Đường dẫn truy cập

Việt Nam bắt 3 nhà hoạt động Khmer Krom về tội ‘Lợi dụng quyền tự do, dân chủ’


Công an tỉnh Trà Vinh thi hành Lệnh bắt tạm giam bị can đối với ông Tô Hoàng Chương. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam.
Công an tỉnh Trà Vinh thi hành Lệnh bắt tạm giam bị can đối với ông Tô Hoàng Chương. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam.

Bộ Công an Việt Nam hôm 31/7 cho biết công an hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng mới ra lệnh bắt giam, khởi tố vụ án 3 người tại các địa phương này để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Những người mới bị bắt bao gồm ông Thạch Cương (36 tuổi) và Tô Hoàng Chương (37 tuổi) ở Trà Vinh, và ông Danh Minh Quang (36 tuổi) ở Sóc Trăng.

Cả ba đều là các nhà hoạt động cho quyền của người Khmer Krom ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công an tỉnh Trà Vinh cáo buộc hai ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương, từ năm 2020 đến nay, “thường xuyên sử dụng mạng xã hội để biên soạn, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video và livestream nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Phía công an nói họ đã điều tra và xác định tài khoản “Cuong Thach” là của ông Thạch Cương và “To Hoang Chuong” là của ông Tô Hoàng Chương, và hai tài khoảng này đã đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều clip, hình ảnh, bài viết có nội dung vi phạm pháp luật.

Công an nói hai người này “bị tiêm nhiễm bởi các quan điểm sai trái, thù địch” nên đã thường xuyên tổ chức nhóm họp, tham gia hội luận trực tuyến trên mạng xã hội để xuyên tạc “thành quả cách mạng, vu cáo chính quyền địa phương vi phạm dân chủ, nhân quyền”, thành lập hội nhóm trái pháp luật và lôi kéo nhiều người tham gia, gây ảnh hưởng trong vùng dân tộc.

Cả hai người cũng bị cáo buộc nhận sự chỉ đạo và sản xuất, tàng trữ, phát tán, sử dụng tài liệu, vật phẩm có nội dung tuyên truyền cho các tổ chức phản động bên ngoài.

Trong khi đó, Công an Sóc Trăng cáo buộc ông Danh Minh Quang đã đăng tải, chia sẻ trên trang facebook cá nhân nhiều hình ảnh, bài viết và phát trực tiếp nhiều video có nội dung sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Trước đó, vào tháng 3, ông Danh Minh Quang và hơn chục phật tử thuộc nhóm Khmer bản địa độc lập đã bị chính quyền ở Sóc Trăng thẩm vấn nhiều giờ liền do đã mặc áo thun có in cờ của nhóm khi họ tham dự lễ kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 ở tỉnh Trà Vinh.

Trả lời phỏng vấn của VOA, ông Danh Minh Quang nói cộng đồng Khmer Krom ở địa phương ông liên tục bị chính quyền sách nhiễu:

“Ngày 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng chính quyền Việt Nam ở đây đàn áp người Khmer, họ không muốn cho người Khmer chúng tôi tiếp xúc lẫn nhau, và phân chia chủng tộc. Chính quyền Việt Nam ở đây không công nhận chúng tôi là người Khmer Krom bản địa, nhưng thực sự xứ sở quê hương của tụi tui từ cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ chúng tôi ở đây 400-500 năm rồi. Không biết chính quyền Việt Nam đang suy nghĩ cái gì sâu xa khác thì tôi không biết. Hiện tại người Khmer Krom chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền tự do, và chúng tôi không đòi hỏi những gì khác”, ông nói với VOA vào thời điểm đó.

Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF), có trụ sở tại Mỹ, hôm 25/6 ra tuyên bố lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về việc bắt giam và tra tấn ông Tô Hoàng Chương hôm 23/6 khi ông Chương và các nhà hoạt động ở tỉnh Trà Vinh đi thăm một nhà hoạt động người Khmer khác đã bị công an bắt giam và tra trấn trước đó.

Tổ chức này nói ông Chương khẳng định mình vô tội và việc ông phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) không phải là một hành vi phạm tội.

Chính quyền Việt Nam cho rằng KKF là một tổ chức phản động “chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.

Vào tháng 12/2022, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á công bố giác thư chung mà cơ quan này đã gửi cho chính phủ Việt Nam ngày 18/10/2022, trong đó đề cập đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với một nhóm người thuộc cộng đồng Khmer Krom, bao gồm cả quyền tự quyết của họ với tư cách là người bản địa, và đưa ra một số trường hợp điển hình về một loạt các hành vi vi phạm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của người Khmer Krom.

Hồi tháng 5 năm nay, phản hồi văn bản của LHQ kể trên, chính quyền Việt Nam nói một mặt họ đồng ý với Tuyên bố của LHQ về Quyền của Người bản địa, nhưng mặt khác cũng nói rằng khái niệm “quyền của người bản địa” không tồn tại ở Việt Nam. Đồng thời, Hà Nội bác bỏ cáo buộc “quốc hữu hóa đất nông nghiệp của người bản địa Khmer sau năm 1975”, cho rằng điều này “không có căn cứ và xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu đất đai và cơ sở pháp lý của Việt Nam”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG