Đường dẫn truy cập

Ông Charles kế vị ngôi vua; các nước vùng Caribê bàn về bồi thường, không theo quân chủ


Ông Charles trở thành nhà vua của Vương quốc Anh.
Ông Charles trở thành nhà vua của Vương quốc Anh.

Việc ông Charles lên ngôi vua ở Vương quốc Anh lại khuấy động những lời kêu gọi từ các chính trị gia và các nhà hoạt động muốn các thuộc địa cũ của Anh ở vùng Caribe loại bỏ nhà quân chủ Anh khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia của họ và yêu cầu Anh bồi thường về chế độ nô lệ.

Ông Charles kế vị mẹ mình, Nữ hoàng Elizabeth, người trị vì 70 năm và băng hà vào chiều thứ Năm 8/9.

Thủ tướng Jamaica cho biết đất nước của ông sẽ để tang bà Elizabeth, và người đồng cấp của ông ở Antigua và Barbuda đã ra lệnh treo cờ rủ cho đến ngày bà an táng.

Nhưng trong một số giới, có những băn khoăn về vai trò của một vị quân vương xa xôi đối với các nước vùng Caribê trong thế kỷ 21. Đầu năm nay, một số nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung tỏ ra không thoải mái tại hội nghị thượng đỉnh ở Kigali, Rwanda, về việc chuyển giao quyền lãnh đạo khối gồm 56 quốc gia từ tay bà Elizabeth sang ông Charles.

Và trong chuyến công du kéo dài 8 ngày hồi tháng 3 của Hoàng tử William - nay là người sẽ thừa kế ngai vàng tiếp theo - và phu nhân Kate tới Belize, Jamaica và Bahamas, đáng chú ý đã có nhiều lời kêu gọi bồi thường và xin lỗi về chế độ nô lệ.

"Khi vai trò của chế độ quân chủ thay đổi, chúng tôi kỳ vọng đây có thể là cơ hội để thúc đẩy các cuộc thảo luận về các khoản bồi thường cho khu vực của chúng tôi", Niambi Hall-Campbell, một học giả 44 tuổi, chủ tịch Ủy ban Bồi thường Quốc gia Bahamas, nói hôm 8/9.

Hall-Campbell đã gửi lời chia buồn đến gia đình Nữ hoàng và lưu ý rằng ông Charles thừa nhận về "sự tàn bạo khủng khiếp của chế độ nô lệ" tại một buổi lễ hồi năm ngoái đánh dấu Anh chấm dứt cai trị Barbados và nước này trở thành một nhà nước cộng hòa.

Bà Hall-Campbell nói rằng bà hy vọng ông Charles sẽ có cách lãnh đạo theo đó phản ánh rằng "cần phải có công lý cho thời đó. Và loại công lý đó là công lý đền bù".

Hơn 10 triệu người châu Phi đã bị các quốc gia châu Âu xiềng xích và bị buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Những người sống sót sau chuyến đi cực khổ bị buộc phải lao động trên các đồn điền ở Caribê và châu Mỹ.

David Denny, tổng thư ký của Phong trào Hòa bình và Hội nhập Caribe, ở Barbados, nói: “Bất cứ ai sẽ nối ngôi đều cần phải nhận lấy lời yêu cầu là hoàng gia cần trả tiền bồi thường cho người dân châu Phi”.

Ông nói tiếp: “Tất cả chúng ta nên làm việc cùng nhau tiến tới việc loại bỏ hoàng gia Anh khỏi vai trò là nguyên thủ quốc gia của các đất nước chúng ta”.

Jamaica đã báo hiệu rằng họ có thể sớm theo chân Barbados trong việc loại bỏ quyền cai trị của hoàng gia Anh. Cả hai nước vẫn là thành viên của Khối thịnh vượng chung.

Một cuộc khảo sát vào tháng 8 cho thấy 56% người Jamaica ủng hộ việc loại bỏ vị quân vương Anh khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia của Jamaica.

(Reuters)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG