Đường dẫn truy cập

Nữ ký giả người Mỹ gốc Việt Phương Ly nhận xét về sự hòa đồng của các sắc dân khác nhau tại Hoa Kỳ


Trong câu chuyện Phụ nữ kỳ trước, Minh Phượng đã thuật lại nội dung cuộc phỏng vấn cô Lý Yến Phương, tức Phuong Ly, từng làm ký giả cho The Washington Post, một trong các nhật báo có nhiều uy tín nhất tại Hoa Kỳ, nhân dịp cô được mời đến đài VOA để nói chuyện trong ngày liên hoan các sắc dân khác nhau ở Hoa Kỳ. Kỳ này, Minh Phượng xin lược dịch bài phát biểu được cử tọa rất tán thưởng này.

Theo đúng ý nghĩa của tên gọi “Hiệp Chủng Quốc”, Hoa Kỳ là tập hợp của rất nhiều sắc dân trên khắp thế giới, và sống rất hòa đồng với nhau. Vấn đề di dân mới đây lại được đặc biệt chú ý khi Tổng thống Hoa Kỳ đệ trình một dự luật mới để Quốc hội phê chuẩn.

Sự đa dạng của các sắc dân có thể tạo ra những vấn đề xã hội, nhưng chính sự đa dạng ấy đã đem lại các đặc trưng của nền văn hóa Mỹ.

Từ 5 năm nay, đài VOA đã dành 1 ngày trong tháng 5 để vinh danh sự hòa đồng của các sắc dân thể hiện ngay tại trụ sở đài, nơi quy tụ nhiều sắc dân trong số nhân viên làm công tác phát thanh bằng 44 ngôn ngữ trên thế giới.

Trong buổi liên hoan năm nay diễn ra vào tuần trước, một nữ ký giả người Mỹ gốc Việt đã được mời đọc bài phát biểu chính. Đó là cô Phuong Ly, tức Lý Yến Phương, đã từng làm việc cho báo The Washington Post từ năm 1999 và đã đoạt hai giải thưởng toàn quốc nhờ các bài viết về các sắc dân khác nhau trong xã hội Hoa Kỳ.

Cô Phương nói rằng phải mất nhiều năm cô mới hiểu và tán dương được sự hợp nhất qua tính đa dạng, và sự đa dạng đã tạo ra được nhiều sắc thái khác nhau, là chủ đề của buổi liên hoan mà cô được mời tham dự và phát biểu.

Cô Phương kể lại rằng cô đã lớn lên tại một tỉnh nhỏ ở tiểu bang North Carolina, và lúc còn bé không muốn khác người tí nào. Nhưng ở một tỉnh nhỏ như thế thì khó lòng mà che giấu được một gia đình gốc Việt. Cô nói gia đình cô ăn những món có mùi lạ, hàng xóm láng giềng thắc mắc về những loại cây bí hiểm trồng trong vườn nhà cô. Vì cha mẹ cô lúc mới sang không nói tiếng Anh nên cô phải đóng vai thông dịch. Lúc đi mua căn nhà đầu tiên, cha mẹ cô bắt cô hỏi người trung gian bán nhà xem có chắc là không có người chết trong căn nhà đó hay không vì ông bà không muốn ở trong một căn nhà có ma. Cô vẫn nghĩ rằng mình xuất thân từ một trong những gia đình kỳ quặc nhất.

Khi cô ra khỏi tiểu bang North Carolina và đến thủ đô Washington lần đầu vào năm 1996, thì cô lấy làm lạ là không mấy ai thắc mắc về việc cô là người Việt Nam. Nhưng cô nhận thấy mình khác với mọi người khi cấp trên của cô ở tòa báo giới thiệu cô với các bạn đồng sự và nêu nhận xét về giọng Mỹ miền nam của cô.

Thế nhưng sau nhiều năm, cô Phương nhận ra rằng cô rất biết ơn sự khác biệt của mình. Chức năng của người ký giả là đem lại thông tin cho độc giả về sự vận hành trên thế giới, nếu mọi người đều giống nhau và có cùng một cách nhìn sự việc thì các bài viết sẽ rất nhàm chán. Chính sự khác biệt giữa các ký giả đã giúp họ làm công việc của mình tốt hơn.

Một trong những bài viết của cô trong năm vừa qua là về cái máy rửa bát đĩa, và tại sao di dân Việt thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba vẫn thích rửa bát bằng tay vì thói quen đã được cha mẹ dậy là không nên tin tưởng vào máy rửa chén bát. Và các nhà sản xuất máy rửa chén không thể hiểu được điều này. Sở dĩ cô có gợi ý viết câu chuyện này là vì cha mẹ cô không bao giờ dùng máy rửa chén bát và mãi đến lúc vào nội trú ở đại học cô mới nhận ra rằng máy rửa chén là để bật lên dùng chứ không phải là cái chạn đựng chén bát. Bài viết này được sự hưởng ứng của rất nhiều người, và cô đã moi móc trong gia đình ra được rất nhiều ý kiến để viết bài. Cô nói với bạn bè rằng cô rất mừng về sự kỳ quặc của gia đình mình, vì nó đã giúp cho sự nghiệp của cô rất nhiều.

Cô Phương kể thêm về một mẩu chuyện cô viết đã giúp cô đoạt một giải thưởng toàn quốc trong năm ngoái. Đó là câu chuyện về một số thanh niên Mỹ da trắng thuộc độ tuổi 30 ở vùng nông thôn tiểu bang Virginia đóng vai các quân nhân tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam vào những ngày cuối tuần. Cô đã hơi ngại ngùng vì không biết họ có muốn cho cô tham dự buổi diễn hay không. Nhưng khi đến nơi, thì đúng như cô chờ đợi, họ lấy làm thắc mắc. Nhưng họ chỉ hỏi tại sao cô lại lớn lên ở North Carolina, họ cứ nghĩ là tất cả các phóng viên làm việc cho báo Washington Post phải là người xuất thân từ các thành phố lớn với các bằng cấp của các trường nổi tiếng. Họ thắc mắc về giọng Mỹ miền nam của cô, và tỏ ra thông cảm và để cho cô tham gia sinh hoạt cuối tuần với họ. Thế là một lần nữa, nhờ sự khác biệt mà cô lại thi hành được phận sự.

Nhiều người cho rằng cô thường có khuynh hướng viết về những người khác thường, và những sự việc khác thường. Trong tư cách một phóng viên, cô nghĩ rằng đó là một cách đưa tin. Cô Phương rút ra kinh nghiệm là sự tiếp xúc với những người khác nhau khiến cô nhận ra rằng mọi người có rất nhiều điểm tương đồng, và những sự kiện, những con người khác nhau dậy cho chúng ta một điều cơ bản về nhân bản.

Cô Phương cho rằng những bài báo hay, những bài tường thuật phát thanh hay là những bài nói về những cảm xúc của con người, như tình yêu, sự sợ hãi, nỗi đau buồn hay niềm vui sướng. Không cần phải thuộc một sắc dân nào mới viết được một thể loại bài nào đó, mà chỉ cần có tính nhân bản, hay ít nhất là sẵn sàng lắng nghe những kinh nghiệm đó.

Về nguồn gốc Việt Nam của mình, cô Phương đã tâm tình với thính giả vào cuối cuộc tiếp xúc với Minh Phượng trong phòng vi âm của đài VOA như sau:

Cô Phương nói rằng mặc dù rời khỏi Việt Nam đã lâu, Việt Nam vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong trái tim cô. Khi lớn lên, cô vẫn nói tiếng Việt tuy không được trôi chẩy nên không dám phát biểu bằng tiếng Việt trước một cử tọa. Nhưng cô là người Việt Nam, một người Mỹ gốc Việt, và cô hãnh diện về nguồn gốc của mình, bởi vì điều đó đã giúp cô trở thành một người tốt hơn, hấp thụ các tinh hoa của cả hai nền văn hóa. Di sản đó đã giúp cô thành công trong nghề nghiệp vì nó đã giúp cô viết những bài rất độc đáo và có các lối suy diễn khác nhau. Cô thực sự biết ơn được là người Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG