Đường dẫn truy cập

Thành Tựu Của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam Trong Năm 2006


Năm 2006 là một năm mà giới hữu trách Hà Nội đạt được rất nhiều thắng lợi về mặt đối ngoại trong lúc kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ cao hàng thứ nhì ở Á Châu, sau Trung Quốc. Trong khi đó, phong trào nhân quyền và dân chủ Việt Nam cũng đã có được những thành quả nổi bật mặc dù các nhân vật đối kháng vẫn không ngớt bị chính quyền Cộng sản sách nhiễu và đàn áp. Tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này xin được dành để trình bày cùng quí thính giả một số chi tiết liên quan tới phong trào dân chủ Việt Nam trong năm vừa qua.

Hôm 16 tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, ông Đoàn Mạnh Giao, chủ nhiệm văn phòng chính phủ đã thay mặt chính phủ Việt Nam để nhận lãnh từ bà Thelma Askey, Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ, một bằng tuyên dương có tên là “Quốc gia xuất sắc nhất trong năm 2006”. Tên gọi của bằng tuyên dương này có thể dùng để tóm tắt những thành quả ngoạn mục về ngoại giao và kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2006, trong đó có việc được thu nhận vào WTO, tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC, được chính phủ Hoa Kỳ dành cho qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn và được rút tên ra khỏi danh sách các Quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao, nhận được số đầu tư nước ngoài với mức cao lỷ lục, và được các nhà tài trợ gia tăng những khoản cam kết lên tới gần 4 tỉ rưỡi đô la cho năm 2007. Những thành quả này đã giúp đưa công cuộc phát triển đất nước tiến vào một giai đoạn mới, một giai đoạn mà truyền thông Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn gọi là “tiến ra biển lớn.”

Song song với những kết quả đáng khích lệ này, sự phát triển của phong trào tranh đấu cho dân chủ Việt Nam cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng. Một thành viên của Khối 8406, Luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội cho biết như sau về việc này:

Trong năm 2006 phong trào dân chủ Việt Nam đã có một bước phát triển rất là mạnh mẽ. Chúng ta có thể thấy rằng trong năm 2005 trở về trước phong trào dân chủ Việt Nam chưa phát triển thành những tổ chức cụ thể mà là cá nhân các nhà bắt đồng chính kiến lên tiếng một cách hết sức đơn lẻ. Nhưng sang 2006, từ khi “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam” được công bố và từ đó Khối 8406 được hình thành, tiếp theo là Đảng Dân chủ Việt Nam khôi phục hoạt động, rồi Đảng Thăng Tiến ra đời, Liên minh Dân chủ Việt Nam ra đời, rồi tiếp theo là Công đoàn Độc lập và Liên hiệp Đoàn kết Công Nông ra đời. Đó là bước phát triển về chiều sâu cũng như về tổ chức. Nó đã đoàn kết được tất cả các nhà hoạt động ở trong nước để tạo ra một bước đệm cho sự phát triển của dân chủ Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đây là một thành tựu rất đáng khích lệ của phong trào dân chủ ở trong nước trong năm 2006.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ cũng tán đồng nhận xét của luật sư Nguyễn Văn Đài. Oâng nói thêm rằng năm 2006 chính là năm mà phong trào tranh đấu cho dân chủ Việt Nam bắt đầu tiến vào giai đoạn cuối cùng:

Về phong trào dân chủ chúng tôi cũng thấy có sự khởi sắc với sự hình thành của những tổ chức. Cuối năm 2005, trong một chuyến đi Âu châu chúng tôi cũng đã có nhận xét và dự kiến là phong trào dân chủ sẽ bước vào giai đoạn mới mà chúng tôi gọi là giai đoạn cuối cùng của cuộc vận động dân chủ. Đây là giai đoạn sẽ đi vào công khai, đi vào tổ chức, và sẽ trực diện đối lập đối với Đảng Cộng sản. Năm 2006, chúng ta có thể thấy phong trào đã bước vào giai đoạn đó. Chúng tôi tin rằng đây là giai đoạn cuối cùng vì một khi đã có sự trực diện giữa những người dân chủ với những người Cộng sản đang cầm quyền thì chắc chắn phải đi đến một giải pháp. Năm 2006 đảng Cộng sản cũng phải tìm cách để thích nghi với tình hình mới, tức là tình hình để chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hội nhập thật sự về mặt kinh tế vào thế giới. Một khi hội nhập thật sự thì phải có những thay đổi rất quan trọng về nhiều mặt để có thể đáp ứng với sự hội nhập đó.

Trong khi đó, một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho rằng vụ án Tổng Cục 2 là một diễn tiến quan trọng đối với phong trào dân chủ Việt Nam trong năm vừa qua. Theo ông, sự tranh đấu quyết liệt của những người mà ông gọi thành phần dân chủ cả trong và ngoài đảng Cộng sản để chống lại thế lực bảo thủ thân Trung Quốc đã giúp cho đảng đương quyền cải tổ được hàng ngũ lãnh đạo, chặn đứng được âm mưu lừa cho Việt Nam tự cô lập mình để phải chui vào tay áo của Trung Quốc. Oâng cho rằng nhờ vậy mà tiến trình dân chủ hóa Việt Nam đã được đặt vào đường ray đúng, và Việt Nam giờ đây đã được thu nhận vào WTO và bình thường toàn bộ các mối quan hệ với Hoa Kỳ. Sau đây là vài lời của giáo sư Nguyễn Thanh Giang:

Ở Việt Nam, năm 2006 được ghi nhận với hai sự kiện lớn. Một là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Hai là một thời Kỳ mới của mối bang giao hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ đã được mở ra. Có người cho rằng đây là một thắng lợi của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Cộng sản Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng đây là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này đã được tạo nên chủ yếu là do sự đóng góp của các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam ở trong và ngoài nước. Những nhà hoạt động đã tiến hành một cuộc đấu tranh rất kiên trì, quyết liệt trên lãnh vực tư tưởng chính trị và góp phần chuyển hóa nhận thức tư tưởng trong quảng đại xã hội, đặc biệt là ngay cả trong bộ phận đầu não của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó đã tạo được chỗ dựa cho các thành phần tiến bộ trong Ban Chấp hành Trung ương cũng như trong Bộ Chính trị để họ có thể đương đầu với các thế lực bảo thủ, lạc hậu, dốt nát nhưng lại được bảo trợ bởi các thế lực thần quyền đen tối.

Mời quí vị bấm vào link ở trên để theo dõi toàn bộ bài tường trình do Duy Ái thực hiện:




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG