Đường dẫn truy cập

Tàu Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam sau hội đàm Mỹ-Trung


Bản đồ đảo Hải Nam.
Bản đồ đảo Hải Nam.

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và các tàu hộ tống, hoạt động gần một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, vừa rời vùng biển này vào tối thứ Hai (5/6), Reuters dẫn thông tin từ các chuyên gia theo dõi tàu cho biết, ngay sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc bắt đầu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống và thường xuyên đi qua các mỏ dầu khí do các công ty Nga điều hành, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền.

Hôm 5/6, sau khi các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức hội đàm ở Bắc Kinh mà cả hai bên đều gọi là mang tính xây dựng, tàu Trung Quốc và hơn nửa tá tàu hộ tống bắt đầu hành trình quay trở lại đảo Hải Nam của Trung Quốc, rời vùng EEZ của Việt Nam vào khoảng nửa đêm.

Khi được hỏi về hoạt động của các con tàu này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận về việc chúng quay trở lại Hải Nam.

“Tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc thực hiện các hoạt động nghiên cứu bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là hợp pháp và đúng đắn. Không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Theo luật quốc tế, các tàu được phép đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài, nhưng không được thực hiện các hoạt động khảo sát không có giấy phép. Các hoạt động này của Trung Quốc ở Biển Đông từ lâu đã trở thành vấn đề đối với các nước trong khu vực, vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu năng lượng, bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế.

Trong một cuộc phản đối công khai hiếm hoi, chính phủ Việt Nam vào ngày 25/5 yêu cầu tàu nghiên cứu Trung Quốc và các tàu hộ tống rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau chuyến thăm Hà Nội của quan chức cấp cao Nga Dmitry Medvedev.

Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, Mỹ, cho biết rằng vào lúc 3h00, giờ chuẩn quốc tế GMT ngày thứ Ba (6/6), tàu nghiên cứu của Trung Quốc được nhìn thấy đang tiến đến đảo Hải Nam.

Ông Powell cho biết thêm rằng các tàu kiểm ngư của Việt Nam đã quay về sau khi tàu Trung Quốc và các tàu hộ tống rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào khoảng nửa đêm theo giờ Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Việt Nam Van Pham, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận độc lập Đại sự ký Biển Đông (SCSCI), xác nhận các tàu đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cảnh báo rằng Hải Nam không phải là cảng nhà của tàu nghiên cứu này và sau khi tạm nghỉ ở đó, nó có thể tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG