Dân biểu Chris Smith của Mỹ mới đây đã kết thúc chuyến viếng thăm 4 ngày tại Việt nam. Trong chuyến đi này, vị dân biểu đại diện tiểu bang New Jerey đã hối thúc giới hữu trách Hà Nội cải thiện thành tích nhân quyền và tôn trọng quyền tự do chính trị của người dân. Ông cảnh cáo rằng ông sẽ vận động để quốc hội Mỹ nối kết tiến bộ của Việt nam về nhân quyền với nỗ lực của Hà nội nhằm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Vị dân biểu giữ chức chủ tịch tiểu ban nhân quyền Hạ viện này đã cho ban Việt Ngữ đài VOA biết một số ý kiến như sau khi ông về lại Washington:
Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cho tự do tôn giáo ở Việt nam và cho mục tiêu là toàn bộ các tù nhân chính trị và tôn giáo phải được trả tự do ngay tức khắc.
Cho đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa đồng ý dể Việt nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy Washington không đưa ra vấn đề nhân quyền như điều kiện để đàm phán trong cuộc thương thảo về Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng bộ ngoại giao Mỹ hồi tháng trước đã quyết định tiếp tục ghi tên Việt nam trong danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Theo dân biểu Smith, thật là một điều không may nếu Việt nam được gia nhập tổ chức mậu dịch toàn cầu này mà không phải chịu trách nhiệm về thành tích nhân quyền của mình:
Chúng tôi rất nghiêm túc về vấn đề này, và bất cứ nước nào không tuân hành các nghĩa vụ này cũng đều gặp phải những biện pháp chế tài. Một tháng rưỡi trước đây, giới hữu trách Hà nội đã ngạc nhiên khi thấy Việt nam tiếp tục bị liệt kê trong danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Thật ra, tôi và một số nhà lập pháp khác ở Hạ viện và Thượng viện đã ra sức vận động để có được kết quả như vậy, bởi vì thành tích nhân quyền không thể nào cải thiện được qua những lời hứa suông. Biện pháp cải cách mà chúng tôi yêu cầu họ thực hiện là cải cách có hệ thống, có tính chất lâu bền, và không thể đảo ngược một cách tùy tiện hoặc đảo ngược một khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Dân biểu Smith củng cho biết thêm như sau:
Điều hiển nhiên là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ giúp Việt nam tiến bộ hơn nữa về mặt kinh tế. Nếu xem xét một cách cục bộ thì tăng trưởng kinh tế là điều tốt. Nhưng nếu quyền chính trị và nhân quyền vẫn bị chà đạp không khác gì thời cách mạng văn hóa ở Trung quốc, thì tiến bộ kinh tế có phản tác dụng. Lý do là vì một chính quyền độc tài sẽ đàn áp dân chúng nhiều hơn một khi chính quyền này mạnh hơn.
Dân biểu Smith cho rằng Hoa kỳ đã học được một bài học đắt giá từ hiệp định thương mại song phương ký kết với Việt nam năm 2000, là hiệp định không hề nêu điều kiện nào về nhân quyền. Theo ông Smith, từ đó tới nay, Việt nam đã bắt giữ nhiều nhân vật chống đối chính phủ, kể cả bác sĩ Phạm Hồng Sơn:
Theo tôi thì Hoa kỳ không thể đạt được tiến bộ trong cuộc đàm phán về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt nam, nếu giới hữu trách Hà nội vẫn bỏ tù những người như Bác sĩ Phạm Hồng Sơn , là người đang ở tù chỉ vì đã phiên dịch một bài viết của Hoa kỳ về vấn đề dân chủ. Quyền tự do diễn đạt là một quyền làm người cao quí được quốc tế công nhận, nhưng chính phủ Việt nam đang ra sức trấn áp quyền này.
Dân biểu Smith cho biết ông cảm thấy phấn khởi trước thái độ lạc quan của một số nhân vật lãnh đạo tôn giáo ở Việt nam, kể cả vị Tổng Giám mục Thiên chúa giáo ở Hà nội , các nhà lãnh đạo Tin lành Phúc âm ở vùng Tây nguyên và những nhân vật bất đồng chính kiến khác mà ông đã gặp trong chuyến viếng thăm này.
Chúng tôi muốn thấy có những tiến bộ đáng kể và lâu bền trong lãnh vực nhân quyền, và cánh cửa này hiện chỉ hé ra một chút. Chúng tôi hy vọng là với nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và sự chú tâm nhiều hơn của thế giới, chính phủ Việt nam sẽ muốn đứng về phía của những nước tự do dân chủ thay vì tiếp tục đàn áp dân chúng. Việt nam cần theo đuổi đường lối Cởi Mở và Tôn Trọng Sự Thật như thời Gorbachev ở Liên sô và họ cần làm ngay bây giờ.
Khi đến thành phố Hồ Chí Minh, dân biểu Smith đã nói chuyện trong 90 phút với Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất. Dân biểu Smith đã so sánh vị tu sĩ đang bị giam lỏng này với ông Natan Sharansky, một trong những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Liên sô cũ.