Đường dẫn truy cập

Cố vấn an ninh quốc gia: Philippines vẫn để ngỏ con đường ngoại giao với Trung Quốc


Tàu Trung Quốc phun nước vào tàu Philippines ở gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hồi tháng 10/2023 (Philippine Coast Guard via AP).
Tàu Trung Quốc phun nước vào tàu Philippines ở gần Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hồi tháng 10/2023 (Philippine Coast Guard via AP).

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines, Eduardo Ano, nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 5/1 rằng Philippines vẫn sẵn sàng thảo luận ngoại giao với Trung Quốc và tin rằng hai nước có thể đạt được giải pháp về các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình.

Ý kiến của Eduardo Ano được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 4/1 đã gọi các cuộc tuần tra chung gần đây của Hoa Kỳ và Philippines ở Biển Đông là “khiêu khích” và “vô trách nhiệm”.

Ano nói: “Các cuộc tuần tra chung của chúng tôi với Hoa Kỳ và các hoạt động tiềm tàng trong tương lai với các nước đồng minh khác cho thấy cam kết chung của chúng tôi đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lặp lại lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi được đề nghị bình luận về phát biểu của Ano.

Quân đội Philippines cho biết hôm 4/1 rằng hai tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi các tàu Philippines và Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra chung, hoạt động đó vừa mới kết thúc.

Cuộc thao dượt hàng hải kéo dài hai ngày có sự tham gia của 4 tàu của hải quân Philippines và 4 tàu thuộc hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó có tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson. Hoạt động tuần tra kết thúc hôm 4/1 và các tàu Mỹ đã ghé cảng Manila hôm 5/1.

Đây là cuộc tuần tra chung lần thứ hai được Philippines và Mỹ tổ chức trong vòng chưa đầy hai tháng ở Biển Đông, nơi căng thẳng đang nóng lên vì có những tranh chấp lãnh thổ.

“Philippines vẫn sẵn sàng thảo luận ngoại giao với Trung Quốc và tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia”, Ano đưa ra quan điểm.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng thông qua đối thoại hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, chúng ta có thể đạt được một giải pháp phục vụ tốt nhất cho lợi ích của tất cả các bên liên quan trong khu vực”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng vận tải thương mại hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi quan mỗi năm. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn lên vùng lãnh hải mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye phán rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG