Đường dẫn truy cập

Các lãnh đạo Châu Phi đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Trung-Phi


Các lãnh đạo của hơn 40 nước Châu Phi đang đến Bắc Kinh để tham dự một cuộc hội nghị thượng đỉnh vĩ đại nhằm tăng cường quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Châu Phi. Trung Quốc đã mời các nhà lãnh đạo đến để hoàn tất những vụ mua bán dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác để nuôi dưỡng nền kinh tế đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Trong nhiều ngày qua, thủ đô Bắc Kinh đã chuẩn bị tiếp đón các quan khách Châu Phi với những ngọn đèn lồng treo trên đường phố và những tấm bảng khổng lồ đầy màu sắc quảng bá tình hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi.

Tại một buổi lễ bên trong viện bảo tàng quốc gia hôm nay, các giới chức Trung Quốc đã khai trương một loạt các tem thư kỷ niệm cuộc hội nghị thượng đỉnh và một cuộc triển lãm nghệ thuật Châu Phi.

Đằng sau những buổi lễ rầm rộ này có đến 2,500 vụ mua bán dầu hỏa và các tài nguyên khác mà Trung Quốc muốn mua của các nước Châu Phi. Một số các vụ mua bán này sẽ được ký kết khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào gặp các quan khách.

Tính tổng cộng cuộc hội nghị có tên là Diễn Đàn hợp tác Trung-Phi này sẽ bao gồm 48 nước Châu Phi, và sẽ được đại diện bởi các nhà lãnh đạo hay các phái đoàn chính thức.

Trong số những người tham dự có bà Ellen Johnson Sirleaf, tổng thống nước Liberia, là nước đã đạt được một thỏa thuận khai thác năng lượng với Trung Quốc trong tuần này.

Tôi trù liệu là toàn thể Châu Phi sẽ nhìn vào sự thay đổi vĩ đại của Trung Quốc, rằng chúng ta sẽ thấy sự hợp tác hiện đang diễn ra giữa Châu Phi và Trung Quốc, và mưu tìm những phương cách mới để có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Phát biểu của tổng thống Liberia phản ánh sự tin tưởng mà nhiều nhà lãnh đạo Châu Phi bày tỏ khi đến Trung Quốc. Một thành viên trong phái đoàn Nigeria, không cho biết tên, nói rằng không giống như trong quá khứ, khi các cường quốc thực dân rút tỉa tài nguyên của Châu Phi, lần này người Châu Phi đang thương lượng trên cơ sở bình đẳng.

Hoàn cảnh trước đây là một tai ương trong lịch sử. Chúng tôi đã bị bắt làm thuộc địa, bị hiếp đáp tàn nhẫn,và các nguồn nhân lực và tài nguyên của chúng tôi bị tước đoạt. Tuy nhiên, lần này chúng tôi không cho đây là một hình thức tân thuộc địa. Chúng tôi coi tình hình này như là có lợi cho tất cả mọi phe. Chúng tôi không đi xin xỏ mà chúng tôi thương lượng với những gì chúng tôi có.

Những gì mà Châu Phi có là rất nhiều dầu hỏa mà Trung Quốc mong muốn.Trên cương vị nước tiêu thụ dầu lớn vào hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa kỳ, Trung Quốc năm ngoái đã nhập khẩu 38,4 triệu tấn dầu của Châu Phi.

Một số nước phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc là đổ tiền vào các kho bạc của Châu Phi trong khi bỏ qua tình trạng nhân quyền và môi sinh tại lục địa này. Trung Quốc đã bác bỏ lời chỉ trích này và nói rằng họ tuân thủ một chính sách không can thiệp vào nội bộ các nước khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG