Đường dẫn truy cập

Quan chức Kyiv: Các lãnh đạo Nga cần phải bị xét xử vắng mặt vì xâm lược Ukraine


Tổng Công tố Ukraine Andriy Kostin.
Tổng Công tố Ukraine Andriy Kostin.

Các lãnh đạo Nga cần phải bị đưa ra xét xử vì tội xâm lược Ukraine ngay cả khi họ không thể bị bắt và đưa ra tòa trực tiếp, công tố viên hàng đầu của Kyiv nói hôm thứ Năm 23/3.

Nói với Reuters trong thời gian dừng chân ở La Haye, nơi đặt trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế, Tổng Công tố Ukraine Andriy Kostin nói một tòa án đã được lên kế hoạch thành lập để xét xử tội xâm lược cần cân nhắc việc xét xét xử vắng mặt.

Ông Kostin phát biểu sau cuộc gặp với trưởng công tố ICC, người tuần trước đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông Putin và ủy viên phụ trách các vấn đề trẻ em của ông về tội ác chiến tranh khi trục xuất trẻ em từ Ukraine sang Nga.

Mặc dù ICC có thể truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng ở Ukraine, nhưng ICC không thể truy tố tội ác xâm lược do những ràng buộc pháp lý.

Quốc tế ngày càng ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga vì cuộc xâm lược đã kéo dài 13 tháng, bị Ukraine và các nhà lãnh đạo phương Tây coi là tội ác xâm lược.

Ông Kostin cho rằng tòa án đặc biệt nên truy tìm “lãnh đạo chính trị và quân sự cao nhất, bao gồm cả ông Putin, vì tội xâm lược”.

“Tôi tin rằng phiên xử có thể được (tổ chức) vắng mặt, bởi vì điều quan trọng là phải thực thi công lý đối với các tội phạm quốc tế, ngay cả khi thủ phạm không có mặt tại toà”.

Các tòa án quốc tế rất hiếm khi tổ chức xét xử vắng mặt và các quy tắc của ICC quy định cụ thể rằng nghi phạm bị buộc tội phải có mặt trong quá trình xét xử.

Ví dụ duy nhất gần đây về một phiên tòa xét xử vắng mặt quốc tế là trong trường hợp của Libăng, trong đó một tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã kết án ba người đàn ông vì vụ ám sát chính trị gia người Libăng Rafik Hariri vào năm 2005.

Một tòa án Hà Lan năm ngoái đã kết án ba người đàn ông, 2 người Nga và 1 người Ukraine, trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines năm 2014 ở miền đông Ukraine. Không ai trong số các nghi phạm có mặt tại tòa án.

Trong một động thái thách thức, cơ quan điều tra hàng đầu của Nga hôm 20/3 cho biết họ đã mở một vụ án hình sự chống lại công tố viên ICC và các thẩm phán đã ban hành lệnh bắt giữ Putin, mà Moscow gọi là thái quá và vô hiệu về mặt pháp lý.

Nga công khai cho biết họ đã đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga trong chiến dịch nhân đạo nhằm bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi trong khu vực xung đột.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG