Đường dẫn truy cập

Phụ nữ, Thuốc lá và Tương lai


Số phụ nữ hút thuốc ngày càng gia tăng trong khi tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có chiều hướng đi xuống, theo một bản phúc trình mới công bố tại Hội nghị quốc tế về Ung thư và Kiểm soát Thuốc lá tại Washington trong tháng này. Câu chuyện Phụ Nữ kỳ này thuật lại nội dung bài viết của biên tập viên Roseanne Skirble của VOA nói về hiện tượng này, cùng với bài nói về mức độ nguy hại của khói thuốc đối với những người không hút thuốc của biên tập viên Caty Weaver.

Bản phúc trình có tựa đề là Turning a New Leaf: Women, Tobacco and the Future, xin tạm dịch là Lật qua một trang mới: Phụ nữ, Thuốc lá và Tương lai. Bản phúc trình nêu bật mối nguy hiểm về sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá đối với phụ nữ trong thế kỷ thứ 21. Tác giả bản phúc trình, bà Lorraine Greaves, là giám đốc điều hành Mạng lưới Quốc tế Phụ nữ Chống Thuốc lá.

“Ngay lúc này, có 12 % phụ nữ trên thế giới hút thuốc lá, và đến năm 2025 thì tỷ lệ dự kiến sẽ tăng lên đến 20%.”

Bà Greaves nói rằng trong khi tỷ lệ nam giới hút thuốc lá hiện giờ cao gấp 4 lần, nhưng các cuộc khảo cứu của Liên hiệp quốc cho thấy ở đa số các nước, các thiếu nữ đang tập thói quen hút thuốc lá nhanh không kém các thanh niên.

“Sự kiện này cho thấy là số phụ nữ hút thuốc lá sẽ tăng lên bởi vì tại nhiều nước trên thế giới, nhiều thiếu nữ bắt đầu hút thuốc sớm hơn.”

Bản phúc trình nói rằng phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc sản xuất thuốc lá. Tính đến năm 2010, thì 85% khối lượng thuốc lá trên thế giới sẽ được trồng ở thế giới thứ ba, theo một cuộc khảo cứu của Liên hiệp quốc.

Bà Greaves nói rằng tuy diễn biến này có thể làm gia tăng lợi nhuận công nghiệp, nhưng việc bán, quảng bá và sản xuất các sản phẩm thuốc lá có thể gây thiệt hại lớn cho phụ nữ về mặt kinh tế, xã hội và sức khỏe.

“Sự an toàn về kinh tế, thực phẩm và gia đình của những người phụ nữ này lâm nguy vì việc sử dụng thuốc lá hoặc trong nhiều trường hợp vì việc sản xuất thuốc lá, khiến họ rơi vào tình trạng phải làm việc trong những vị trí bị khai thác. Vì thế mà chúng tôi rất lấy làm lo ngại. Các điều kiện làm việc có hai cho sức khỏe và eo hẹp về kinh tế ở điểm là phụ nữ được trả lương rất thấp và đưa đến nhiều vấn đề cản ngăn cản bước tiến thân của phụ nữ.”

Các chuyên gia y tế tại Hội nghị quốc tế năm 2006 về ung thư và Thuốc lá – nơi bản phúc trình được công bố – kêu gọi cộng đồng toàn cầu thực thi Khung sườn Quy ước của Liên hiệp quốc về Kiểm soát Thuốc lá.

Quy ước được sự chấp thuận của 134 quốc gia này cấm chỉ vệc quảng cáo thuốc lá, và buộc phải ghi rõ lời cảnh báo về những nguy hại cho sức khỏe trên nhãn các sản phẩm thuốc lá và ủng hộ việc cấm hút thuốc ở những nơi công cộng. Bà Greaves nói rằng điều cấp thiết là các quốc gia phải chấp nhận những điều khoản này.

“Dù cho tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá trong khối dân của họ còn thấp ở mức từ 2 đến 5%, thì các nước này cũng phải có chương trình phòng chống và bài trừ thuốc dành riêng cho từng giới ngay tức thời chứ không phải đợi đến khi tỷ lệ lên đến 50 hay 60%.”

Bản phúc trình đề nghị các chương trình giáo dục công cộng phổ biến rộng để nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc lá. Bà Patricia Lambert thuộc Bộ Y tế Nam Phi và cũng là một tác giả của bản phúc trình, nói rằng trong cuộc chiến chống thuốc lá, những người bảo vệ sức khỏe của nước bà đang theo một khuôn mẫu đã được định trong cuộc chiến lịch sử chống chế độ apacthai.

Nơi nào có thể tổ chức từng nhóm, từng gia đình và từng khu phố để nhận những thông điệp như chống chế độ apacthai trước đây để tiến tới hòa bình và công lý xã hội trong cộng đồng, thì nay chúng tôi hy vọng dùng sách lược giống như thế trên căn bản ngày càng nhiều để đem đến khái niệm rằng thuốc lá là một chất chung cuộc sẽ gây bệnh tật hay làm chết người hay sẽ làm ta nghèo đi trong khi sử dụng nó.”

Các tác giả của bản phúc trình hy vọng giới quyết định chính sách và công chúng sẽ cứu xét những phát hiện mới của bản phúc trình và hợp tác trong việc ngăn chặn những điều mà bản phúc trình đã tiên liệu có thể biến thành hiện thực.

Trong khi đó, bộ trưởng y tế Hoa Kỳ nói rằng ngửi khói thuốc ở bất cứ mức độ nào cũng có hại.

Thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của nhiều ngàn người không hút thuốc, nhưng trẻ em là những người đặc biệt có nguy cơ chịu những độc hại của khói thuốc.

Ngày càng có những bằng cớ khoa học về sự những mối nguy hại do những người hút thuốc gây ra cho những người không hút. Nay thì nhân vật đứng đầu ngành y tế tại Hoa Kỳ xác nhận rằng không thể chối cãi được về bằng chứng đó nữa. Giới chức này khẳng định khói thuốc lá là một nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe của công chúng.

Mới đây, tổng giám đốc y tế Hoa Kỳ, bác sĩ Richard Carmona đã công bố bản phúc trình cặn kẽ nhất từ trước đến nay về vấn đề ngửi khói thuốc. Chẳng hạn, bản phúc trình nói rằng nguy cơ những người không hút thuốc bị ung thư phổi tăng thêm 30% nếu họ chung sống với một người hút thuốc.

Bác sĩ Carmona nêu lên các mối nguy hại đối với trẻ em phải ngửi khói thuốc. Các em nhỏ này càng ngày càng có nguy cơ bị các hội chứng đột tử, những chứng bệnh trầm trọng về đường hô hấp và nhiễm trùng tai. Bản phúc trình cho biết cha mẹ hút thuốc cũng làm cho phổi của con em bị chậm tăng trưởng.

Trẻ em đặc biệt bị nguy cơ do các hóa chất độc hại trong khói thuốc gây ra vì cơ thể các em còn đang phát triển.

Người mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai sẽ sinh con bị thiếu cân, mà trẻ em thiếu cân thì có thể gặp nhiều rắc rối về vấn đề sức khỏe.

Theo tổng giám đốc y tế Hoa Kỳ, hít phải khói thuốc do người khác thở ra ở mức độ nào đi chăng nữa cũng đều nguy hại. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ở trong một căn phòng đầy khói thuốc lá là thấy ngay ảnh hưởng trong sự lưu thông của máu.

Các khoa học gia đã ước tính rằng tại Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng 50 ngàn người trưởng thành chết vì hít phải khói thuốc của người khác. Phần lớn những người không hút thuốc này chết vì đau tim, những người khác chết vì ung thư phổi. Ngoài ra, có chừng 430 trẻ sơ sinh chết vì hội chứng đột tử vì hậu quả của ngửi khói thuốc.

Các khoa học gia đã xác định được hơn 50 chất gây ung thư trong khói thuốc lá từ người khác. Khói thuốc cũng làm hư hoại các dộng mạch và làm giảm khả năng của quả tim trong việc điều chỉnh những nhịp đập bất thường.

Bản phúc trình nói rằng cách ly những người hút thuốc với những người không hút thuốc hoặc tìm cách làm sạch bầu không khí trong các tòa nhà không đủ phải là biện pháp bảo vệ đầy đủ. Bác sĩ Carmona nêu ra tiến bộ trong việc lập những nơi công cộng không có khói thuốc ở Hoa Kỳ. Kết quả các thử nghiệm về máu cho thấy con số người Mỹ phải sống trong môi trường ám khói thuốc lá do người khác hút đã ít hơn trước kia, và mức độ khói thuốc mà họ phải hít thở từ người khác cũng giảm đi kể từ cuối thập niên 1980.

Tuy nhiên, vẫn theo ông tổng giám đốc y tế Hoa Kỳ nói rằng gần một nửa những người không hút thuốc ở Hoa Kỳ vẫn còn phải hí thở khói thuốc ở trong nhà, ở nơi làm việc, hoặc ở cả hai nơi.

Bản phúc trình đầu tiên của bộ y tế Hoa Kỳ cảnh báo về các mối nguy hại của thuốc lá được đưa ra vào năm 1964.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG