Đường dẫn truy cập

Quốc hội Nga thông qua bước đầu để hủy phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân


Các nhà lập pháp trong một cuộc họp của Quốc hội Nga tại Moscow.
Các nhà lập pháp trong một cuộc họp của Quốc hội Nga tại Moscow.

Quốc hội Nga hôm thứ Ba 17/10 đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, đổ lỗi cho thái độ vô trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với an ninh toàn cầu, theo cách dùng từ của một nhà lập pháp hàng đầu ở Nga.

Hạ viện của Quốc hội Nga, Viện Duma, đã bỏ phiếu với 412 phiếu thuận, không có phiếu chống và phiếu trắng, để thông qua việc rút lại sự phê chuẩn trong lần đầu tiên của ba lần xem xét.

Nga nói mục đích là khôi phục tính tương tự với Hoa Kỳ, quốc gia đã ký nhưng chưa hề phê chuẩn hiệp ước năm 1996, và họ sẽ không tái tục các cuộc thử trừ khi Washington làm như vậy.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kiểm soát vũ khí lo ngại rằng Nga có thể đang tiến tới một cuộc thử nghiệm bị phương Tây coi là một tín hiệu đe dọa vào thời điểm căng thẳng gia tăng về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Chưa có quốc gia nào, ngoại trừ Triều Tiên, tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong thế kỷ này. Ít nhất một chuyên gia an ninh cấp cao của Nga từng nói rằng Nga nên thử bom hạt nhân, như một lời cảnh báo đối với phương Tây. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 5/10 nói rằng ông chưa sẵn sàng để tuyên bố liệu có cần thử nghiệm hay không.

Việc thông qua dự luật bãi bỏ phê chuẩn một cách nhanh chóng và gần như nhất trí hoàn toàn diễn ra sau khi 440 trong số 450 thành viên của Duma ký tên vào dự luật này với tư cách là người bảo trợ vào tuần trước.

Chủ tịch Duma, Vyacheslav Volodin, phát biểu trước khi bắt đầu phiên họp hôm 17/10: “Vì lợi ích đảm bảo an ninh của đất nước, chúng tôi rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện”.

Ông Volodin nói rằng mặc dù Nga đã phê chuẩn hiệp ước năm 1996 vào năm 2000 nhưng Washington đã không phê chuẩn vì “thái độ vô trách nhiệm đối với các vấn đề an ninh toàn cầu”.

“Liên bang Nga sẽ làm mọi thứ để bảo vệ công dân của mình và duy trì sự ngang bằng về chiến lược toàn cầu”, ông Volodin nói.

Mặc dù Nga đang rút lại sự phê chuẩn nhưng nước này vẫn sẽ là bên ký kết hiệp ước. Moscow cho hay sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cho hệ thống giám sát toàn cầu nhằm cảnh báo thế giới về bất kỳ vụ thử hạt nhân nào.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG