Đường dẫn truy cập

Nhóm học giả Mỹ gốc Việt giới thiệu ‘cái nhìn mới’ về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa


Hai cuốn sách sẽ được giới thiệu tại sự kiện ở Boston, Hoa Kỳ, vào ngày 19/3/2023.
Hai cuốn sách sẽ được giới thiệu tại sự kiện ở Boston, Hoa Kỳ, vào ngày 19/3/2023.

Một sự kiện giới thiệu những công trình nghiên cứu của nhóm học giả người Mỹ gốc Việt nhằm “sửa sai”, “bổ sung” phần lịch sử đã bị giấu kín hay xuyên tạc về nền Cộng hoà tại Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam và di sản của người Việt tại Mỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần này (19/3) tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Bà Triều Giang (Nancy Bùi) - Chủ tịch Hội Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt - một thành viên trong ban tổ chức, cho VOA biết buổi thảo luận sẽ giới thiệu đến cộng đồng hai cuốn sách dự kiến sẽ là “sách giáo khoa mới” do các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt thực hiện.

Cuốn sách đầu tiên được giới thiệu là cuốn “Building A Republican Nation In Vietnam, 1920-1963” (“Xây dựng một quốc gia cộng hoà ở Việt Nam từ năm 1920 – 1963”) do Tiến sĩ – Giáo sư Tường Vũ, Trưởng khoa Chính trị học của Đại học Oregon, và Tiến sĩ – Giáo sư Nữ Anh Trần của Khoa Lịch sử Đại học Connecticut, làm chủ biên.

Cuốn sách thứ hai là “Toward A Framework For Vietnamese American Studies” (“Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt - Lịch sử cộng đồng và ký ức”) do Tiến sĩ – Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ – Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ – Giáo sư Tường Vũ chủ biên.

“Hai cuốn sách đầu tiên này cũng chưa thấm vào đâu so với lịch sử của người Việt tự do, của chiến tranh Việt Nam cũng như của người Mỹ gốc Việt chúng ta ở đây, mà trong nửa thế kỷ qua đã bị viết sai, viết sót hoặc viết xuyên tạc trong hầu hết sách giáo khoa, phim ảnh hoặc trên truyền thông”, bà Triều Giang nói với VOA.

Là một trong những học giả chính của các cuốn sách, Giáo sư Tường Vũ cho biết sở dĩ ông tham gia nghiên cứu về chủ đề trên vì khi “là người trong giới giảng dạy và nghiên cứu, tôi nhận thấy trong giới giảng dạy và nghiên cứu họ có quan điểm rất sai về Việt Nam Cộng hoà (VNCH), lịch sử Việt Nam và lịch sử Chiến tranh Việt Nam”.

Nhóm các nhà nghiên cứu - tác giả của hai cuốn sách mới về lịch sử Việt Nam.
Nhóm các nhà nghiên cứu - tác giả của hai cuốn sách mới về lịch sử Việt Nam.

“Xưa nay người Mỹ, phương Tây và ở Việt Nam sau năm 1975 họ không nhắc tới Việt Nam Cộng hoà nữa. Họ hay gọi thể chế đó là ‘nguỵ quân, nguỵ quyền’, là tay sai của Hoa kỳ thôi chứ không xem đó là một thể chế chính trị”, Giáo sư Alex Thái Võ, tác giả của cuốn sách thứ hai, giải thích thêm.

“Những người liên quan đến thể chế đó cũng không được nhắc tới. Khi họ ra nước ngoài, như ở Hoa Kỳ đây, thì khi người Mỹ hay người phương Tây họ viết về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử của cuộc chiến nói riêng thì họ cũng mang tâm thế giống như chính quyền Việt Nam hiện tại, nghĩa là họ viết về những người liên quan đến VNCH thì họ chỉ xem những người đó chỉ là những con rối của Hoa Kỳ thôi, không có chính kiến, lập trường riêng và họ hay dùng những từ ngữ mang tính chất phỉ báng những con người và chính thể VNCH. Thành ra, chúng tôi mới làm ra bộ ba sách này”, Giáo sư Alex cho biết thêm.

“Sách Giáo khoa mới”

Cuộc hội thảo được tổ chức với hai mục tiêu chính, theo bà Trường Giang. Một là các tác giả muốn lắng nghe đóng góp và ý kiến của những người Việt lớn tuổi, những người được xem là “nhân chứng sống” trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam hay trước đó cho mục đích nghiên cứu của họ.

“Và mục đích thứ hai là để cho những người trẻ mà bây giờ ở độ tuổi 50, 40, 30, 20 đang làm việc trong ngành giáo dục, truyền thông… để họ có thể tranh đấu để những cuốn sách sử này được dạy trong các khu học chính, các trường đại học nơi họ đang sinh sống và hơn nữa là được đưa vào thư viện của vùng đó”, bà Triều Giang nói thêm.

Ngoài ra, theo Giáo sư Tường Vũ, “Làm sao để giúp các thế hệ sau họ hiểu và tự hào về lịch sử của dân tộc, của gia đình? Làm thế nào để bảo tồn di sản đó lâu dài? Làm sao để cộng đồng Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn? Làm sao để giải quyết những xung đột văn hoá và quan điểm chính trị giữa những thế hệ (người Việt) đến từ Việt Nam và thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mỹ” cũng sẽ là những nội dung được bàn thảo trong chương trình.

Dự kiến, ngoài hai cuốn sách trên, cuốn thứ 3 của bộ sách, với nội dung viết về giai đoạn lịch sử từ 1963 – 1975, sẽ được xuất bản vào tháng 9 tới.

Các nhà nghiên cứu cho biết với bộ sách trên, họ mong muốn đưa ra quan điểm mới toàn diện hơn về lịch sử của Việt Nam nói chung và của VNCH, của cuộc chiến Việt Nam nói riêng, đã không được các sử gia phương Tây chú ý đến trong thời gian qua.

Việc hiểu rõ tư tưởng Cộng hoà và thời điểm nó du nhập vào Việt Nam là vô cùng cần thiết vì đây là nền tảng hình thành nên thể chế VNCH trong những năm sau đó, cũng là yếu tố rất cần thiết để hiểu và giải thích nguyên nhân vì sao hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi tị nạn sau năm 1975, theo GS. Alex.

“Lịch sử này đã chìm khuất trong rất nhiều năm nên bây giờ đòi hỏi phải có những tài liệu mới, cách nhìn mới và cả sự can đảm để đưa cách nhìn này ra với giới học thuật của Mỹ”, GS. Tường Võ nói.

Ông cho biết trong thời gian qua, những cuốn sách của nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực, sự ủng hộ, khuyến khích từ giới học thuật Mỹ. Một số học giả Hoa Kỳ cũng bắt đầu đồng ý với những quan điểm và dữ liệu được trình bày trong sách.

Ngoài Boston, nhóm tổ chức sau đó sẽ tiếp tục đến các bang khác của nước Mỹ để giới thiệu sách và ghi nhận thêm ý kiến đóng góp từ cộng đồng người Việt ở những nơi này.

“Mọi người hy vọng trong vòng 10 năm nữa, từ 5 – 10 năm, với cái đà mà mình đang làm đây thì mình sẽ làm sáng được trang sử của mình. Bởi vì mình viết là mình có chứng cứ, nhân chứng sống, tài liệu đã bị ẩn, bị giấu đi thì bây giờ được những nhà nghiên cứu, những giáo sư này họ đưa ra để chứng minh và đưa sự thật vào trong lịch sử của Việt Nam, người Việt Nam tự do cũng như người Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới”, bà Triều Giang bày tỏ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG