Đường dẫn truy cập

Thi sĩ, giáo sư Anh ngữ John Balaban của trường đại học bang Carolina và văn hóa chữ Nôm của Việt Nam


Trong Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này, mời quý vị nghe cuộc phỏng vấn ông John Balaban, thi sĩ, và là giáo sư Anh ngữ cho chương trình sáng tác tại trường đại học tiểu bang Carolina ở thành phố Raleigh về một hội nghị của các nhà ngữ học quốc tế vừa được tổ chức tại Huế nhân dịp kỷ niệm 700 năm cố đô.

Ông John Balaban đã viết 12 tác phẩm thơ và văn xuôi, trong đó có 4 tập đã được giải Lamont của Viện Hàn Lâm các Thi sĩ Mỹ, và 2 lần được đề nghị giải Sách toàn quốc.

Ông cho biết đến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông đã tình nguyện tham gia một tổ chức chăm sóc trẻ em bị thương tật vì chiến tranh. Nhờ đó ông có dịp đi qua những vùng nông thôn nói chuyện với phụ huynh các em này. Những lúc đi trên các chuyến đò, hay ở sau hè nhà để chờ họ quyết định về số phận các em, ông thường nghe được những câu ca dao và rất thích. Ông đã trở lại Việt Nam để ghi âm những bài ca dao đó và đem về Mỹ nghiên cứu.

Cuối năm 2000, ông Balaban đã cho xuất bản một cuốn sách dịch 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương với phần đối chiếu bản bằng tiếng Nôm và tiếng quốc ngữ ra Anh ngữ.

Trong thời gian soạn dịch thơ Hồ Xuân Hương, ông Balaban đã cùng với một số nhà ngôn ngữ học như tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn và ông Đỗ Bá Phước thành lập một tổ chức có tên là Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm với mục đích giúp nhiều người tiếp cận với các di sản văn hóa chữ nôm bằng các khai triển các công cụ điện toán để mã hóa, ấn loát và trao đổi các văn bản bằng tiếng nôm trên mạng Internet. Hội đặt cơ sở tại tiểu bang North Carolina, nơi ông Balaban đang sinh sống và làm việc, nhưng đa số công tác phát xuất từ New York, là nơi định cư của tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn. Hội cũng có một văn phòng gọi là Nôm Na ở Hà Nội, với 4 người làm việc

VOA: Ông có thể tóm lược các thành quả Hội đã đạt được trong thời gian vừa qua?

“Một trong các thành quả của chúng tôi là số hóa được khoảng 2 ngàn chữ tiếng Nôm và đưa vào bộ nhớ truy cập nhanh.

VOA: Ông vừa dự một hội nghị ở Huế. Xin ông cho biết các chi tiết về hội nghị này.

“Hội nghị diễn ra ở Huế là hội nghị quốc tế lần thứ hai về nghiên cứu chữ Nôm. Hội nghị lần thứ nhất do tổ chức của tôi và Viện Hán Nôm ở Hà Nội tổ chức. Hội nghị đó lần đầu tiên quy tụ tại Hà Nội các học giả từ khắp nơi trong nước Việt Nam và các học giã từ Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Bỉ và Hoa Kỳ. Chúng tôi lại đồng tổ chức một lần nữa tại Huế, lần này được sự hợp tác của các giới chức thành phố Huế, vì đây cũng là dịp kỷ niệm 700 năm lịch sử thành phố này. Có rất nhiều người tham dự, chẳng hạn như giáo sư Nguyễn Thạch Hãn ở Matxcơva, một số học giả ở Đài Loan, lần này còn có sự hiện diện của nhiều học giả ở ngay tại Huế. Hội nghị kéo dài 2 ngày tại Trung Tâm nghiên cứu Điện Toán Huế. Kỳ này chúng tôi bàn nhiều hơn về khả năng tiếp cận chữ Nôm qua máy điện toán.”

Ông Balaban nói rằng nhiều học giả thuộc trường phái cổ thường không làm việc bằng máy điện toán, nhưng đặc biệt kỳ này, ông thấy rất nhiều người trong giới văn học Việt Nam rất trẻ tuổi, thuộc lứa 20, 30, làm việc bằng máy điện toán, và có một người đã biểu diễn một chương trình nhu liệu thử nghiệm có thể viết một chữ nôm lên màn hình, rồi bấm một cái nút là tự động hiện ra chữ tương đương bằng quốc ngữ trong tự điển. Ông Balaban nói rằng vì chữ nôm chưa hề được in ra nên có nhiều văn bản, không riêng các tác phẩm văn chương, mà cả các tài liệu về y học, nhạc, kịch, sổ sách nhà nước, phần lớn được tàng trữ trong các thư viện tư nhân hay các thư viện công cộng mà rất ít người được tiếp cận.

Ngoài ra còn các tài liệu bị đem ra khỏi nước, nhiều tài liệu chữ nôm được tìm thấy ở Pháp, ở Madrid hay ở điện Vatican mà người Việt Nam không tiếp cận được. Điểm thuận lợi của việc điện toán hóa chữ nôm là có thể chuyển các tài liệu qua Internet và toàn bộ văn bản có thể được trao đổi giữa các học giả làm công tác nghiên cứu cho dù họ đang ở nơi nào trên thế giới. Đó là một thuận lợi rất lớn cho lịch sử cả ngàn năm chữ viết theo lối cổ của Việt Nam.

VOA: Phần đóng góp về phía Việt Nam ra sao đối với công trình nghiên cứu của Hội, và sự đáp ứng về phía quần chúng như thế nào ạ?

“Có điều lạ là trong khối dân 80 triệu người ở Việt Nam, chỉ có khoảng 100 người có khả năng đọc chữ nôm. Hiện tượng khác thường là cả ngàn năm văn hóa không đến được với đại đa số quần chúng chưa được nghe nói đến nền văn hóa đó. Vì thế, nếu chữ nôm không được dịch hoàn toàn ra chữ quốc ngữ, thì phần đông dân chúng Việt Nam sẽ không bao giờ tiếp cận được với nội dung của nền văn hóa đó. Nhiều người không nhận ra điều này. Nếu đi qua một nghĩa địa, hay những lịch treo tường, ta sẽ thấy rất nhiều chữ tiếng Nôm quanh mình. Đi vào các đền đài ta cũng thấy nhiều chữ nôm khắc trên các cột mà nhiều người không đọc được.”

VOA: Ông đang tiến hành một dự án dịch Truyện Kiều. Ông có đọc một số bản dịch truyện Kiều sang Anh ngữ chưa, và ông nghĩ rằng ông có thể làm gì khác hơn?

“Tôi biết có hai bản dịch. Một do nhà xuất bản Khai Trí Saigon phát hành năm 1968, dịch giả là ông Lê Xuân Thủy. Đó là một bản dịch chuyên nghiệp và vẫn còn được lưu hành ngày nay. Bản dịch này rất có giá trị, đặc biệt nhờ những lời chú giải của dịch giả. Tôi cũng biết một bản dịch Kiều nữa của Huỳnh Sanh Thông thuộc trường đại học Yale, dưới dạng văn vần. Tôi nghĩ tôi có thể làm một điều gì khác. Khả năng đặc biệt của tôi là trước khi và đồng thời với mối quan tâm về văn chương Việt Nam, tôi còn là một thi sĩ ở Mỹ, tôi có thể đưa tài làm thơ của tôi vào công tác dịch thuật. Chẳng hạn như mọi người đều biết, dạng thơ gọi là lục bát của Việt Nam, tôi nghĩ tôi có thể tạo một hình thức thơ lục bát tương tự trong Anh ngữ. Ngoài ra, vì làm việc cho Hội Bảo vệ Di sản chữ Nôm, tôi có điều thuận lợi là có thể so sánh với nguyên bản Truyện Kiều bằng tiếng nôm của Nguyễn Du. Chỉ có vấn đề là không biết dựa vào bản chữ nôm nào. Hiện giờ, chúng tôi đã phổ biến trên mạng 6 phiên bản từ năm 1886 đến năm 1902, vấn đề là phiên bản nào gần nhất với nguyên bản của cụ Nguyễn Du. Đó là điều không ai biết được, bởi vì cụ Nguyễn Du có thể viết vào khoảng năm 1790, và cũng không ai khẳng định được điều này. Tuy nhiên, cho đến nay thì văn bản xưa nhất có được là năm 1860.

Ông Balaban cho biết dự án này còn đang ở trong giai đoạn số hóa các phiên bản chữ nôm vừa nói. Ông có nhã ý đọc mấy vần thơ do ông cảm tác khi dịch thơ của Hồ Xuân Hương để làm lời kết cho bài phỏng vấn này.

Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy, tình lờ lai rai

Trăm năm, tiếng khéo ngân dài
Trên sông, cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương

Quý vị vừa nghe nội dung cuộc nói chuyện với thi sĩ John Balaban, giáo sư Anh ngữ tại trường đại học tiểu bang Carolina ở Raleigh, vừa tham dự một hội nghị nghiên cứu chữ nôm ở Huế hồi đầu tháng 6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG