Đường dẫn truy cập

Thân thế và sự nghiệp của cố tổng thống Gerald Ford


Trong tuần qua, nước Mỹ đã treo cờ rũ để tang cho vị tổng thống thứ 38, ông Gerald Ford, vừa từ trần, hưởng thọ 93 tuổi. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ gửi đến quí thính giả một vài nét về thân thế và sự nghiệp vị tổng thống duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ không do dân bầu lên. Đặc biệt trong bài hôm nay chúng tôi sẽ đề cập đến đức tính nhân ái, thành thật, chung thủy của ông được thể hiện qua cung cách hành xử và tình bạn lâu đời với tổng thống Richard Nixon, một đức tính đã được mọi người ca ngợi trong những buổi lễ tưởng niệm trước khi ông được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà ở Grand Rapids, bang Michigan hôm thứ tư.

Ra đời năm 1913 tại Omaha, bang Nebraska, lớn lên tại Grand Rapids, bang Michigan, ông Gerald Ford đã theo học tại đại học Michigan, tham gia đội bóng bầu dục của trường và là một cầu thủ nổi tiếng. Trong thế chiến thứ hai ông ông tham gia lực lượng hải quân Hoa Kỳ. Sau khi cuộc chiến kết thúc ông theo học ngành luật tại đại học Yale và sau đó trở về hành nghề luật sư tại Grand Rapids và tham gia đảng Cộng Hòa. Lần đầu tiên ông được bầu làm dân biểu hạ viện năm 1948. Ông lập gia đình cũng trong năm đó và có 4 con, 3 trai, 1 gái.

Ông đã phục vụ tại hạ viện Hoa Kỳ, đại diện cho bang Michigan, trong 25 năm. Ông là lãnh tụ khối thiểu số tại hạ viện trước khi được tổng thống Richard Nixon chỉ định vào chức vụ phó tổng thống năm 1973 thay thế phó tổng thống Spiro Agnew phải từ chức sau những cáo buộc tham nhũng.

Một lần nữa định mệnh lại đẩy đưa ông vào chức vụ tổng thống mà trước đó ông không hề có ý định tranh cử. Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vì vụ tai tiếng Watergate. Ông lên cầm quyền ngay vào lúc tình thế nước Mỹ nát như tương. Đó là thời điểm mà lần đầu tiên quốc gia này có một vị tổng thống phải từ chức và sau đó, nước Mỹ đã thua trong một cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử. Khi loan báo tin buồn về sự ra đi của cựu tổng thống Ford, tổng thống Bush nói:

Tổng thống Ford đã lên chấp chính vào một thời kỳ đầy chia rẽ và xáo trộn, giữa lúc một đất nước cần sự hàn gắn, giữa lúc một chức vụ đang cần một người bình tĩnh và vững vàng, tổng thống Ford đã nhận trách nhiệm vào ngay lúc chúng ta cần đến ông nhất.

Trong các vấn đề quốc nội, ông nổi tiếng là một người bảo thủ về ngân sách, và có quan điểm ôn hòa về các vấn đề xã hội và chính sách đối ngoại. Trong lúc ở cương vị tổng thống, ông đã cố gắng hết sức để giữ vững sức mạnh và hình ảnh cho nước Mỹ ở nước ngoài sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam và Campuchia, Ông đã đứng trung gian để có một cuộc ngưng bắn tạm giữa Israel và Ai Cập, và đã ký các hiệp định hạn chế vũ khí hạt nhân với liên bang Xô Viết.

Năm 1976 ông được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh ghế tổng thống nhưng đã thua ứng viên của đản Dân Chủ là ông Jimmy Carter.

Cho đến nay nhiều người vẫn cho rằng sự thất cử đó chắc chắn là do ông đã ra lệnh ân xá cho tổng thống Richard Nixon. Và từ trước đến nay người dân Mỹ vẫn nghĩ là tổng thống Ford đã miễn tội cho tổng thống Nixon khỏi bị truy tố là để đưa đất nước ra khỏi sự chia rẽ đảng phái trong thời kỳ xảy ra vụ Watergate.

Nhưng trong những tài liệu gồm băng ghi âm, giấy tờ, thư từ và qua 2 cuộc phỏng vấn dài thực hiện trước khi tổng thống Ford từ trần với điều kiện chỉ được công bố sau khi ông đã qua đời, người dân Mỹ mới thấy được tình bạn cố cựu giữa hai vị tổng thống và tình bạn đó đã chiếm phần quan trọng trong quyết định ân xá cho tổng thống Nixon bên cạnh ý muốn hàn gắn cho quốc gia qua cơn chia rẽ.

Vào lúc dân Mỹ đang trong tình trạng dầu dôi lửa bỏng vì ở ngoài là cuộc chiến Việt Nam và trong nước vụ tai tiếng Watergate, tổng thống Nixon bị dồn vào một tình thế rối mù. Vào tháng 5 năm 1973 tổng thống Richard Nixon lên đài truyền hình loan báo vụ 2 phụ tá cao cấp nhất của ông từ chức và vụ Watergate bắt đầu bị phanh phui.

Theo một bài báo đăng trên tờ Washington Post hôm thứ sáu tuần qua, trong những ngày đen tối nhất, tổng thống Nixon đã thố lộ với ông Gerald Ford, lúc đó còn là thủ lãnh phe thiểu số tại hạ viện, rằng vào lúc này mới thấy là hầu hết bạn bè quen biết của ông đều là những kẻ "khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai". Lúc đó chính ông Gerald Ford đã trấn an tổng thống và hứa "Thưa tổng thống, bất cứ lúc nào ông cần gì, hãy gọi cho tôi và tôi sẽ luôn luôn đứng bên ông". Đây là một chứng tích nữa của tình bạn đã kéo dài từ cuối thập niên 1940 nhưng ít ai được biết.

Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện năm 2005, cựu tổng thống Ford cho biết ông coi tổng thống Richard Nixon là một người bạn của ông, ông luôn luôn trân quí tình bằng hữu đó, và ông không muốn một người bạn đích thực của ông phải mang một dấu ấn không tốt.

Vào lúc đó quyết định miễn tội cho ông Nixon đã bị nhiều người Mỹ bất mãn, điển hình là thượng nghị sỹ Edward Kennedy, đảng Dân Chủ, lúc đầu chống đối vụ miễn tội cho ông Nixon nhưng ông đã phát biểu như sau "thời gian đã làm sáng tỏ những diễn biến của quá khứ, và giờ đây chúng ta thấy rằng tổng thống Ford đã hành xử đúng". Sau này, công luận đều có cùng chung ý kiến với nghị sỹ Kennedy.

Và vì giữ đúng lời hứa với một người bạn thâm giao mà ông Ford đã mất cơ hội thắng cử để ngồi lại ghế tổng thống của một cường quốc hàng đầu thế giới.

Cũng vì thế mà người dân Mỹ đã thấy rõ hơn tính lương hảo, sự trung tín, lòng nhân ái của một chính nhân quân tử được nhiều nhân vật tiếng tăm tôn vinh trong các bài điếu văn và các buổi lễ tưởng niệm tại tang lễ ông.

Riêng về những người Việt tỵ nạn trong đợt di tản năm 1975, không ai quên được cánh tay mở rộng của nước Mỹ đã đón nhận những con người nước mất nhà tan bằng những giúp đỡ tận tình, chu đáo qua chính sách của tổng thống Ford. Ông đã đưa ra quyết định như thế để chuộc lại những lỗi lầm do những người tiền nhiệm để lại, những lỗi lầm mà ông không gây nên nhưng định mệnh đã đưa đẩy ông đứng ra hứng chịu hậu quả. Xin tri ân và vĩnh biệt tổng thống Gerald Ford.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG