Đường dẫn truy cập

Kontum: Chính quyền xông vào giựt sách, yêu cầu linh mục đang làm lễ về ‘làm việc’


Đoạn video trên YouTube vào ngày 22/3/2023 cho thấy nhóm cán bộ ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào lấy sách, buộc linh mục phải dừng cử hành thánh lễ.
Đoạn video trên YouTube vào ngày 22/3/2023 cho thấy nhóm cán bộ ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào lấy sách, buộc linh mục phải dừng cử hành thánh lễ.

Ngày 22/3, trên mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện nhiều đoạn video quay lại cảnh một nhóm bao gồm công an mặc sắc phục và lãnh đạo ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, xông vào một địa điểm đang diễn ra thánh lễ của giáo dân Công giáo và giựt sách lễ, rút điện, lớn tiếng yêu cầu vị linh mục đang cử hành thánh lễ “về làm việc” với lý do “chưa có giấy phép” làm lễ.

“Mời lịch sự”

“Mời ông này về xã làm việc”, một người mặc thường phục lớn tiếng chỉ đạo các công an, dân phòng. “Tôi, Thạch, Phó chủ tịch xã nè, chịu trách nhiệm buổi làm việc hôm nay nè. Tôi tôn trọng mời ông xuống xã làm việc nè”, người đàn ông này tự xưng.

“Ông này ở đâu ra? Tôi hỏi ông này ở đâu?”, “Giấy phép đâu?”…, người đàn ông tự xưng tên Thạch tiếp tục quát vào linh mục dâng lễ và các giáo dân.

Trong khi đó, vị linh mục được cho biết là LM. Lê Tiên nhỏ nhẹ yêu cầu “các anh muốn làm gì thì đợi sau thánh lễ” và “các anh cứ lập biên bản đi rồi chúng tôi ký”, nhưng một phụ nữ đã sỗ sàng xông lên bàn thờ, đóng sập cuốn sách lễ linh mục đang đọc và đem đi, trong khi một người đàn ông khác trong nhóm cán bộ đi ra phía cột cắm điện rút các dây điện ra.

Các đoạn video còn cho thấy bất chấp lời yêu cầu ôn tồn của linh mục, người đàn ông tên Thạch tiếp tục tỏ thái độ hung hăng và quát “Kệ ông, tui đang làm việc…”, và la lối chỉ đạo cán bộ “đưa ông này về xã làm việc”, không quên khẳng định nhiều lần rằng tôi “mời lịch sự”.

“Đây không phải là lần đầu tiên. Đã có nhiều sự kiện tương tự xảy ra và điều này cho thấy, thứ nhất, chính quyền Việt Nam không đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ địa phương; thứ hai, cũng không hề có biện pháp nào để kỷ luật những cán bộ như vậy. Chúng ta có thể hiểu là nếu không phải khuyến khích, thì nó có sự che chắn cho địa phương để làm những hành vi hết sức xem thương những nghi thức quan trọng của một tôn giáo”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS), một tổ chức có trụ sở ở Mỹ chuyên hoạt động về dân sự, chính trị, tôn giáo Việt Nam, nhận xét với VOA.

VOA hiện chưa liên lạc được với chính quyền địa phương và giáo phận Kontum để lấy ý kiến về sự việc.

Ngoài các trang tin tôn giáo như Truyền thông Thái Hà, Amen TV… truyền thông nhà nước chưa đưa thông tin và Giáo phận Kontum cũng chưa lên tiếng chính thức hay thông báo gì về sự việc.

Theo các trang tin Công giáo, sự việc quấy rối thánh lễ diễn ra vào lúc 6:15 chiều 22/3 tại một giáo điểm ở xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, thuộc giáo xứ Đắc Giấc, giáo hạt Đắk Mót, giáo phận Kontum.

Câu chuyện “giấy phép” và những “túp-lều-thờ-tạm”

Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, chính phủ, Bộ Ngoại giao và Uỷ hội Tôn giáo Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam về yêu cầu “giấy phép” với những quy định phức tạp, khắt khe, khó khăn kéo dài đối với việc thực thi tôn giáo của người dân.

“Đấy chính là cản trở quyền tự do tôn giáo”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói.

Trong một văn bản gửi giáo dân vào ngày 22/3/2015, Giám mục Giáo phận Kontum khi đó là Giám mục Hoàng Đức Oanh giải thích về những “túp-lều-thờ-tạm” trong giáo phận mà chính quyền liên tục tìm cách tháo dỡ.

“Ở Việt Nam, mỗi làng đều có đình, có miếu mạo; ở vùng cao, buôn làng nào cũng có nhà rông; còn làng có đạo thì có nơi thờ phượng. Tại Đắktô trước năm 1975, các buôn làng có đạo đều có nhà thờ, nhà nguyện. Những nơi thờ tự này, chiến tranh đã tàn phá hết trừ ở Thị xã Kontum”, văn bản nói và cho biết trong hơn 30 năm sau 1975, giáo dân ở khu vực này đã phải đi bộ có khi hàng trăm cây số để đến nơi có nhà thờ để cử hành các nghi thức tôn giáo. Chính quyền chỉ bắt đầu “cởi mở”, cho phép một số ít linh mục tới đây để dâng lễ.

“Trước nhu cầu tôn giáo quá lớn, xin phép nhiều lần không được đáp ứng, thì giáo dân chẳng còn cách nào hơn là ‘làm chui’”, văn bản nói thêm.

Giáo mục Hoàng Đức Oanh trong văn bản đề nghị giải quyết những vướng mắc trên một cách “hài hoà, có tình có lý”. Trong đó, ông nói “Trước hết, Luật pháp là phải công bằng” và “Quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, phải được tôn trọng. Mọi người phải chấp hành, nhất là các cán bộ chính quyền phải làm gương!”.

Ông cũng đề nghị chính quyền “chấm dứt chế độ xin-cho và tham nhũng”, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dân phải ‘làm chui’ và sự tồn tại của những “túp-lều-thờ-tạm” trong giáo phận.

Giáo phận Kontum cũng là nơi đã xảy ra vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh vào đầu năm 2022 gây chấn động dư luận.

Cùng với các khu vực như Nghệ An, Phú Yên, Đắk Lắk…, Kontum được xem là “điểm nóng” liên tục xảy ra những vụ trấn áp tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo, mà còn đối với các nhóm tôn giáo Tin Lành, Phật giáo… do các hoạt động về tôn giáo, truyền giáo phát triển khá mạnh.

“Họ thấy rằng đây là một mối lo cho chế độ, thành ra nó có chính sách ngầm bên trong để ngăn cản sự phát triển của tôn giáo”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói thêm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG