Đường dẫn truy cập

TT Biden và TBT Nguyễn Phú Trọng điện đàm, bàn việc 'củng cố và mở rộng quan hệ song phương'


Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) từng gặp Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào năm 2015.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) từng gặp Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào năm 2015.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa có cuộc điện đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào sáng 29/3, giờ Washington, là buổi tối cùng ngày, theo giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược, một trong những nội dung đang được quan tâm nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và trên nền tảng đó, hai nhà lãnh đạo thảo luận một thoả thuận mới về hợp tác quốc phòng, theo nguồn tin am tường nói với VOA.

Cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền Mỹ và người nắm thực quyền chính trị cao nhất ở Việt Nam diễn ra sau khi một cuộc gặp tương tự đã được lên kế hoạch vào cuối năm ngoái của họ bị hoãn lại vào phút cuối.

Cuộc điện đàm lần này diễn ra sau khi có những thông tin và bình luận cho rằng việc nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể có những trở ngại và đây không còn là ưu tiên của phía Mỹ nữa.

“Điều đó cho thấy bên ngoài người ta không biết được những nỗ lực của cả phía Việt Nam và Mỹ để tiến tới mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói với VOA.

Nội dung điện đàm

Trong thông cáo phát đi vào chiều 29/3 theo giờ Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden “củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập”.

Thông cáo nói thêm rằng “hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức khu vực như biến đổi khí hậu, đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như tình hình an ninh và môi trường đang xấu đi dọc sông Mekong”.

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, sự tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Trong khi đó, thông tin chính thức từ Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Phía Việt Nam nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden cũng nhất trí với các ý kiến của ông Nguyễn Phú Trọng.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác.

Tiến triển chậm nhưng tốt

Không giống như cuộc điện đàm từng dự tính vào tháng 11 năm ngoái, cuộc điện đàm lần này giữa hai lãnh đạo Mỹ-Việt không được thông tin chính thức cho đến sau khi nó chính thức diễn ra.

Theo nguồn tin của VOA, cuộc điện đàm còn đề cập đến hai nội dung chính là nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ và ký thoả thuận hợp tác quốc phòng mới giữa hai bên.

Tiến triển trong mối quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua có phần chậm lại, nhưng trong cái nhìn tổng quan, thực tế mối quan hệ này không hề xấu đi, theo quan sát của TS. Hà Hoàng Hợp.

“Nói đến chất lượng của mối quan hệ (Việt-Mỹ) thì từ năm 1994, khi hai nước bình thường hoá quan hệ, thì nó ngày càng tốt lên. Đấy là chất lượng. Còn về mặt nhịp độ, có lúc nó chậm lại, có lúc lại nhanh lên. Có những lúc nhanh lên nhưng dở đi một chút, có lúc nhanh và tốt lên. Bây giờ thì chậm lại nhưng kết hợp với chất lượng thì tôi thấy dù chậm lại nhưng tốt lên”, TS. Hà Hoàng Hợp giải thích thêm.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến triển chậm hơn mong muốn trong việc phát triển mối quan hệ Việt-Mỹ, chẳng hạn như Hoa Kỳ thời gian qua tập trung vào việc xử lý cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ngoài ra, nước Mỹ cũng đang tập trung giúp cho các đồng minh NATO vượt qua những khó khăn và thách thức từ hệ luỵ của cuộc chiến tại Ukraine và chiến lược đối phó với Trung Quốc giữa những căng thẳng trong quan hệ hai nước lớn.

Nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng không loại trừ khả năng Hoa Kỳ có thể xem xét những đánh giá về nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam và điều này nếu có cũng sẽ góp phần làm chậm lại tiến độ.

Bình luận về khả năng việc nâng cấp mối quan hệ lên mức chiến lược giữa hai nước được thực hiện trong năm nay, là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), TS. Hà Hoàng Hợp nói “Có thể không chắc chắn nhưng khả năng là không thấp, bởi vì người ta đang cố đi đến đấy”.

Trong một bài viết trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào ngày 28/3, nhà nghiên cứu cấp cao Murray Hiebert đề xuất rằng Tổng thống Joe Biden nên viết tên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào thiệp mời ngoại giao năm 2023 của mình.

Một số ý kiến cho rằng nếu điều này xảy ra, đây có thể là dịp tốt để hai bên chính thức nâng cấp mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hợp tác quốc phòng

Theo quan sát của VOA, thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng tối 29/3 đã thu hút sự chú ý và đem lại hứng khởi cho nhiều người theo dõi thời sự, bao gồm cả giới quan sát lẫn công chúng Việt Nam, giữa bối cảnh những hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 ở Biển Đông đang gây bức xúc công luận.

“Một (thoả thuận) hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam bây giờ là vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi vì hàng ngày Trung Quốc quấy Việt Nam và các nước có biển trong Đông Nam Á này”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Bình luận về quan điểm cho rằng việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động từ phía Trung Quốc, TS. Hà Hoàng Hợp khẳng định “Trung Quốc không có năng lực và không có quyền gì can thiệp vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cả. Nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn nói câu này câu kia. Hầu hết những câu nói của họ mang tính chất can thiệp thì Việt Nam đều biết rất rõ”.

Nhà nghiên cứu sống tại Hà Nội cũng nhắc đến nguyên tắc của Việt Nam là “không quan hệ với nước này để xâm hại lợi ích của một nước khác”, và nỗ lực phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ, theo TS. Hà Hoàng Hợp, đơn thuần là “phục vụ cho lợi ích quốc gia của Việt Nam và của Mỹ”.

“Quan hệ quốc tế bây giờ không phải là quan hệ ý thức hệ, mà nó là quan hệ lợi ích quốc gia. Trên cơ sở lợi ích quốc gia của các nước thì phải làm thế nào để khi quan hệ, các nước trong mối quan hệ đó đều có lợi. Cho nên, nói như thế thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn không phải là mối quan hệ về ý thức hệ, mà lợi ích quốc gia chắc chắn phải đứng cao hơn, cao nhất và trên mối quan hệ ý thức hệ. Mối quan hệ ý thức hệ tồn tại là vì hai đảng cầm quyền của hai nước đều là Cộng sản. Nhưng nhìn kỹ thực chất thì không còn đảng nào là cộng sản nữa, mà cả hai đảng này đều đi theo một hình thái hoạt động mà người ta gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

Trước đây, ông Biden và ông Nguyễn Phú Trọng đã từng gặp nhau vào năm 2015 trong chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Biden khi đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG