hàng quốc doanh của họ sẽ bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân trước cuối năm nay. Công bố này là một phần trong nỗ lực cổ phần hóa các công ty quốc doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của những công ty này trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Các nhà đầu tư phương Tây cho biết họ rất háo hức muốn mua cổ phần của những ngân hàng này.
Hiện nay, chính phủ đã đưa vào danh sách 73 doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch bán cổ phần hay còn gọi là cổ phần hóa những doanh nghiệp này trước năm 2010. Trong số 73 doanh nghiệp này có 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Việt Nam sẽ được cổ phần hóa trước cuối năm nay.
Trong số này có Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư Phát triển, đây là hai ngân hàng lớn thứ nhì và thứ ba của Việt Nam. Ông Alain Cany, giám đốc đại ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài, kể các các ngân hàng nước ngoài đang rất háo hức đầu tư vào những ngân hàng được cổ phần hóa này.
Đây là một thị trường đầy hứa hẹn, tôi chắc chắn rằng việc mua cổ phiếu trong một ngân hàng thương mại, dù là ngân hàng quốc doanh hay tư nhân, thì cũng đều là chiến lược hay chính sách của nhiều ngân hàng nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà phát triển, thị trường này đã tăng 145 phần trăm trong năm 2006. Hôm thứ hai vừa qua, chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã đạt một kỷ lục mới là 844,5 điểm. Các dịch vụ tài chính hiện đang được xem là ngành nhiều hứa hẹn nhất ở Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ đối với thị trường này. Các nhà phân tích đầu tư cảnh báo rằng nhiều công ty quốc doanh đang thực hiện các thủ tục kế toán dưới tiêu chuẩn. Các nhà đầu tư khó mà có thể biết được công ty nào đang thực sự có lợi nhuận.
Tuy nhiên các công ty điện thoại di động và điện lực cũng như các công ty cung cấp dịch vụ tài chính nói chung đều được coi là có lợi nhuận. Theo lời một nhà phân tích thì cổ phiếu của những công ty này “rất hấp dẫn”.
Theo quan điểm của chính phủ Việt Nam thì việc bán cổ phần là cần thiết để các ngân hàng địa phuơng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài sắp đầu tư vào Việt Nam. Theo lời ông Il Houng Lee, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Hà Nội, các ngân hàng Việt Nam cần cải cách cơ cấu quản trị.
Tôi nghĩ rằng việc cổ phần hóa sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu cần tái cơ cấu đặc biệt là cơ cấu quản trị, lề lối làm việc và họ cần phải trở nên cạnh tranh hơn.
Quỹ tiền tệ Quốc tế đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần có một cái nhìn sâu rộng hơn đối với các khoản vay khó đòi của các ngân hàng quốc doanh Việt Nam. Các giới chức chính phủ thường yêu cầu các giám đốc ngân hàng cho các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động không hiệu quả vay, và những doanh nghiệp này thường không có khả năng trả các khoản vay này.
Tuy nhiên ông Lee cho biết bán cổ phần của các ngân hàng sẽ không loại bỏ được vấn đề này, bởi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư giới hạn ở mức 30% cổ phần của các ngân hàng quốc doanh.
Thậm chí nếu các ngân hàng được cổ phần hóa theo kế hoạch hiện tại, thì chính phủ cũng vẫn là người nắm đa số cổ phần. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải lắng nghe ý kiến của các cổ đông. Cho nen mặc dù là phạm vi đã được thu hẹp, nhưng các khoản vay theo chỉ đạo của chính phủ chắc chắn vẫn chưa thể giải quyết hết được. "
Tuy nhiên ông Cany giám đốc ngân hàng HSBC cho rằng cacù ngân hàng sắp cổ phần hóa là những ngân hàng hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là ngân hàng Vietcombank.
Ít nhất thì đối với Vietcombank, có vẻ sẽ không có vấn đề gì lớn với ngân hàng này. Có thể những vấn đề này không nghiêm trọng như các nhà phân tích nước ngoài đánh giá, bởi khi chúng tôi xem xét trường hợp của Trung Quốc, chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng như vậy. Có thể sẽ không có vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra.
Hiện vẫn chưa rõ các cổ phiếu của những ngân hàng này sẽ được bán như thế nào và liệu các cổ phiếu này có được niêm yết không. Có lẽ phải mất vài tháng nữa các nhà đầu tư mới có thể biết được ai sẽ có thể mua cổ phần của những ngân hàng này.