Đường dẫn truy cập

Những diễn tiến chính trị và kinh tế gần đây ở Kampuchia


Trong lúc cảm thấy lo ngại về những dấu hiệu của sự thoái bộ trong tiến trình dân chủ hóa ở vương quốc Thái lan, các nhà quan sát tình hình Á châu mới đây lại quan tâm tới những diễn tiến chính trị và kinh tế không mấy phấn khởi ở Kăm Pu Chia. Một đại biểu quốc hội thuộc phe đối lập ở Phnom Penh đã bị nhà chức trách bắt giam trong khi lãnh tụ phe đối lập, ông Xom Răng Xi, và một đại biểu quốc hội đã phải bỏ trốn ra khỏi nước. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:

Hôm thứ năm vừa qua, khi được hỏi là 3 điều gì mà chính phủ Kăm Pu Chia nên thực hiện trong lúc này, tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới, ông James Wolfensohn nói rằng: ỏchống tham nhũng, chống tham nhũng, và chống tham nhũng.õ Người cầm đầu tổ chức tài chánh thế giới này đã tuyên bố như thế tại cuộc hội thảo đầu tư quốc tế được tổ chức lần đầu tiên ở Kăm Pu Chia, một vùng đất bị tàn phá vì chiến tranh loạn lạc trong hơn 30 năm. Theo lời ông Wolfensohn, nếu Kăm Pu Chia không trở thành một quốc gia có sức cạnh tranh khả tín thì đó là lỗi của người dân nước này chứ không phải là lỗi của cộng đồng quốc tế. Ông Wolfensohn đã đưa ra lời cảnh cáo nghiêm khắc này vào một thời điểm quan trọng, khi tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Kăm Pu Chia có thể sẽ giảm từ 1,9 tới 2,4% mỗi năm vì hệ thống hạn ngạch thế giới về hàng dệt may đã kết thúc hồi cuối năm 2004. Các mặt hàng dệt may, chiếm gần 80 tổng số hàng xuất khẩu của Kăm Pu Chia, đã giúp kinh tế của vương quốc này tăng trưởng từ 6 tới 7% mỗi năm trong mấy năm vừa qua.

Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Phnom Penh, thủ tướng Hun Sen nói rằng ông hiểu được là chính phủ ông cần phải tinh giản các thủ tục hành chánh rườm rà và giảm bớt chi phí xuất nhập khẩu để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên các quan sát viên đã nhanh chóng nói rằng nhà lãnh đạo Kăm Pu Chia chỉ lập lại những tuyên bố trước đây mà không hề đề ra những biện pháp cụ thể nào. Chính phủ Kăm Pu Chia cho tới nay vẫn chưa thông qua luật chống tham nhũng như qui định của thỏa thuận dã đạt được về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi năm ngoái. Ông Pascal Lamy, cựu ủy viên mậu dịch của Liên hiệp Âu châu, nói rằng Kăm Pu Chia cần gia tốc tiến trình lập pháp và bảo đảm là luật chống tham nhũng được chấp hành nghiêm chỉnh.

Ông Pascal Lamy nhận xét rằng công tác thông qua luật chống tham nhũng và bảo đảm rằng luật này được chấp hành đã diễn ra quá chậm chạp và giới hữu trách Phnom Penh cần phải gia tốc tiến trình này.

Những lời cảnh báo của Ngân hàng Thế giới và của ông Pascal Lami được đưa ra trong lúc lãnh tụ đối lập Kăm Pu Chia, ông Xom Răng Xi, người vừa chạy trốn ra khỏi nước, kêu gọi chính phủ Hoa kỳ áp đặt các biện pháp chế tài để làm áp lực buộc chính phủ ở Phnom Penh tôn trọng các quyền dân chủ. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa kỳ, ông Xom Răng Xi nói rằng những khoản viện trợ mà các quốc gia và tổ chức cấp viện dành cho Kăm Pu Chia sẽ bị phí phạm nếu vương quốc này không có dân chủ.

Theo lời ông Xom Răng Xi: các quốc gia và tổ chức cấp viện có quyền đòi hỏi là sự trợ giúp của họ được xử dụng một cách có hiệu quả. Điều không may là việc này không xảy ra ở Kăm Pu Chia. Cần có dân chủ để sự trợ giúp của quốc tế được xử dụng có hiệu quả. Kăm Pu Chia cần có sự minh bạch, tôn trọng pháp quyền, và hoạt động với tinh thần chịu trách nhiệm. Kăm Pu Chia cần có một lực lượng đối lập thật sự năng động để kiểm soát và cân bằng. Nếu chính phủ Kăm Pu Chia tiêu diệt phe đối lập thì không có dân chủ, và vì thế, các tổ chức và quốc gia cấp viện sẽ lãng phí những khoản tiền mà họ viện trợ cho Kăm Pu Chia.

Hôm thứ bảy vừa qua, sau khi gặp gỡ các thành viên quốc hội Mỹ cùng với các tổ chức phi chính phủ ở Washington, lãnh tụ đảng Xom Răng Xi yêu cầu chính phủ của Tổng thống Bush áp dụng lệnh cấm du hành đối với các viên chức cao cấp ở Phnom Penh và đặt điều kiện cho việc triển hạn biện pháp ưu đãi thuế quan dành cho các mặt hàng dệt may của Kăm Pu Chia nhập khẩu vào nước Mỹ.

Phát biểu tại một hội nghị do Viện Cộng hòa Quốc tế tổ chức tại Washington, ông Xom Răng Xi nói rằng ông muốn chính phủ Mỹ áp đặt những biện pháp chế tài thực sự, đặc biệt là sau khi Tổng thống Bush tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức hồi tháng trước rằng Hoa kỳ sẽ sát cánh với các chiến sĩ tranh đấu cho tự do và cổ xúy cho dân chủ trên toàn thế giới. Ông Xom Răng Xi còn cho biết nước ông đang tiến dần đến thể chế độc tài tương tự như Miến điện, là nước nằm dưới sự cai trị của phe quân nhân từ thập niên 1960 cho tới nay. Theo lời ông Xom Răng Xi, tuy Kăm Pu Chia cũng có quốc hội nhưng cơ quan này chỉ đóng vai trò bù nhìn và các đại biểu thuộc phe đối lập bị gạt ra khỏi tất cả mọi ủy ban của quốc hội. Ông nói thêm rằng: giờ đây quốc hội Kăm Pu Chia lại còn tước quyền miễn tố của ông và 2 vị phụ tá của ông với mưu toan bóp nghẹt tiếng nói của phe đối lập, không để cho họ có thể phô bày những hành vi tham ô và sai trái của các viên chức chính phủ.

Hôm mồng 3 tháng 2, quốc hội Kăm Pu Chia đã tước quyền miễn tố của ông Xom Răng Xi cùng với hai vị dân biểu phụ tá của ông, là ông Cheam Channy và ông Chea Poch. Ông Cheam Channy đã bị bắt giam và bị nhà chức trách tố cáo là cầm đầu một đạo quân với mưu toan lật đổ chính phủ. Ông Cheam Channy nói rằng ông chỉ giữ vai trò lãnh đạo một nhóm người chuyên giám sát các hoạt động của quân đội. Theo bản tin hôm thứ 6 của hãng thông tấn Pháp, các nhà ngoại giao ở Phnom Penh cho rằng tố cáo của chính phủ Kăm Pu Chia nhắm vào ông Cheam Channy là không đúng sự thật.

Ông Chea Poch đã bỏ trốn sang Hoa kỳ hôm mồng 4 tháng này, và ông Xom Răng Xi cũng đã đến Washington sau khi trốn sang Pháp hồi tuần trước. Hai nhân vật đối lập này đã bị hoàng thân Norodom Ranariddh, đương kim chủ tịch quốc hội, đệ đơn kiện về tội phỉ báng vì họ nói rằng nhân vật lãnh đạo đảng Funcinpec đã nhận 30 triệu đô la tiền hối lộ để cùng với đảng Nhân dân Kăm Pu Chia của thủ tướng Hun Sen thành lập chính phủ liên hiệp. Ông Xom Răng Xi còn bị thủ tướng Hun Sen kiện về tội vu khống vì từng tố cáo là hồi năm ngoái chính phủ đã có âm mưu nhằm sát hại các nhân vật chính trị.

Việc quốc hội Kăm Pu Chia tước quyền miễn tố của các ông Xom Răng Xi, Chea Poch và Cheam Channy đã gặp phải sự chỉ trích của nhiều người , từ những nhân vật tranh đấu cho dân chủ ở Kăm Pu Chia, cho tới các viên chức của Liên Hiệp Quốc và của chính phủ Hoa kỳ. Thứ năm vừa qua, cựu quốc vương Norodom Sihanouk cũng phổ biến một lá thư trên internet gởi cho hoàng thân Norodom Ranariddh và thủ tướng Hun Sen, yêu cầu hai ông này phục hồi quyền miễn tố của 3 chính khách đối lập và rút lại các đơn kiện.

Theo lời ông Sihanouk, hai ông Ranaridth và Hun Sen nên mở đường cho nỗ lực hòa giải dân tộc và chấp nhận sự có mặt của đảng đối lập. Hiện giờ chưa ai rõ là vụ tranh chấp này sẽ được giải quyết như thế nào. Tuy nhiên, hôm thứ sáu, phát ngôn viên chính phủ Kăm Pu Chia, ông Khieu Kanharith, nói rằng việc phục hồi quyền miễn tố giờ đây không nằm ở chính phủ hoặc quốc hội mà thuộc về tòa án và những nạn nhân bị vu khống và phỉ báng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG