Đường dẫn truy cập

Cuộc đời và sự nghiệp của ông Thaksin Shinawatra


Việc từ chức của ông Thaksin Shinawatra đã chấm dứt hạn kỳ của một một nhân vật dân sự giữ chức vụ Thủ Tướng lâu năm nhất trong lịch sử hiện đại của Thái Lan. Diễn biến này không ai có thể ngờ tới cách đây một năm, vì rõ ràng là lúc bấy giờ ông đã tái đắc cử với số phiếu lớn lao. Thông Tín Viên Scott Bobb ở Bangkok có bài về sự nghiệp đáng kể của ông.

Ông Thaksin đã loan báo quyết định từ chức thủ tướng hôm thứ ba bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, cố nén xúc động. Ông nói đã đến lúc phải duy trì tình đoàn kết và hòa giải quốc gia.

Thái độ này khác hẳn thái độ của ông 14 tháng trước đây, khi ông Thaksin tạo một thành tích lịch sử của Thái Lan, vì ông là Thủ Tướng đầu tiên đã hoàn tất nhiệm kỳ hiến định và được nhân dân tin tưởng bầu lại.

Trong khi đi vận động lúc bấy giờ, ông Thaksin, một trong những người giàu nhất Thái Lan, đã trả lời phỏng vấn và giải thích tại sao ông chiếm được cảm tình của người nghèo và nông dân, thành phần chiếm 70% dân số Thái Lan.

Tôi muốn xóa bỏ nạn nghèo khó. Nghèo túng là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta phải giúp đỡ giới nhà nghèo.

Ông Thaksin chào đời ngày 26 tháng 6 năm 1949 trong một gia đình buôn bán tơ lụa, có tổ tiên gốc miền Nam Trung Quốc.

Ông đi học trong tỉnh Chiang Mai ở miền Bắc, nơi sinh quán của ông và sau đó tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Hoàng gia vào năm 1973.

5 năm sau đó, ông tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Tư Pháp Hình Sự ở trường đại học Sam Houston thuộc tiểu bang Texas của Hoa Kỳ.

Trong thập niên 1980, ông lập ra một công ty buôn bán máy nhắn tin điện tử và điện thoại di động, và phát triển công ty này thành một tập đoàn viễn thông với doanh số và vốn liếng lên đến nhiều tỉ đôla.

Đến giữa thập niên 1990 ông mới tham gia chính trị, phục vụ trong một chính phủ liên hiệp với tư cách là bộ trưởng ngoại giao rồi Phó Thủ Tướng, trước khi đứng ra lập một đảng riêng vào năm 1998, lấy tên là đảng Thai Rak Thai, có nghĩa là người Thái yêu người Thái.

Đảng của ông thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2001. Sau khi khắc phục được một trở ngại pháp lý liên quan đến thắng lợi này, ông bắt đầu thực thi các chính sách vẫn được người dân ưa chuộng, ví dụ như trợ cấp bảo hiểm y tế, cho nông dân nghèo vay nhẹ lãi, và giúp đỡ các ngành nghề quy mô nhỏ tại các làng xã.

Ông cũng hạ thấp lãi suất ngân hàng, và hậu quả là kinh tế Thái Lan đã phát triển vì người tiêu dùng đua nhau đi vay tiền để mua sắm, hoặc mua chịu bằng các loại thẻ tín dụng tính lãi suất thấp. Ông Thaksin cũng thanh toán nhiều tỉ đôla nợ nước ngoài, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng các chính sách tiền tệ của ông không bền vững.

Kế đó, chính phủ ông bị các tổ chức bênh vực nhân quyền cáo buộc là quá mạnh tay trong các chiến dịch tận diệt tệ nạn ma túy và chống lại phong trào đòi ly khai tại các tỉnh có nhiều người Hồi giáo ở miền Nam.

Thêm vào đó, những người bênh vực quyền tự do ngôn luận than phiền rằng ông tìm cách bịt miệng những người chỉ trích ông trên báo chí. Và nhiều tổ chức dân sự tố giác ông phá hoại nguyên tắc kiểm tra và cân bằng trong lúc nền dân chủ của Thái Lan vẫn còn chưa ổn định. Họ còn cáo buộc ông đã giúp cho các hợp đồng béo bở của chính phủ lọt vào tay những người quen biết ông trong giới doanh nghiệp và chính trị.

Ông Chris Baker, tác giả của một cuốn sách viết về thời kỳ lãnh đạo của ông Thaksin, nói rằng ông Thaksin là một động lực sáng tạo trong chính trường Thái Lan:

Ông Thaksin thật sự có nhiều chính sách rất tốt, cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Điều đáng tiếc là một người muốn kiểm soát đất nước lại không kiểm soát được chính mình hoặc gia đình mình hoặc bè phái của mình.

Ông Thaksin đã từ chức sau nhiều tháng có những cuộc biểu tình kéo dài và ngày càng lớn; sau khi gia đình ông bán được gần 2 tỉ đôla cổ phần trong công ty do ông thành lập, mà không phải trả đồng thuế nào.

Khi từ chức, ông Thaksin nói rằng ông sẽ vẫn giữ chức lãnh đạo đảng và để ngỏ khả năng có thể quay lại chính trường sau một thời gian đứng bên lề.

Tác giả Baker nói rằng dù tương lai của ông Thaksin có đi về đâu, ông cũng đã góp phần thay đổi khung cảnh chính trị tại Thái Lan:

Ông Thaksin đã nâng cao trình độ nhận thức cho đại đa số người dân trong một xã hội mà trước đây người ta không đặt nhiều kỳ vọng vào chính trị hoặc vào chính quyền.

Tác giả Baker còn nói rằng hậu quả là hàng triệu người Thái, nhất là những người nghèo, và những người ở khu vực nông thôn đã nhận thức được rằng lá phiếu của họ có giá trị và rất quan trọng trong một chế độ dân chủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG