Mỗi năm cứ đến tháng 4, khi nhắc lại thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, người ta không thể nào không nhắc đến một sự kiện lịch sử trong cuộc chiến này. Đó là việc hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tị nạn trên khắp thế giới, mà nhiều nhất là vượt biên đường biển, thường được gọi là thuyền nhân.
Sau đây là một số chi tiết liên quan đến những câu chuyện về thuyền nhân được ghi lại trong một tác phẩm mang tên “Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông” với ấn bản Anh Ngữ tựa đề Risking Death to Find Freedom, đang được phổ biến tại Hoa Kỳ trong tháng Tư, qua cuộc phỏng vấn của Trần Nam trong Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ với thuyền nhân Ngụy Vũ, người thực hiện tác phẩm Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông:
Năm nay, 30 năm sau ngày xảy ra biến cố 30 tháng 4 năm 1975, những người Việt trên khắp thế giới lại kỷ niệm ngày này theo những phương cách khác nhau, trong đó có việc nhắc lại những thảm cảnh mà các thuyền nhân đã trải qua trên đại dương trong những ngày vượt biên.
Anh Ngụy Vũ, một trong những thuyền nhân kể trên đã dành dụm những đồng tiền kiếm được sau bao nhiêu năm làm việc để hình thành 2 tuyển tập, ghi nhận những mẩu chuyện do hàng ngàn thuyền nhân kể lại như những nhân chứng sống. Anh cho biết lý do tại sao anh lại bỏ rất nhiều thì giờ và công sức để hình thành các tuyển tập mang tên Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông:
Cá nhân Vũ cũng là một nạn nhân trong cuộc Hành Trình Biển Đông đi tìm tự do. Chính vì vậy, mà qua nhiều cái hình ảnh của những người phụ nữ cũng như những đồng bào trên con tàu mình đi mà mình đã chứng kiến trực tiếp hải tặc Thái Lan đã cướp bóc, hãm hiếp, và sau đó Ngụy Vũ cũng đã hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như Cảnh Sát ở Thái Lan để mà truy lùng và bắt bọn cướp ở trên biển, cho nên tất cả những điều đó đã trở thành một ám ảnh.
Thưa anh, anh đã bắt đầu làm công việc này từ lúc nào và bằng những phương tiện gì?
Thưa quí vị bắt đầu từ đầu năm 2002, trước khi Ngụy Vũ thực hiện cái điều này thì mỗi năm tại Quận Cam ở miền Nam California Ngụy Vũ có tổ chức một Ngày Thuyền Nhân vào mỗi Chủ Nhật của đầu tháng 4. Cũng trong những dịp này Ngụy Vũ hỏi ý kiến của tất cả những thuyền nhân đã trải qua cái Hành Trình Biển Đông năm xưa vì trước đây Ngụy Vũ đã có 1 cái lời nguyền là làm sao chúng ta phải kể lại những câu chuyện này cho các thế hệ mai sau và cho tất cả nhân loại trên thế giới biết được những gì mà các thuyền nhân đã phải trả giá qua cái Hành Trình Biển Đông.
Tất cả trên 1000 người về dự Ngày Thuyền Nhân đầu tiên vào năm 2002 đều đồng ý và khuyến khích Ngụy Vũ nên làm. Tuy nhiên việc làm này khởi đầu là cũng do cá nhân Ngụy Vũ và bằng tất cả tiền bạc của cá nhân mình, và sau đó qua nhiều cái phương tiện truyền thông báo chí, Vũ đã có 1 cái thông báo chính thức để cho thuyền nhân Việt Nam trên toàn thế giới biết được và mỗi nhân chứng như vậy đều phải gửi về những câu chuyện của mình, và từ những câu chuyện đó Vũ lựa lọc ra những câu chuyện nào có tính cách tiêu biểu và mang tính lịch sử thì chọn ra bởi một Hội Đồng Giám Khảo có kinh nghiệm về những câu chuyện trong cuộc Hành Trình Biển Đông và từ đó Vũ đã phát hành được 2 tuyển tập, tức là Tuyển Tập Một và Tuyển Tập Hai.
Thưa anh, anh thực hiện công việc này như là một nhà văn, một nhà báo, hay là một người nghiên cứu về những sự kiện lịch sử?
Dạ thưa đây là một sự kiện lịch sử, thưa anh Trần Nam.
Trước đây đã có một số nhà văn nhà báo viết về những câu chuyện thuyền nhân, vậy các tuyển tập của anh có những gì khác biệt với họ hay không thưa anh?
Thuyền nhân Việt Nam là một trang sử vĩ đại vì lẻ đó nếu một cá nhân như trước đây đã có kể lại hoặc viết lại một vài mẩu chuyện thì đó chỉ là có tính cách cá nhân và không làm sao có thể đánh động được lương tâm nhân loại còn đây là những mẩu chuyện do hàng ngàn người viết, và chính vì có cả ngàn người viết như vậy và vì họ là những nạn nhân đã từng chứng kiến cho nên mới nó qui tụ được thành một tuyển tập mà nó mang tính cách một sử liệu cho mai sau, thưa anh.
Thưa anh sự đáp ứng của cộng đồng người Việt như thế nào đối với tác phẩm Hành Trình Biển Đông của anh?
Thưa anh kể từ khi bắt đầu bắt tay vào làm công việc này cho đến khi hình thành vừa rồi thì trong suốt 3 năm qua có cả ngàn lá thư , kể cả E Mail của thuyền nhân Việt Nam từ khắp nơi trên toàn thế giới đã gửi về như là một cái gì đó rất hân hoan, và chính cái công việc này đã làm cho thuyền nhân xúc động và từ cái đó đã làm cho họ sống lại thời gian trước đây thay vì có một số đã quên lãng, và qua cái hành trình biển Đông thì mọi người đã sống lại và có một cái niềm tự hào là họ đã dám hy sinh cái mạng sống của mình để đi tìm tự do.
Thưa anh, anh ngoài việc in thành tuyển tập, anh có dự định nào để phổ biến những câu chuyện trong hành trình biển Đông dưới những hình thức khác trong tương lai?
Thực tình mà nói thì nó đã được hình thành trong 3 năm qua nhưng phương tiện để mà phổ biến thì rất là hạn chế. Thưa quí vị trong suốt 3 năm qua Ngụy vũ miệt mài làm công việc này nhưng mà chưa có quan hệ với các hệ thống phát hành cho nên hôm nay quí vị có nghe được thì xin hãy liên lạc về địa chỉ bằng E Mail đó là “Hành Trình Biển Đông 1975 Ị Yahoo.com hoặc là có thể gọi điện thoại trực tiếp đó là (714) 552-2999 để liên lạc với Ngụy Vũ.
Xin hỏi anh một câu hỏi chót, thưa anh kể từ khi những thuyền nhân đặt chân đến đất Mỹ, đến nay đã 30 năm, anh có nghỉ rằng những câu chuyện về thuyền nhân có còn gây được những ấn tượng mạnh như lúc ban đầu hay không, nhất là giới trẻ, tức là thế hệ không dính líu bao nhiêu đến chiến tranh Việt Nam?
Thưa anh, nếu tuyển tập Hành Trình Biển Đông không ra đời chắc chắn thế hệ trẻ sau này sẽ không biết cha mẹ của họ đã trả giá như thế nào qua hành trình biển Đông, và từ ý nghĩ đó nên Vũ nghĩ rằng qua 2 tuyển tập chuyện kể hành trình biển Đông vẫn chưa đủ cho nên Vũ đã gom góp tiền bạc trong suốt một năm qua và từ đó chuyển dịch qua một bản Anh Ngữ có tên là Risking Death to Find Freedom với hy vọng là bản Anh Ngữ này qua nhiều cơ quan truyền thông báo chí có lẻ sẽ có thể đánh động được chính phủ Hoa Kỳ cũng như đánh động được lương tâm nhân loại về sau, nhất là giới trẻ con cháu của người Việt Nam chúng ta, các thế hệ trẻ họ đọc được để họ chia xẻ với những gì đau thương nhất mà cha mẹ của họ phải đánh đổi để cho họ có được cái ngày hôm nay.
Cám ơn anh Ngụy Vũ đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ buổi nói chuyện hôm nay. Thưa quí thính giả, sau 30 năm ly hương, ngay nay hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi, từ bên quê nhà cho đến cuộc sống của những người tị nạn ở hải ngoại. Nhiều người đã hòa nhập nhanh chóng vào cuộc sống nơi xứ người và gặt hái được nhiều thành công.
Một số người cũng đã trở về Việt Nam thăm lại quê hương và gia đình, hoặc bỏ vốn làm ăn kể từ khi chính quyền tại đây thực hiện chính sách đổi mới kinh tế. Đối với thành phần này thì con đường của họ là hướng về tương lai, và những hình ảnh thê thảm trong những ngày cuối tháng Tư cũng như những thảm kịch chung quanh những chiếc thuyền vượt biển mong manh có lẻ đã phai mờ trong ký ức. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều người không quên được những hình ảnh này, trong đó có thuyền nhân Ngụy Vũ. Và cứ mỗi năm khi đến tháng 4, họ lại nhớ đến những ngày quê hương ngập tràn khói lửa, đến các thân nhân và bạn bè đã nằm xuống theo dòng định mệnh của lịch sử trong tháng 4 năm 1975.