Đường dẫn truy cập

Quả phụ của các dân biểu Hoa Kỳ ra tranh cử


Tại Hoa Kỳ, có khá nhiều trường hợp các bà quả phụ của các nhà lập pháp đã thay thế phu quân đảm nhiệm việc nước trong trường hợp các vị này bất ngờ từ trần. Kể từ năm 1923 đến nay đã có tất cả 45 bà quả phụ đã làm việc đó. Và ngay trong tuần này, bà quả phụ Doris Matsui của dân biểu Robert Matsui, từ trần đầu năm nay, đã ra tranh cử để thay thế cho chồng bà, theo yêu cầu của đảng Dân chủ và bà đã thành công rực rỡ . Mời quí vị theo dõi Lá Thư Mỹ Quốc tuần này với Lan Phương trong câu chuyện sau đây:

Tại Hoa Kỳ, người ta hầu như không thể nào tưởng tượng ra được là quả phụ lại có thể đương nhiên vào thay thế cho người chồng trong công việc hay chức vụ của ông khi vị này bất ngờ qua đời. Tuy nhiên khi một vị dân biểu từ trần bất ngờ lúc còn tại chức thì việc người quả phụ của ông thay thế cho ông, theo một cách thế nào đó, được coi là chuyện có thể chấp nhận được. Đảng nắm giữ chiếc ghế của vị dân biểu quá cố thường cần có ngay một ứng viên để ra tranh cử trong cuộc bầu cử đặc biệt chọn ứng viên điền khuyết vào chiếc ghế trống, và thường thì bà quả phụ của vị dân biểu vừa qua đời là ứng viên có cơ may trúng cử nhiều nhất. Bà Debbie Walsh, giám đốc Trung Tâm Phụ Nữ Hoa Kỳ và Chính Trị tại đại học Rutgers, bang New Jersey, giải thích lý do:

Bà quả phụ thực sự có một số những lợi điểm. Và lợi điểm lớn nhất, theo tôi, là tên tuổi của nguời chồng và thiện cảm mà công chúng dành cho bà quả phụ.

Theo bà Debbie Walsh thì các bà qủa phụ này thường được coi như là nhân vật tạm thay thế cho hết nhiệm kỳ dở dang của phu quân, cho tới khi đảng có thể tìm được một chính trị gia dày kinh nghiệm.

Từ trước đến nay người ta thấy là hầu hết các bà quả phụ này chỉ tranh cử để thế chỗ cho chồng cho đến hết nhiệm kỳ dở dang, sau đó thì các bà thôi không phục vụ trong quốc hội nữa. Nhưng cũng có một số phụ nữ đã xây dựng sự nghiệp chính trị cho chính họ. Lúc ban đầu chỉ là nối tiếp di sản của phu quân đã qua đời, thế rồi khi đã vào đến hạ viện, họ thấy rằng họ có cơ hội để đề nghị một chương trình làm việc của chính họ,

Đó là trường hợp của bà Lindy Boggs, bang Louisiana và Cardiss Collins bang Illinois, mỗi người đã phục vụ cả mấy chục năm tại hạ viện, và hai vị này đã nghỉ hưu trong thập niên 1990.

Mặc dù khi người chồng bất ngờ tạ thế, bà quả phụ còn trong thời kỳ đau buồn vì tang chế, bà Walsh cho rằng các bà quả phụ đồng ý ra tranh cử vì họ mạnh mẽ cảm nhận rằng họ phải tiếp tục công việc dở dang của phu quân họ. Tuy vậy phải ra tranh cử trong lúc cuộc sống riêng tư còn đầy những đau buồn có thể là một gánh nặng quá đáng. Nữ dân biểu Lois Capps của bang California ra tranh cử lần đầu 7 năm trước đây, sau khi phu quân của bà, dân biểu Walter Capps từ trần giữa nhiệm kỳ.

Tôi nhớ có nói với một ký giả chỉ ít lâu sau khi nhà tôi mất rằng tôi vừa bắt đầu vận động tranh cử. Ông ấy hỏi tôi rằng tôi cảm thấy ra sao, tôi trả lời rằng tôi cảm thấy trống rỗng, đau đớn từ tâm hồn đến thể chất.

Hiện nay thì dân biểu Capps dang phục vụ trong nhiệm kỳ thứ năm của bà và là 1 trong số 3 phụ nữ được bầu vào hạ viện sau khi phu quân từ trần giữa nhiệm kỳ. Nữ Dân biểu này cho biết lần đầu tiên khi ra tranh cử, bà cứ bị hỏi đi hỏi lại một câu hỏi “Tại sao bà lại phải vào hạ viện ? chỉ vì bà là quả phụ của 1 dân biểu ư ?” Nhiều đối thủ của bà Doris Matsui được biết cũng đã tuyên bố rằng có phải vua chúa đâu mà ông chồng chết là bà quả phụ được nối ngôi?

Nhưng các cử tri tại một quán cà phê ở trung tâm thủ phủ hành chính Sacramento của bang California không cho rằng bà Matsui đương nhiên được trao cho chức vụ này.

Nói như vậy là không công bằng, đâu có phải là đương nhiên mà bà quả phụ vào được hạ viện đâu.

Ông Steve Korach, 48 tuổi, ủng hộ viên đảng Cộng Hòa, nói rằng, bà Matsui ra tranh cử qua tiếng tăm của phu quân thì cũng không khác gì đương kim tổng thống Bush ra ứng cử nhờ tên tuổi của thân phụ, nhưng đâu phải vì thế mà trúng cử đâu ? Họ phải vất vả tranh đấu mới chiếm được lá phiếu của cử tri.

Tất cả chúng ta đều có ghi danh đi bầu. Còn bà Matsui thì ra tranh cử, công chúng ủng hộ thì bầu cho bà, không ủng hộ thì bầu cho ứng viên khác.

Theo anh Charmayne Hale thì vấn đề ai là người có đủ điều kiện nhất đề ngồi vào chiếc ghế dân biểu bỏ trống này. Thanh niên 24 tuổi này cho rằng là quả phụ của 1 dân biểu là một điều rất tốt.

Lúc sinh thời tôi cho rằng vị dân vẫn thường hay bàn bạc, nói chuyện với bà vợ về các vấn đề, những khó khăn mà ông phải đối phó, và vì vậy tôi cho rằng bà quả phụ biết nhiều về những đòi hỏi của công vụ. Có lẽ bà còn có được những quen biết như chồng bà đã có. Bà cũng đã biết ít nhiều về môi trường hoạt động. Vì vậy tôi cho rằng điều này sẽ giúp cho bà rất nhiều.

Và không giống như một số các bà quả phụ khác đã từng ra ứng cử vào hạ viện trong quá khứ, bà Doris Matsui đã ra tranh cử với một số vốn liếng chính trị có sẵn của riêng bà. Bà đã từng là một người chuyên vận động hành lang lâu đời tại thủ đô Washington, và từng phục vụ trong tư cách phó phụ tá cho tổng thống Clinton. Bà Matsui nói rằng bà muốn cử tri biết rõ khả năng của bà như thế nào trước ngày bầu cử.

Nhà tôi và tôi đã chung sống với nhau được 38 năm, và ông đã phục vụ tại hạ viện trong 26 năm. Đương nhiên là chúng tôi cùng nhau chia xẻ những kinh nghiệm đó và chúng tôi cùng có chung mục đích . Giờ này thì ông đã vắng bóng trên cõi đời, nhưng tôi còn ở đây, và tôi, là một cá thể, tin rằng tự tôi có thể hoàn tất được rất nhiều việc. Như mẹ tôi có lần nói với tôi rằng: khi một cánh cửa này khép lại thì lại có cánh cửa khác mở ra. Và tôi đang đi qua ngưỡng cửa vừa mở đó.

Chương trình làm việc của bà Matsui là: tiếp tục công việc của phu quân đã vắng bóng của bà để chống lại dự tính tư hữu hóa vấn đề hưu bổng an sinh và tranh đấu để ngân khoản liên bang trợ giúp cho Sacramento, thủ phủ hành chính của California, phòng chống lụt vẫn được giữ nguyên. Bà cũng rất muốn can dự vào việc cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế và thăng tiến công cuộc khảo cứu tế bào gốc. Trong cuộc bầu cử đặc biệt vào ngày 8 tháng 3 ở California, bà Matsui được coi là là ứng viên sáng giá nhất. 11 ứng viên ít tiếng tăm hơn cũng ra tranh cử, nhưng những người mà lúc đầu có thể coi là có tầm cỡ trở thành đối thủ nặng ký của bà đã quyết định không ra ứng cử để khỏi phải tham dự vào cuộc chạy đua với quả phụ của một nhân vật mà lúc sinh thời họ coi là không thể đánh bại được.

Và lúc Lá Thư này được biên soạn xong sáng thứ tư 9 tháng 3, tin cho hay bà Doris Matsui đã trúng cử với khoảng 70% số phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử đặc biệt tại California. Bà sẽ tiếp nối hết nhiệm kỳ của phu quân, và sau này bà sẽ quyết định xem là sẽ rút lui hay tiếp tục ra tranh cử nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG