Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn bà Jennifer Savage, Trưởng Phòng Lãnh Sự  Đại sứ Quán Hoa kỳ ở Hà Nội, về vấn đề nộp đơn xin thực du học tại Hoa Kỳ


Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của các mối quan hệ ngày càng được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau ngày chiến tranh kết thúc--nhất là từ ngày bình thường hóa quan hệ hai nước 10 năm trước đây--là sự hiện diện của hàng ngàn du học sinh Việt Nam trong nhiều trường đại học trên khắp Hoa kỳ. Nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, rõ ràng là không phải đơn xin thị thực du học nào cũng được các cơ quan lãnh sự của Hoa Kỳ cứu xét thuận lợi.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30 tháng tư năm nay, Ban Việt ngữ của Đài VOA đã trao đổi về vấn đề này với Bà Jennifer Savage, Trưởng Phòng Lãnh Sự Đại sứ Quán Hoa kỳ ở Hà Nội. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng sau đây do Nguyễn Lê thực hiện:

VOA: Nhiều người Việt Nam tin rằng những biện pháp an ninh được Hoa Kỳ thực hiện sau các cuộc tấn cống khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 đã làm giảm bớt rất nhiều cơ may để xin được một thị thực du lịch hay thị thực du học để vào Hoa Kỳ. Nhiều người cũng tin rằng Hoa Kỳ không hoan nghênh du khách và du học sinh nước ngoài như trước. Xin bà vui lòng cho biết đó là một sự thật hay chỉ là một nhận thức?

Thật ra đó là một nhận thức sai lầm. Hoa Kỳ và các đại học của chúng tôi hoan nghênh và tích cực tuyển sinh ở nước ngoài. Cửa chúng tôi luôn luôn rộng mở. Sự thật là con số thị thực cấp cho sinh viên ở Hà nội đã tăng lên từ sau ngày 11 tháng 9. Trong năm 2000 chúng tôi cấp 311 thị thực cho sinh viên tại Hà Nội, và mới năm ngoái, năm 2004, chúng tôi cấp 430 thị thực cho sinh viên ở Hà Nội. Tỷ lệ cấp thị thực cũng gia tăng. Trong năm 2000 chúng tôi cấp thị thực du học cho 40 phần trăm người nộp đơn: năm ngoái tỷ lệ này tăng lên đến 65 phần trăm. Như thế, nếu nhìn vào số đơn xin thì quý vị sẽ thấy rằng không những chỉ có số thị thực được cấp đã tăng mà tỷ lệ cấp thị thực cũng đã tăng lên.

Những biện pháp an ninh được áp dụng sau ngày 11 tháng 9 giúp bảo vệ an ninh cho các đường biên giới, nhưng những biện pháp đó ít khi ảnh hưởng đến việc cấp hoặc không cấp thị thực. Quyết định cấp hay không cấp thị thực được đưa ra trước khi vấn đề an ninh được xét tới. Điểm chủ yếu là những biện pháp đó giúp bảo đảm an ninh biên giới, trong khi chúng tôi tiếp tục mở cửa để hoan nghênh khách thăm và sinh viên nước ngoài.

VOA: Nhưng chắc chắn là đã có thay đổi trong chính sách xét cấp thị thực của chính phủ Hoa Kỳ chứ. Xin bà giải thích sơ lược về những thay đổi đó.

Trước hết, an ninh luôn luôn là một vấn đề quan trọng đối với các viên chức lãnh sự-điều đó đã không thay đổi. Điều đã thay đổi là sự gia tăng liên lạc. Chúng tôi đã gia tăng sự liên lạc giữa các viên chức lãnh sự và các cơ quan có liên hệ đến tình báo và an ninh. Chúng tôi nhận được thêm thông tin của họ. Chúng tôi đã gia tăng sự liên lạc giữa các nhiệm sở của chúng tôi. Giờ đây nếu có người nộp đơn xin thị thực ở Hà Nội thì các đồng nghiệp lãnh sự của tôi ở bất cứ nơi nào trên thế giới-ở Washington, ở Berlin, ở Buenos Aires, bất cứ nơi nào-cũng sẽ được xem những thông tin về người nộp đơn đó và quyết định của tôi. Chúng tôi cũng đã gia tăng liên lạc với Bộ An ninh Quốc nội Hoa Kỳ và ngay cả với các trường đại học.

Giờ đây chúng tôi có thể biết khi nào thì sinh viên được trường thu nhận, khi nào tên họ của họ được đưa vào cơ sở dữ liệu để theo dõi họ, nếu một sinh viên không đến lớp học. Chúng tôi có thể biết được điều đó. Về cơ bản thì các viên chức lãnh sự của chúng tôi được trang bị thêm thông tin thông qua việc gia tăng liên lạc này.

VOA: Thưa bà, một người Việt Nam có thể làm gì để tăng thêm cơ may cho đơn xin thị thực được chấp thuận. Những khuyết điểm cần phải tránh là gì?

Điều hay nhất mà một sinh viên có thể làm, là chuẩn bị. Tôi chỉ xin giải thích vắn tắt Điều khoản của luật quy định việc cấp hay không cấp thị thực. Điều khoản cơ bản của luật-tức là Điều khoản 214 (b) của Bộ Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ--quy định rằng các viên chức lãnh sự phỏng vấn người nộp đơn xin thị thực phải xem người ngồi trước mặt mình như có ý định sử dụng một thị thực không di dân để di cư sang Hoa Kỳ, và một viên chức lãnh sự chỉ có thể cấp thị thực khi họ được thuyết phục là người được phỏng vấn không dự tính di cư vĩnh viễn sang Hoa Kỳ.

Như thế, đây là một diều có tính chất rất chủ quan. Chính người xin thị thực phải thuyết phục cho được viên chức lãnh sự rằng họ dự tính trở về nước, không muốn ở lại Hoa Kỳ. Thế thì điều tốt nhất mà một sinh viên có thể làm là chuẩn bị, suy nghĩ về việc vì sao họ phải trở về nước, vì sao họ không muốn ở lại Hoa Kỳ. Phải suy nghĩ về kế hoạch dài hạn, và phải chuẩn bị để giải thích về các mục tiêu trong nghề nghiệp tương lai của bạn là gì, vì sao kế hoạch du học ở Hoa Kỳ phù hợp với những mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn, vì sao những mục tiều nghề nghiệp dài hạn của bạn sẽ đưa bạn trở về Việt Nam, hay bạn có muốn tiếp tục ở lại Hoa Kỳ hay không. Tôi cũng muốn nói thêm một điều cần thận trọng khác là luật đó có tính cách rất chủ quan, và thật sự là chính người xin thị thực phải thuyết phục các viên chức lãnh sự. Nếu người xin thị thực cung cấp những giấy tờ giả, hay che dấu một phần sự thật, hay không trình bày hết mọi điều, thì sẽ không thuyết phục được viên chức lãnh sự, và làm cho viên chức này đâm ra nghi ngờ ngay lập tức và sẽ không cấp thị thực được.

Thế thì khuyết điểm lớn nhất cần phải tránh là đôi khi các sinh viên nghĩ rằng chúng tôi cần một thứ giấy tờ nào đó và họ tạo ra một giấy tờ như thế. Tất cả những gì mà một hành động như thế có thể mang lại là làm cho viên chức lãnh sự đâm ra nghi ngờ, và ông ta không cấp thị thực được.

Ông Andrew Flegel, giám đốc tuyển sinh của Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ mới đây có nhận xét rằng số du học sinh thực sự có thể vượt qua được quá trình xét duyệt đơn xin thị thực kịp thời để nhập cảnh Hoa Kỳ đã giảm mạnh. Thưa bà, điều đó có đúng trong trường hợp của Việt Nam không?

Hoàn toàn không phải như vậy. Ngay sau ngày 11 tháng 9 thì điều đó có thể đúng ở một vài nơi, nhưng không đúng ở Việt Nam. Ngay sau biến cố 11 tháng 9, thì an ninh là vấn đề quan trọng nhất, các thủ tục mới được áp dụng, và một số người du hành có thể gặp những điều kiện không thuận tiện. Điều không may là tại một vài nơi chúng tôi bị bắt buộc phải đặt vấn đề an ninh lên trên vấn đề thuận tiện cho người du hành. Tuy nhiên từ đó đến nay chúng tôi đã hết sức làm việc để thi hành các thủ tục an ninh một cách nhanh chóng hơn, để không gây bất tiện hay chậm trễ cho bất cứ một khách du hành nào. Những thủ tục trước đây phải mất nhiều tháng mới làm xong thì nay chỉ mất vài tuần hoặc vài ngày.

Ngoài những chuyện đó thì tôi cũng xin nói thêm là tác động của những thủ tục đó tại Hà Nội này thật sự chỉ ở mức tối thiểu. Năm ngoái có trên 95 phần trăm những người nộp đơn với chúng tôi đã được cấp thị thực ngay trong ngày xin hoặc là trong ngày hôm sau. Chỉ có 2 phần trăm những người nộp đơn với chúng tôi tại Hà Nội này phải qua một thủ tục an ninh nào đó. Thế nên tôi chỉ muốn nói rõ rằng ở Việt Nam đối với nhiều sinh viên các thủ tục an ninh đó không có ảnh hưởng gì cả.

VOA: Bà có lời khuyên thiết thực nào khác cho các học sinh- viên Việt Nam đang dự tính nộp đơn xin thị thực sang Hoa Kỳ du học hay không?

Có một điều khác mà tôi muốn nói thêm là nên nộp đơn sớm. Mùa hè là mùa bận rộn của chúng tôi. Thường có chậm trễ đôi chút từ lúc quý vị xin hẹn để phỏng vấn và khi một viên chức lãnh sự có thể phỏng vấn quý vị. Vì thế mà có chậm trễ đôi chút.

Trong một số rất ít trường hợp--tuy rất ít khi xảy ra-- có người phải qua những thủ tục hành chính và an ninh. Thế nên điều hay nhất mà một sinh viên có thể làm là nên nộp đơn xin thị thực sớm- ít nhất là một tháng trước ngày dự tính du hành, hoặc 2 tháng hay 3 tháng càng tốt. Chỉ cần phải chắc chắn là nộp đơn sớm để bảo đảm là nếu có trường hợp phải qua thủ tục hành chính hay có chậm trễ trong việc được phỏng vấn, ngày các bạn lên đường sang Hoa Kỳ sẽ không bị chậm trễ.

VOA: Xin cám ơn bà Savage.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG