Để đánh dấu 60 năm ngày độc lập thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra những lời kêu gọi cải cách sâu rộng hơn nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng “lạc hậu” và theo kịp các nước láng giềng đang phát triển nhanh.
Tin của AFP ghi nhận ngày lễ độc lập vào thứ sáu này sẽ được cử hành với một cuộc diễn hành của 13000 người gần lăng mộ của người sáng lập đảng cộng sản và nước Việt Nam mới, ông Hồ Chí Minh, cùng với việc đặc xá cho hơn 10 ngàn 400 can phạm và đốt pháo hoa.
Một chủ đề sẽ là hiện đại hóa, vì các nhà lãnh đạo Việt Nam sốt sắng muốn đẩy mạnh các cải cách đã phát động từ năm 1986 để nới lỏng một hệ thống cứng nhắc do nhà nước nắm hết quyền kiểm soát sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975.
Nhân dịp này, chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ khai trương một cuộc triển lãm các thành tựu trong 2 thập niên cố gắng hiện đại hóa đất nước với khối dân 82 triệu.
Mặc dù đã ghi được thành tích tăng trưởng kinh tế 7% trong những năm vừa qua, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các lân bang trong đó có Trung Quốc, và vẫn phải ứng phó với nạn tham nhũng tràn lan.
Mãi đến năm 1986, Việt Nam mới phát động tiến trình đổi mới, tức là chậm hơn cả thập niên sau khi Trung Quốc tiến hành một chiến dịch tương tự để biến thành một đại cường kinh tế.
Cách đây khoảng 10 năm, Việt Nam gia nhập Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á và bắt đầu nghiêm túc tìm cách hòa nhập với nền kinh tế thế giới.
Diễn biến trong tuần này là cao điểm của một năm lịch sử, trong đó hồi tháng tư Việt Nam đã kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh và lật đổ chế độ miền nam, tái thống nhất đất nước sau khi lực lượng cộng sản tiếp thu Saigon.
Hồi tháng 6, thủ tướng Phan văn Khải đã thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại Hoa Kỳ. Vài tuần lễ sau đó, thì hai bên lại kỷ niệm 10 năm bình thường hóa bang giao.
Nhưng mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trên trường ngoại giao, Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vị thế trên trường kinh tế và đang đứng trước các chọn lựa khó khăn, theo như nhận định của ông David Koh, thuộc học viện nghiên cứu các vấn đề Đông nam Á ở Singapore.
Theo ông Koh, các thành quả gặt hái được còn rất thấp. Liệu Việt Nam có phồn thịnh hơn còn tùy thuộc rất nhiều và sự mạnh dạn về chính trị – có dám vượt qua ý thức hệ và can đảm chấp nhận những gì thế giới cống hiến và tận dụng có lợi cho đất nước hay không.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu chính quyền tại Việt Nam nới lỏng tay cương về chính trị và xã hội, một hiện tượng đã khiến quốc tế chỉ trích chế độ độc đảng về sự đối xử khắt khe với các thành phần bất đồng chính kiến, các tổ chức tôn giáo và người sắc tộc thiểu số.
Tháng này, ông Phan văn Khải đã hối thúc các lực lượng an ninh bảo vệ “trật tự xã hội” và “giữ vững quan điểm chính trị và trung thành với tổ quốc, nhân dân và đảng trong mọi tình huống.”