Đường dẫn truy cập

Bang giao Nhật Bản - Ðài Loan


Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Tokyo và Đài bắc đã trở nên nồng ấm hơn giữa lúc Nhật bản và Trung quốc tiếp tục tranh cãi với nhau về nhiều vấn đề. Một số các nhà quan sát cho rằng đảo quốc Đài loan đang có được những điều kiện thuận lợi về ngoại giao với Nhật bản vì Tokyo có ý định hình thành một liên minh quân sự 3 bên với Hoa kỳ và Đài loan để ngăn chận thế lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung quốc trong vùng Á châu. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong mục Nhìn Về Á Châu sau đây:

Chủ tịch Trung quốc, ông Hồ Cẩm Đào, cho rằng việc thủ tướng Junichiro Koizumi của Nhật bản đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo là nguyên do gây ra tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước, và Trung quốc chỉ mở cuộc họp thượng đỉnh với Nhật bản khi nào giới lãnh đạo Tokyo ngưng thực hiện các chuyến thăm viếng ở ngôi đền liệt sĩ có thờ phượng cả những can phạm tội ác chiến tranh này. Ông Hồ Cẩm Đào cho biết như thế hôm thứ sáu vừa qua tại Bắc kinh trong lúc tiếp kiến cựu thủ tướng Nhật bản, ông Ryutaro Hashimoto. Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao nhất giữa các chính khách Nhật bản và Trung quốc kể từ tháng 9 năm ngoái, sau khi Bắc kinh từ chối mở cuộc họp thượng đỉnh với Nhật bản để tỏ ý phản đối việc thủ tướng Koizumi tiếp tục đến thăm đền Yasukuni.

Trong dịp này, ông Hồ Cẩm Đào cũng nói rằng Trung quốc không hề có ý định hay kế hoạch nào để trở thành một nước bá chủ ở Á châu. Nhà lãnh đạo Trung quốc đã tuyên bố như thế để đáp lại những lời chỉ trích của Tokyo và Washington cho rằng Trung quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và không có thái độ minh bạch trong vấn đề chi tiêu quốc phòng. Theo bản phúc trình thường niên được công bố hồi gần đây của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật bản, mối quan hệ không rõ ràng giữa Trung quốc với Đài loan và sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung quốc là những yếu tố quan trọng có thể gây bất ổn cho khu vực Đông Á.

Bên cạnh những vụ tranh cãi vừa kể, Trung quốc và Nhật bản còn tranh chấp với nhau về chủ quyền của một nhóm đảo nhỏ trong biển Nhật bản mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc kinh gọi là Điếu Ngư Đài. Thứ sáu vừa qua, chính phủ Trung quốc đã chính thức phản đối việc Nhật bản tu sửa sách giáo khoa để cho rằng nhóm đảo này là lãnh thổ của mình. Ngoài ra, đôi bên còn chưa giải quyết xong mối tranh chấp liên quan tới vấn đề khai thác dầu lửa và khí đốt trong vùng biển giữa hải phận hai nước ở biển Đông Trung quốc.

Những mối tranh chấp chính trị này đã chính thức lan sang các lãnh vực kinh tế, tài chánh hôm 23 tháng 3 vừa qua, khi chính phủ Nhật bản tuyên bố rằng trong tài khóa sắp tới Tokyo sẽ không cung cấp khoản tín dụng ưu đãi nào cho Bắc kinh. Đây là lần đầu tiên các khoản tín dụng bằng đồng yen bị gián đoạn kể từ khi Nhật bản quyết định dành cho Trung quốc các khoản cho vay nhẹ lãi từ năm 1979.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nhật bản, ông Tomohiko Taniguchi cũng cho biết rằng toàn bộ các khoản tín dụng bằng đồng yen dành cho Trung quốc sẽ bị ngưng chỉ vào năm 2008, khi Trung quốc đứng ra tổ chức Thế Vận Hội.

Trong khi đó, tường thuật của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Tokyo hôm thứ năm vừa qua cho biết một phái đoàn của chính phủ Đài loan sắp sửa đến thăm Nhật bản để tranh thủ sự hậu thuẫn cho nỗ lực của Đài bắc nhằm gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo lời phát ngôn viên của văn phòng đại diện Đài loan ở Tokyo, phái đoàn gồm một đại biểu quốc hội và người đứng đầu một hiệp hội y sĩ Đài loan sẽ gặp gỡ các tổ chức y tế ở Nhật bản nhưng không có kế hoạch hội kiến các giới chức chính phủ ở Tokyo vì Nhật bản và Đài loan không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1972. Trung quốc lâu nay vẫn xem Đài loan là một tỉnh phản loạn; và vì thế, họ phản đối việc Đài loan gia nhập hầu hết các tổ chức quốc tế và đã ngăn chận những nỗ lực trong nhiều năm nay của Đài loan nhằm tham gia Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên.

Năm ngoái, Nhật bản, Hoa kỳ và một số quốc gia hội viên đã tán đồng cho việc đưa vấn đề Đài loan ra thảo luận trong phiên họp thường niên, nhưng rốt cuộc nghị quyết thu nhận Đài loan đã bị đánh bại. Phái viên Reuters trích lời một viên chức chính phủ Nhật không muốn nêu danh tánh nói rằng Nhật bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Đài loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới dưới một hình thức được các phe liên hệ tán đồng.

Diễn tiến vừa kể phù hợp với nhận xét của nhiều nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa Đài loan và Nhật bản đã nồng ấm trở lại trong thời gian gần đây giữa lúc có nhiều mối căng thẳng trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc kinh.

Tường thuật hôm 24 tháng 3 của nhật báo Washington Post cho biết trong chính giới Nhật bản càng lúc càng có nhiều người cho rằng Nhật bản cần ra tay trợ giúp Đài loan trong trường hợp Trung quốc dùng sức mạnh xâm chiếm phần đất từng nằm dưới sự cai trị của Nhật từ năm 1895 đến năm 1945 này. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Nhật bản xích lại gần hơn với Đài loan có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực Đông Á.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, tổng thống Trần Thủy Biển của Đài loan nói rằng hòa bình và ổn định của eo biển Đài loan và an ninh của khu vực Á châu Thái bình dương là mối quan tâm chung của cả Đài loan, Hoa kỳ và Nhật bản; và vì thế, Nhật bản có bổn phận và nghĩa vụ giúp đỡ cho công cuộc phòng vệ của Đài loan. Oâng Trần Thủy Biển cho biết như thế không lâu sau khi ngoại trưởng Taro Aso của Nhật bản khiến cho Bắc kinh tức giận vì ông công khai dùng từ “quốc gia” khi nói tới Đài loan, một hành động có tính cách húy kỵ về mặt ngoại giao đối với các nước có quan hệ chính thức với Trung quốc.

Năm ngoái, các giới chức chính phủ Nhật bản cũng đã khiến cho chính quyền Cộng sản Trung quốc tức giận khi họ ghi trong văn kiện đúc kết cuộc duyệt xét về hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật rằng việc bảo vệ eo biển Đài loan là một “mục tiêu chiến lược chung” của Washington và Tokyo. Chính phủ của thủ tướng Koizumi cũng đang chi tiêu nhiều tỉ đô la để phát triển chung với Hoa kỳ một hệ thống phòng chống phi đạn mà nhiều người cho là nhằm đối phó với mối đe dọa của Bắc triều tiên và với số phi đạn ngày càng gia tăng và tinh vi hơn của Trung quốc. Một số nhà quan sát cho rằng hệ thống này rốt cuộc có thể bao gồm cả Đài loan để trở thành một hàng rào phòng vệ 3 bên chống lại những cuộc tấn công bằng phi đạn của Trung quốc.

Tường thuật của Washington Post trích lời ông Tadashi Ikeda, người đứng đầu văn phòng đại diện Nhật bản ở Đài bắc, nói rằng chính phủ ở Tokyo tiếp tục hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc giải quyết vấn đề Đài loan bằng phương tiện hòa bình. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “Trước đây, nhiều người không rõ là Nhật bản sẽ làm gì khi Đài loan bị Trung quốc xâm lăng, nhưng bây giờ người Đài loan có thể nói rằng cả Hoa kỳ lẫn Nhật bản đều đứng về phía của họ.”

Theo ghi nhận của tờ Washington Post, các giới chức ở Washington hoan nghênh đường lối cứng rắn hơn của Nhật bản trong vấn đề này. Tuy nhiên, giới hữu trách Hoa kỳ cũng tỏ ý quan tâm là một sự chuyển hướng quá đột ngột của Nhật bản đối với vấn đề Đài loan có thể khiến cho tổng thống Trần Thủy Biển trở nên táo bạo hơn và có thể có hành động đưa Đài loan tiến tới chỗ chính thức độc lập và làm bùng ra một cuộc xung đột vũ trang với Trung quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG