Đường dẫn truy cập

Việt Nam tìm cách kiềm chế lạm phát ở mức 4,5% trong năm 2023


Một góc phố Hà Nội. Giá cả hàng hoá tăng vọt do nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao tại Viêt Nam trong năm 2023.
Một góc phố Hà Nội. Giá cả hàng hoá tăng vọt do nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao tại Viêt Nam trong năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam mới đây cho biết sẽ giữ chính sách tiền tệ linh hoạt như một phần trong nỗ lực giữ mức lạm phát dưới 4,5% và đảm bảo cho thị trường ổn định trong năm 2023.

Theo đó, NHNN đặt hạn ngạch tăng trưởng tín dụng trong năm mới ở mức 14-15%, nhằm đảm bảo thanh khoản cho tất cả các bên cho vay. Ngân hàng này cũng yêu cầu các bên cho vay giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

“Lạm phát ngay quý đầu năm 2023 ước trên 5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới vẫn là ẩn số khó lường, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt, được báo Đầu tư Chứng khoán dẫn lời nhận định.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng áp lực lạm phát vào thời điểm cuối năm 2022 và trong năm 2023 là rất lớn khi chính phủ yêu cầu nhanh chóng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022-2023.

Những thách thức lớn nhất trong việc kiềm chế lạm phát hiện nay là giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng vọt, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, dẫn đến nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Ngoài ra, các khoản học phí, thuế, lương cơ bản… bắt đầu tăng từ 1/7 và giá xăng dầu tăng tác động lên giá lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng cũng khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trong năm 2023.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại một hội nghị gần đây khẳng định một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngân hàng này trong năm 2023 là “kiểm soát lạm phát”.

Cụ thể, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế, tình hình kinh tế thế giới và trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế.

Theo các chuyên gia trong nước, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023 của Việt Nam sẽ là một thách thức do nhiều yếu tố, trong đó bao gồm lạm phát do cung-cầu và giá cả tăng.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của NHNN dự báo năm 2023, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái rất lớn, đặc biệt là các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Quan chức này cho rằng với các dự báo vĩ mô, việc định hướng điều hành trong năm 2023 về chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng… sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới gần 730 tỷ USD, tương đương với 190% GDP.

Ngân hàng Standard Chartered gần đây dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,2% và lạm phát sẽ ở múc 5,5% trong năm 2023.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG