Đường dẫn truy cập

Diễn tiến xoay quanh kế hoạch Indonesia ký hiệp định hợp tác quân sự với Trung Quốc để phát triển phi đạn


Thứ tư vừa qua, báo chí ở Indonesia cho hay bộ trưởng Nghiên cứu Kỹ thuật Kusmayanto Kadiman tiết lộ rằng Jakarta đang chuẩn bị ký kết một hiệp định hợp tác quân sự với Trung quốc để phát triển phi đạn. Tin tức này được loan báo không lâu sau khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc và tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono ký kết một thỏa thuận nhằm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược, đánh dấu một sự đột phá giữa hai nước mà quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt từ năm 1967 cho đến năm 1990. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về diễn tiến vừa kể trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Tường thuật của nhật báo Republika ở Jakarta, số ra ngày thứ tư vừa qua, cho hay Indonesia đang chuẩn bị để ký kết với Trung quốc một hiệp định hợp tác phát triển phi đạn tầm ngắn. Tờ Republika trích lời bộ trưởng Nghiên cứu Kỹ thuật, ông Kusmayanto Kadiman, nói rằng hiệp định này sẽ được ký kết khi tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đến thăm Trung quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới đây. Cũng theo lời ông Kadiman, Bắc kinh sẽ cung cấp cho Jakarta các loại phi đạn có tầm bắn từ 15 đến 30 kilo mét để các khoa học gia của Indonesia tháo gỡ và nghiên cứu, ngõ hầu đến khi kế hoạch hợp tác chấm dứt thì Indonesia có thể tự mình chế tạo loại phi đạn này. Ông Kadiman cho biết thêm rằng đôi bên đã thương thảo về kế hoạch hợp tác này từ năm 2002 nhưng mãi đến tháng tư năm nay mới được đúc kết trong cuộc họp thượng đỉnh tại Jakarta.

Các nhà quan sát cho rằng đây là một diễn tiến quan trọng trong nỗ lực hình thành mối quan hệ chiến lược mà hai cường quốc Á châu này đã cam kết hôm 25 tháng tư vừa qua, khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc đến thăm Indonesia nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh Á-Phi và kỷ niệm 50 năm ngày tổ chức hội nghị Bangdung khai sinh Phong trào Phi Liên kết. Theo nhận định của một số chuyên gia về tình hình chính trị Á châu: việc thiết lập quan hệ chiến lược chẳng những là một diễn tiến ngoại giao có tính chất đột phá giữa Trung quốc và Indonesia mà còn là một dấu hiệu cho thấy ý định của giới lãnh đạo Bắc kinh nhằm cải thiện quan hệ với các nước khác ở Á châu để rảnh tay giải quyết vấn đề Đài loan.

Trong quá khứ, các mối quan hệ giữa Trung quốc và Indonesia vốn rất căng thẳng, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Bang giao giữa hai quốc gia đông dân thứ nhất và thứ tư thế giới này đã bị cắt đứt vào năm 1967, khi tổng thống Suharto tố cáo rằng chính phủ ở Bắc kinh hỗ trợ cho âm mưu đảo chánh bất thành của đảng Cộng sản Indonesia. Trong cuộc trấn áp diễn ra sau vụ đảo chánh, hàng trăm ngàn người, trong đó có nhiều người gốc Hoa, đã bị sát hại. Quan hệ ngoại giao mãi đến năm 1990 mới được tái lập nhưng vẫn không được tốt đẹp cho mấy vì những vụ bạo động nhắm vào người gốc Hoa, đặc biệt là những vụ rối loạn bài Hoa xảy ra năm 1998 trong lúc dân chúng Indonesia nổi dậy lật đổ chế độ độc tài Suharto.

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và có nhiều tài nguyên thiên nhiên này vốn là một đồng minh thân thiết của Hoa kỳ và từng được xem là một tiền đồn ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng quan hệ giữa Jakarta và Washington đã trở nên khá lạnh nhạt sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc và vì những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của quân đội Indonesia ở Đông Timor.

Mãi cho đến những năm gần đây, sau khi quá trình dân chủ hóa ở Indonesia bắt đầu vào năm 1998 và quân đội Indonesia rút ra khỏi Đông Timor vào năm 1999, quan hệ giữa đôi bên mới dần dà khôi phục tính chất thân thiện. Hồi đầu tháng tư vừa qua, các giới chức Mỹ và Indonesia đã họp tại Jakarta để bàn về việc mở lại cuộc đàm phán song phương về thương mại và đầu tư. Một số nhà phân tích cho rằng đôi bên có thể đang chuẩn bị thương thuyết để tiến tới việc ký kết một hiệp định mậu dịch tự do.

Theo các chuyên gia về tình hình Á châu, việc Trung quốc ra sức tăng cường các mối quan hệ với Indonesia có nhiều chủ đích, bao gồm cả lãnh vực chiến lược, kinh tế, và ngoại giao. Xét về mặt chiến lược, đây là một cơ hội để Trung quốc tranh giành ảnh hưởng với Hoa kỳ, là nước tuy có quan hệ kinh tế rất mật thiết với Trung quốc nhưng đồng thời cũng là một đối thủ tiềm ẩn về mặt quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh vì vấn đề Đài loan.

Theo thỏa thuận đạt được tại Jakarta hôm 25 tháng tư, Indonesia tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với nguyên tắc ‘một nước Trung hoa’ của Bắc kinh, và để đổi lại, Trung quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ cho cuộc tranh đấu của Indonesia nhằm chống lại những phong trào đòi ly khai. Về mặt kinh tế, thông qua việc thiết lập quan hệ chiến lược với Indonesia, Trung quốc dự kiến sẽ bảo đảm được nguồn cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt, để duy trì đà phát triển kinh tế.

Xét về phương diện ngoại giao, việc cải thiện quan hệ với Jakarta nằm trong khuôn khổ của nỗ lực mà giới hữu trách Bắc kinh đã bắt đầu thực hiện trong gần 10 năm qua nhằm giải tỏa những mối lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á đối với sự trỗi dậy cực kỳ nhanh chóng của Trung quốc về mặt kinh tế và quân sự, đặc biệt là đối với nhũung nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải với Trung quốc.

Giáo sư Trần Kiện, một chuyên gia quân sự Á châu của Đại học Thành phố Hồng kông, cho rằng: đường lối của chính phủ Bắc kinh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào hiện nay đã khá rõ ràng. Đó là ra sức cải thiện quan hệ với các lân bang để rảnh tay giải quyết vấn đề Đài loan, là đảo quốc mà Bắc kinh lâu nay vẫn xem là một phần của lãnh thổ Trung quốc.

Trong khi đó, ông Erich Marquardt, một nhà phân tích của tạp chí nghiên cứu chính trị ở Mỹ – The Power and Interest News Report, cho rằng: giới lãnh đạo Indonesia hồi gần đây đã có thái độ cân bằng hơn trong mối quan hệ tam giác với Hoa kỳ và Trung quốc. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Adnki ở Jakarta, ông Marquardt cho biết: khác với đường lối của những nhà lãnh đạo trước đây, tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, nguyên là một tướng lãnh và từng theo học tại Hoa kỳ, đã không nghiêng hẳn về phía Washington mà lựa chọn vị trí trung dung để có thể nhận được lợi ích từ cả hai phía. Theo ông Marquardt: ‘nếu cảm thấy bị Hoa kỳ chèn ép, Indonesia sẽ nghiêng về Trung quốc; và ngược lại, nếu bị Bắc kinh chèn ép, họ sẽ nghiêng về phía Washington; và cũng chính vì thế mà cả Hoa kỳ lẫn Trung quốc đều không muốn gây áp lực quá đáng đối với Jakarta.’

Nhiều nhà quan sát cho rằng xét về phương diện chính trị thì Jakarta vẫn rất gần gũi với Washington và liên hệ giữa đôi bên đã được siết chặt thêm nữa hồi tháng 12 năm ngoái, khi binh sĩ Hoa kỳ đến Indonesia để giúp đỡ trong công tác cứu trợ nạn nhân sóng thần. Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, chính phủ Mỹ xem Indonesia, quốc gia có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới, là một đồng minh thiết yếu trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố. Hồi gần đây, sau 13 năm áp dụng biện pháp cấm vận vũ khí đối với Indonesia, chính phủ Mỹ đã quyết định thực hiện lại một chương trình huấn luyện dành cho các sĩ quan quân đội Indonesia. Ông Marquardt của tờ The Power and Interest News Report cho rằng: hành động cân bằng này của Indonesia dự kiến sẽ được duy trì cho đến khi nào họ cảm thấy bị Trung quốc đe dọa.

Theo lời ông Marquardt: ‘nếu Indonesia cảm thấy lo ngại là Trung quốc muốn bành trướng sức mạnh trong cả khu vực Đông Nam Á hoặc muốn khống chế Indonesia, thì khi đó giới hữu trách Jakarta sẽ tăng cường các mối quan hệ với Hoa kỳ. Và trong trường hợp đó Washington cũng sẽ sẵn lòng đáp ứng vì họ muốn dùng Indonesia như một tiền đồn để ngăn chận sự bành trướng thêm nữa của Trung quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG