Đường dẫn truy cập

Bỏ việc, bán nhà, xin làm ca đêm để né tắc đường ở Hà Nội 


Ảnh tư liệu - Cảnh tắc đường tại một tuyến phố ở Hà Nội trong giờ cao điểm
Ảnh tư liệu - Cảnh tắc đường tại một tuyến phố ở Hà Nội trong giờ cao điểm

“Sáng đi làm lúc 6 giờ rưỡi để trước 7 giờ là phải qua cầu rồi. Còn nếu sau 7 giờ thì phải đứng hàng tiếng đồng hồ mới qua được cầu vì tắc khủng khiếp. Rồi đến buổi tối thì… đường cầu sang Long Biên nó tắc như là đút nút luôn. Tắc đến tận nhà Bác Cổ luôn, phải mất hơn 1 giờ mới qua được cái cầu.” Đó là tâm sự của Chị Lê Thanh Hồng, một cựu công chức sống tại quận Long Biên, Hà Nội, về những ngày cả hai vợ chồng còn làm việc chung tại một tổng công ty nhà nước có trụ sở ở khu trung tâm thành phố. Cả hai vợ chồng đã có thâm niên công tác nhiều năm, nhưng cuối cùng đều phải xin nghỉ vì áp lực xuất phát từ việc di chuyển.

Theo chị Hồng, ngoài 8 giờ làm việc chính quy, vợ chồng chị mỗi ngày phải tốn thêm 4-5 tiếng đồng hồ cho việc đi lại vì tắc đường. Trong suốt những ngày tháng đó, vợ chồng chị gần như không có thời gian dạy dỗ con cái hay chăm sóc gia đình. Đặt chân về đến nhà là ‘sấp ngửa’ chuẩn bị cơm tối để ngủ sớm, sáng mai đúng 6 giờ 30 phút là cả gia đình phải ra khỏi nhà để tránh kẹt xe, chị nói.

Từ ngày quyết định nghỉ công việc hành chính, chị Hồng cho biết chị cảm thấy áp lực đi sớm về muộn và những căng thẳng trên đường hàng ngày đã giảm hẳn. Chị có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và gia đình, dù thu nhập có giảm đôi chút so với trước kia.

“Từ ngày chồng tôi chuyển qua Bắc Ninh làm, thì giờ không bị tắc đường, về đến nhà còn tập được thể dục…hoặc là buổi tối còn dạy con học. Nói chung là mình thấy cuộc sống nó đỡ áp lực hơn, đỡ áp lực về mặt đi lại ý. Còn tôi thì tôi đi làm về xong, tôi có thời gian thong thả nấu cơm rồi cho con đi chơi thoải mái,” chị Hồng chia sẻ và cho biết dù được một số công ty khác tại Hà Nội mời trở lại làm việc, nhưng anh chị đều từ chối vì không muốn phải quay lại những ngày tháng ‘ám ảnh’ chen lấn trên đường nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày.

Không thể chuyển đổi công việc như gia đình chị Hồng, anh Nguyễn Tuấn Anh, một biên dịch viên làm việc tại một cơ quan báo chí ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết anh cũng phải đi làm từ 6 giờ 30 sáng để tránh tắc đường, dù anh sống tại quận Thanh Xuân, nơi có tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Nếu không rời nhà sớm thì mỗi ngày anh có thể mất hơn 3 giờ đồng hồ chen chúc trên đường. Hiện tại, anh mất nửa tiếng tới sở và một tiếng rưỡi lúc về.

Anh nói đây không phải là giải pháp lâu dài vì việc chen chúc giữa khói bụi lúc tan ca mỗi buổi chiều khiến anh quá mệt mỏi, chưa kể đến nhiều nguy cơ về sức khoẻ khi hàng ngày phải hít một lượng khói xe và bụi đường khổng lồ cộng thêm những căng thẳng trên suốt đoạn đường. Dựa vào đặc thù công việc của bản thân, anh đang nhắm tới một lựa chọn khác mà anh cho là khả dĩ hơn để đối phó với tắc đường kinh niên tại Hà Nội.

“Một thời gian nữa mình sẽ chuyển sang làm ca và có nhiều hôm mình sẽ làm ca đêm chẳng hạn. Như vậy thì thời gian nó sẽ cơ động hơn mà làm ca đêm thì rõ ràng không bao giờ phải lo tắc đường nữa,” anh cho biết.

Không thể chuyển việc, không thể đổi ca làm thì….bán nhà chuyển tới sống gần nơi làm việc. Đó là giải pháp của anh Đỗ Đức Quang, một công chức trên 25 năm công tác tại một doanh nghiệp lớn của nhà nước. Anh Quang cho biết trước tình trạng tắc đường ngày càng tồi tệ ở Hà Nội, hai vợ chồng anh đã quyết định bán căn nhà ở Kim Giang, Thanh Xuân, về mua một căn hộ chung cư tại quận Ba Đình. Anh nói dù nơi ở chật chội hơn, nhưng mỗi ngày anh chị tiết kiệm được trên dưới 3 giờ đồng hồ di chuyển thực sự là rất xứng đáng.

“Thời gian đấy để nghỉ ngơi, chăm sóc, dạy dỗ con cái tốt hơn nhiều là ở một căn nhà rộng nhưng hàng ngày phải chen chúc, hít khói, bụi trên đường,” anh so sánh.

Anh Quang cho biết vấn nạn tắc đường tại Hà Nội ngày một tăng chứ không giảm, không thể giải quyết trong hoàn cảnh và cách làm hiện tại.

“Hà Nội nó có thay đổi gì mấy về hạ tầng đâu. Hạ tầng về cơ bản thì nó vẫn như thế. Cứ mỗi con đường mới mở ra, chung cư lại mọc lên kín mít thì rõ ràng càng ngày càng đông và tắc hơn lúc trước. Trong khi đó thì nông thôn đổ lên đây ngày càng nhiều. Bây giờ ly nông, ly hương, bỏ ruộng, bỏ vườn lên thành phố đông lắm,” anh Quang chia sẻ.

Cư dân này cho rằng việc anh bán nhà chuyển về gần chỗ làm là hoàn toàn hợp lý và anh cũng may mắn lắm mới tìm mua được một căn hộ chung cư cũ với chi phí tương đương với số tiền bán căn nhà ở Kim Giang.

Để giải quyết vấn nạn tắc đường, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội nói sẽ tiến hành đề án thu phí xe cộ tại một số nơi ùn tắc và ô nhiễm cao cũng như phân vùng, từng bước hạn chế xe máy với mục tiêu dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030, theo báo Lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gây tranh cãi vì xe máy không đơn thuần là phương tiện đi lại mà còn là công cụ kiếm sống của nhiều cư dân.

Hà Nội cũng kiến nghị cho di dời trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… ra khỏi nội thành, nhưngnhiều năm nay mọi việc còn dậm chân tại chỗ. Và giải pháp cho vấn nạn tắc đường nhức nhối hiện nay vẫn là bài toán nan giải.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG