Đường dẫn truy cập

Ông Tập Cận Bình đối mặt với một loạt khó khăn trong nhiệm kỳ mới


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba của mình với nhiều quyền lực hơn bao giờ hết, nhưng ông cũng đối diện với một núi vấn đề cần giải quyết, từ nền kinh tế ảm đạm cho đến chính sách COVID-19 của chính ông đã đưa đất nước vào ngõ hẹp, và mối quan hệ xấu đi với phương Tây.

Trong nước, ông Tập, 69 tuổi, phải đảm đương vô số công việc trong bộ máy quan liêu của đảng và nhà nước, tiếp sau sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền của ông, sau đại hội diễn ra hai lần mỗi thập niên vừa kết thúc vào tuần trước.

Nền kinh tế, được quản lý bởi một thủ tướng sắp mãn nhiệm, chỉ còn nắm quyền cho đến kỳ họp quốc hội vào tháng 3, đang bị bao vây bởi chính sách zero-COVID, một cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin thị trường giảm sau khi ông Tập công bố hôm 23/10 một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới với những người trung thành.

Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về việc Trung Quốc sẽ giải quyết chính sách kinh tế như thế nào trong thời gian sắp tới và trong thời gian diễn ra Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm của đảng, thường được tổ chức vào tháng 12, đề ra chương trình kinh tế cho kỳ họp quốc hội.

Theo Reuters, những nhận định ban đầu sau đại hội khá gay gắt: Các nhà đầu tư toàn cầu bán phá giá cổ phiếu Trung Quốc hôm 24/10 và đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 năm do những lo ngại rằng ý thức hệ ngày càng lấn át tăng trưởng dưới thời nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Đặc biệt, các nhà đầu tư và vô số người Trung Quốc hy vọng rằng khi kết thúc đại hội các nhà chức trách sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt của chính sách zero-COVID, song hy vọng đó đã tan thành mây khói vì ông Tập lặp lại chính sách này.

‘CÔNG THỨC CHIẾN THẮNG’

Với việc ông Tập ngày càng tập trung vào an ninh và tự lực, nhiều người theo dõi Trung Quốc dự báo sẽ có sự tăng cường chính sách ngoại giao hiếu chiến, vốn đã khiến Bắc Kinh ngày càng rời xa phương Tây về các vấn đề từ nhân quyền và áp lực lên Đài Loan để ủng hộ Tổng thống Putin của Nga.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh cho biết chiến lược của Trung Quốc là nhằm giành sự ủng hộ từ các quốc gia “đu dây” để ghi được phiếu bầu của Liên Hiệp Quốc.

Washington nói họ đã lưu ý đến đại hội và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ các đường dây liên lạc cởi mở.

Ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng sẽ đến hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia vào tháng tới để tham dự cuộc họp của nhóm G-20, nhưng không rõ liệu họ có gặp trực tiếp lần đầu tiên với tư cách là người đứng đầu chính phủ hay không.

Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu ông Tập có tham dự hay không.

Trong khi đó, lệnh cấm sâu rộng của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc càng làm tăng thêm niềm tin của Bắc Kinh rằng Washington muốn kiềm chế Trung Quốc.

Với việc ông Tập cảnh báo về một thế giới nguy hiểm hơn, những người theo dõi đảng kỳ vọng ông Trần Văn Thanh, bộ trưởng an ninh quốc gia của ông, sẽ được nâng lên giữ vai trò an ninh hàng đầu của Trung Quốc, một sự thăng tiến đầu tiên mà các nhà phân tích cho rằng tập trung nhiều hơn vào tình báo.

ĐỘI NGŨ CỦA ÔNG TẬP

Sau khi đưa vào hàng ngũ cấp cao nhất của đảng với những thành viên của mình, ông Tập được cho là sẽ thay thế các nhà lãnh đạo trong các chức vụ quan trọng trong cuộc cải tổ lớn nhất trong 5 năm.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng giám đốc ngân hàng trung ương Dịch Cương có khả năng sẽ nghỉ hưu vào năm tới, và ông Ứng Dũng, phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ năm 2016 đến năm 2018, được coi là nhiều khả năng sẽ thay thế ông.

Các nhà hoạch định chính sách ủng hộ cải cách khác bị loại khỏi ủy ban trung ương mới của đảng là vị thống lĩnh về kinh tế sắp mãn nhiệm Lưu Hạc, 70 tuổi và bí thư đảng ủy ngân hàng trung ương Quách Thụ Thanh, 66 tuổi. Một người khác, Thủ tướng Lý Khắc Cường, sẽ được thay thế bằng nhân vật số 2 mới của ông Tập, Lý Cường.

Cũng trong số những người mới còn có ông Đinh Tiết Tường, người từng là tham mưu trưởng của ông Tập và có tên trong Ủy ban Thường vụ mới. Những người theo dõi đảng dự đoán ông sẽ được chuẩn thuận làm phó thủ tướng vào tháng 3.

Không giống như những người nắm giữ vị trí đó gần đây, ông Đinh không có kinh nghiệm kinh tế đáng kể, theo Reuters.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG