Đường dẫn truy cập

Kho Báu Tiền Cổ Đại Việt


Sách viết về tiền cổ Việt Nam khá hiếm hoi, và từ trước đến nay những hình ảnh trong các cuốn sách này thường phải dựa nhiều vào tư liệu ảnh chụp, hình vẽ mà thôi. Mới đây, một cuốn sách chụp bộ sưu tập tiền cổ quí hiếm của Việt Nam do một nhà sưu tập trong nước sở hữu đã được Bảo Tàng Viện Việt Nam cho xuất bản. Chúng tôi đã tiếp xúc với Giám Đốc Bảo Tàng Viện Lịch Sử Việt Nam, tiến sỹ Phạm Quốc Quân, và chuyên gia về tiền cổ, giáo sư Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Sử Học Việt Nam để hỏi về cuốn sách này. Mời quí vị nghe Lan Phương trong các chi tiết sau đây :

Mục đích chính của cuốn sách tựa đề Kho Báu Tiền Cổ Đại Việt là trình bày, bằng hình ảnh, bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam hiện do ông Nguyễn Đình Sử sở hữu.

Có lẽ đây là lần đầu tiên một cuốn sách về tiền cổ Việt Nam được ra đời dựa trên ảnh chụp từ những hiện vật có trong tay thay vì phải sao chép từ ảnh chụp hoặc ảnh vẽ từ các thư viện hoặc tài liệu khác.

Nói về lý do tại sao cuốn sách trình bày hình ảnh một bộ sưu tập của tư nhân mà lại được Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, Giám Đốc Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, tiến sỹ Phạm Quốc Quân, cho biết như sau:

Trước hết tôi thấy đây là một bộ sưu tập mà cho đến nay đã được đánh gía là bộ sưu tập lớn nhất ở Việt Nam, và nó có đầy đủ các đồng tiền thuộc tất cả các triều đại của lịch sử Việt Nam và ở trong đó có rất nhiều các đồng tiền quí hiếm, những đồng tiền không những có những niên đại sớm mà nó còn có một cái tính đặc biệt quí hiếm của nó. Chính vì điều đó mà chúng tôi rất quan tâm đến bộ sưu tập này.

Một điểm thứ hai nữa là những bảo tàng đang có xu hướng là cùng phối hợp với những tư nhân theo hướng xã hội hóa để cùng phát huy những bộ sưu tập đó theo nhiều cách. Thứ nhất là phối hợp với những tư nhân để trưng bày ở các bảo tàng nhà nước, làm phong phú thêm những sưu tập vốn có của bảo tàng; nhà nước có thêm được những hoạt động phong phú trong hoạt động hàng năm. Cái hình thức thứ hai là giúp cho họ, đỡ đầu cho họ, để họ công bố những sưu tập đó để đến với công chúng, đến với bạn đọc và phổ biến những sưu tập đó ra bạn đọc ở nước ngoài.

Bộ sưu tập đã qua những giám định của một số những chuyên gia về tiền cổ, trong số này có giáo sư Đỗ Văn Ninh, nguyên phó viện trưởng viện sử học Việt Nam và ông Hùng Bảo Khang, Tổng thư ký Hội Nghiên Cứu Tiền Tệ Quảng Tây của Trung Quốc, để được xác nhận về tính cách xác thực của nó.

Nhận định về đặc điểm của bộ sưu tập, giáo sư Đỗ Văn Ninh tóm tắt: đó là một bộ sưu tập “quí hiếm và phong phú”.

Phong phú và quí hiếm là vì nó qui tụ những đồng tiền trải dài suốt từ thời Đinh, Tiền Lê,Lý,Trần,Hồ,Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Triều Tây Sơn đến Triều Nguyễn mà từ trước đến nay không ai co nhiều như vậy.

Điều thứ nhì, bộ sưu tập qui tụ được rất nhiều đồng tiền, ví dụ như tiền Cảnh Hưng với những dấu vết cho thấy là vào thời ấy việc đúc tiền không chỉ giới hạn riêng tại triều đình mà rộng khắpø từ quốc khố cho tới tư nhân, từ trung ương tới địa phương. Sự kiện này phản ánh một số thực trạng kinh tế, chính trị và xã hội nhiễu nhương của quốc gia thời đó.

Chuyên gia Đỗ Văn Ninh nêu thí dụ về hàng trăm đồng Đại Trị Thông Bảo trong bộ sưu tập với cả trăm thư pháp khác nhau:

Đồng Đại Trị Thông Bảo, riêng cái chữ đại chỉ có 3 nét thôi,1 nét gạch ngang và 2 nét xuống thôi, mà nó hơn 100 chữ Đại khác nhau, tất nhiên là mỗi một kiểu chữ lại viết khác nhau, người ta gọi là rồng bay phượng múa là như thế.

VOA: Vậy là ít nhất đã có 100 mẻ (tiền) ra lò ?

Ít nhất là có 100 lần làm khuôn khác nhau, mỗi một lần làm khuôn lại phải viết lại chữ, gạch lại trên cái khuôn, rồi sau đó mới có một cái khuôn để mà đổ nước đồng vào. Sau khi đúc được một vài lần thì lại phải vứt đi, lại phải bắt đầu làm một cái khuôn khác. Trên các đồng tiền này, cái số chữ nó hòan toàn khác nhau, ai cũng có thể phân biệt được, thì để nói rằng nó đã in quá nhiều lần, và mỗi lần như thế thì những người thợ đó, người viết đó,là thợ,nhưng mà thợ trí thức một tí, thì cái người ấy đã trổ tài viết nhiều lần khác nhau, thì cái số lần để viết cái chữ ấy nó phong phú quá. Nếu mà sưu tập như anh ta, mà đây là lần đầu tiên một người sưu tập hơn 100 loại hình như thế, đem bày tất cả ra cái bàn thì chỉ riêng chữ Đại Trị Thông Bảo, riêng cái đòng tiền ấy thôi, thì nó đã thành ra một cái mảng màu sắc rất là đặc biệt, rất là phong phú.

Chủ nhân bộ sưu tập nói rằng ông muốn là hình ảnh của những đồng tiền tự nó đã nói lên ý nghĩa mà không cần phải dài dòng, cho nên khi mở từng trang, người ta thấy cuốn sách được in ấn rất công phu và mỹ thuật, nổi bật trên nền trắng và đen của những trang sách là hình ảnh các đồng tiền cổ đầy màu sắc của các triều đại được chụp lại đúng với tầm vóc của nó, bên cạnh là những hình phóng lớn.

Kho Báu Tiền Cổ Đại Việt với gần 1000 ấn bản chỉ để dành làm quà tặng, không bán trên thị trường, và nghe nói nó sẽ là quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia đến dự hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương tức APEC, sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào sau này trong năm.

Nếu quả thực như vậy, đây sẽ là món quà rất có ý nghĩa, vì nó liên quan đến khía cạnh kinh tế của những thời đại đã qua trong lúc Việt Nam chuẩn bị bước vào một vận hội mới, đó là gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG