Đường dẫn truy cập

EU ủng hộ Mỹ Latin, vùng Caribê xoay trục khỏi Nga, Trung Quốc


Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ilan Goldfajn, Tổng thống Brazil Lula da Silva, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch CAF-Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latinh, Sergio Diaz-Granados, tại hội nghị CELAC ở Brussels ngày 17/7/2023.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ilan Goldfajn, Tổng thống Brazil Lula da Silva, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch CAF-Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latinh, Sergio Diaz-Granados, tại hội nghị CELAC ở Brussels ngày 17/7/2023.

Trong một hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai 17/7, Liên minh châu Âu cam kết đầu tư nhiều hơn cho Mỹ Latinh và vùng Caribê trong khuôn khổ cuộc cải tổ các mối quan hệ quốc tế do cuộc chiến của Nga với Ukraine và sự cảnh giác ngày càng tăng đối với Trung Quốc.

Khi hơn 50 nhà lãnh đạo từ ba khu vực tập trung tại Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê) kéo dài hai ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp rằng Mỹ Latinh, Caribê và châu Âu cần nhau hơn bao giờ hết.

“Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cạnh tranh và xung đột hơn bao giờ hết. Vẫn còn quay cuồng với thiệt hại nặng nề của đại dịch COVID-19, thế giới lại đang chịu thêm tác động nặng nề từ hành động xâm lược của Nga vào Ukraine”, bà nói.

“Và điều này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn át hơn ở nước ngoài”, bà nói thêm.

Bà cho hay EU đang lên kế hoạch đầu tư 45 tỷ euro vào Mỹ Latinh và Caribê như một phần của kế hoạch Cổng Toàn cầu, được nhiều người coi là đối thủ của chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

EU cho biết họ muốn có một tuyên bố chung lên án Nga, nhưng biết rằng điều này sẽ khó đạt được. Trong khi hầu hết các quốc gia CELAC ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc vào tháng 2 yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức, Nicaragua đã bỏ phiếu chống và Bolivia, Cuba và El Salvador bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tự cho mình là người trung lập và là một nhà môi giới hòa bình tiềm năng.

Ông Lula không nhắc lại những lời chỉ trích trước đây của ông đối với phương Tây vì đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng nói rằng cuộc chiến đang làm chệch hướng các nguồn lực khỏi các ưu tiên chính ở những nơi khác.

“Cuộc chiến ở trung tâm châu Âu tạo ra một bức màn bất ổn trên thế giới và chuyển các nguồn lực cần thiết dành cho nền kinh tế và các chương trình xã hội sang các mục đích chiến tranh”, ông nói.

“Cuộc chạy đua vũ khí khiến việc giải quyết biến đổi khí hậu càng trở nên khó khăn hơn”.

THAY THẾ NGA

EU đang tìm cách củng cố quan hệ đối tác năng lượng mới sau khi cắt đứt quan hệ với Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khối trước cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Họ cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và xây dựng các liên minh mới để đảm bảo các khoáng sản quan trọng cho xe điện và quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn sang nền kinh tế carbon thấp, chuỗi cung ứng mà Trung Quốc thống trị.

EU thừa nhận đôi khi họ đã bỏ bê các đối tác Mỹ Latin khi vai trò của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, nhưng giờ họ háo hức tham gia lại.

Tất cả 60 nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên của hai khối đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng tổng thống của El Salvador, Mexico, Peru và Venezuela nằm trong số những người dự kiến sẽ không tham dự.

Mặc dù quan tâm đến đầu tư của EU, nhưng các đối tác của CELAC nhìn chung muốn có lợi ích kinh tế từ việc xử lý và sản xuất pin lithium hoặc xe điện, hơn là lợi nhuận nhỏ hơn từ việc vận chuyển khoáng sản được xử lý ở nơi khác.

EU đang thúc đẩy một hiệp định thương mại với Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới và nhà sản xuất lithium lớn thứ hai, và các quan chức cho biết hiệp định này có thể có hiệu lực vào năm tới.

Họ cũng đang tìm cách đưa vào thực thi các thỏa thuận thương mại đã đạt được với Mexico vào năm 2018 và với khối Mercosur gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay vào năm 2019, mặc dù các quan chức cho rằng không nên kỳ vọng nhiều về bất kỳ bước đột phá nào trong hội nghị thượng đỉnh.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG