Đường dẫn truy cập

Hà Nội tính sử dụng lại loa phường, người dân phản ứng mạnh


Theo tìm hiểu của VOA, người dân Hà Nội trong nhiều năm trước đây đã khó chịu về loa phường, xem đó là nguồn 'ô nhiễm tiếng ồn', thậm chí là 'khủng bố bằng âm thanh'.
Theo tìm hiểu của VOA, người dân Hà Nội trong nhiều năm trước đây đã khó chịu về loa phường, xem đó là nguồn 'ô nhiễm tiếng ồn', thậm chí là 'khủng bố bằng âm thanh'.

Chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động ở cấp thôn, tổ dân phố và khu dân cư, thường được gọi ngắn gọn là loa phường, nhiều báo trong nước đưa tin, trích dẫn bản chiến lược của chính quyền thành phố về phát triển thông tin ở cấp cơ sở.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, nhiều người dân ở thủ đô của Việt Nam phản ứng bất mãn về kế hoạch kể trên.

Tường thuật của báo chí Việt Nam cho hay chiến lược phát triển thông tin cơ sở của Hà Nội nhắm đến việc trong 3 năm tới, 100% số đài truyền thanh cấp xã sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet.

Cũng bản chiến lược này đặt ra mục tiêu là thành phố sẽ thiết lập trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp xã, phường và bảng tin điện tử ở nơi công cộng do cấp xã, phường quản lý.

Hiện tại, Hà Nội có 579 xã phường, thị trấn, với số lượng các đài truyền thanh tương ứng.

Theo tìm hiểu của VOA, người dân Hà Nội trong nhiều năm trước đây đã khó chịu về loa phường, xem đó là nguồn “ô nhiễm tiếng ồn”, thậm chí là “khủng bố bằng âm thanh”.

Tuy nhiên, vấn đề lắng xuống khi cách đây 5 năm, thành phố lấy ý kiến người dân về bỏ loa phường và trong cùng năm ban hành một đề án giảm số cụm loa phường cũng như giảm thời gian phát thanh ở một số quận nội đô.

Trong số những người dân đưa ra ý kiến khi đó, gần 90% khẳng định hệ thống loa phường không cần thiết duy trì, chỉ 4% cho rằng cần thiết và hơn 6% ý kiến nhận định loa phường cần thiết nhưng phải đổi mới, theo một bản tin của Zing News.

Những ngày này, sau khi có tin Hà Nội tính đưa hệ thống loa phường hoạt động trở lại, VOA quan sát thấy dư luận ngay lập tức có nhiều phản ứng không ủng hộ hoặc chê cười.

Nhìn chung, đa số vẫn phản đối loa phường vì lý do ồn ào, gây phiền phức, thậm chí gọi đó là “màn tra tấn trên diện rộng”. Một lý do khác là ngày nay, người dân ai cũng có nhiều phương tiện hiện đại để nhận thông tin, tin tức như máy tính, điện thoại thông minh, TV… nên không ai quan tâm đến thông tin được phát lại trên loa phường. Một số người cho rằng tiền đầu tư vào loa phường nên dành cho xây bệnh viện, trường học hoặc khu vui chơi cho người dân.

Trên mạng xã hội, những người có nhiều ảnh hưởng cũng lên tiếng phản đối loa phường. Võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu, với hơn 146.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng việc khôi phục loa phường là “khôi phục sự áp đặt ấu trĩ, thô thiển lên con người”, và cũng “phí tiền thuế của dân”.

“Tôi xin các vị hãy dừng cái ý tưởng kì quặc này lại. Nếu có làm thì hãy làm một cuộc thăm dò tử tế với người dân trước đã”, ông Châu viết, có ý gửi một thông điệp đến nhà chức trách Hà Nội.

Ý kiến của ông Châu nhận được hơn 1.200 phản ứng yêu, thích, cùng với khoảng 350 lời bình luận mà đại đa số cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ sự trở lại của loa phường.

Ông Dương Quốc Chính, một Facebooker có hơn 58.000 người theo dõi, đưa ra quan sát với VOA rằng những vị chủ tịch Hà Nội trong vài nhiệm kỳ gần đây đều có hiện tượng là khi nhậm chức thường có động thái ngược với người tiền nhiệm, để tạo dấu ấn.

Một ví dụ ông Chính dẫn ra là trong nhiệm kỳ gần đây nhất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thực hiện chương trình trồng cây khắp phố phường, ngược lại với thời của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo, và giảm mạnh việc sử dụng hệ thống loa phường. Nay, tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh có ý khôi phục lại loa phường, ngược lại với ông Chung.

“Tất cả các động thái kể trên của các vị đó đều có màu sắc dân túy. Nhưng việc tái lập loa phường, cho dù ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh gì đó, thì cũng là động tác đi ngược lại lòng dân. Vẫn biết là tân quan tân chính sách, nhưng tân chính sách kiểu này là rất dại. Những cán bộ tham mưu cho Chủ tịch Thanh phải xem lại”, ông Chính chia sẻ suy nghĩ với VOA.

Giữa lúc có nhiều quan điểm trái chiều của người dân về loa phường, hôm 27/7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội, nói trong một cuộc họp báo rằng "Hà Nội chưa hề dừng loa phường để phải khôi phục mà chỉ thay đổi cách vận hành để thân thiện với người dân. Chỉ có loa phường mới đáp ứng được và đóng vai trò then chốt với các thông tin cơ sở".

Nhấn mạnh rằng truyền thanh qua loa phường là “không thể thay thế được”, bà Hương nêu ra lý do trước báo giới trong nước: “Mỗi tổ dân phố của Hà Nội có nhu cầu thông tin khác nhau. Việc một tổ trưởng đến từng nhà dân sẽ rất vất vả. Trong khi đó, phát thông tin qua loa, người dân sẽ nắm được, từ đó các chủ trương của thành phố, công việc nội bộ của khu dân cư sẽ đến được với người dân nhanh chóng".

Về giải pháp để loa phường không còn là nỗi bất bình đối với người dân, nữ phó giám đốc Sở TT-TT cho biết: "Trước đây hệ thống loa phường bố trí thành cụm loa lớn, ai ở gần sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn. Trong các kế hoạch mới sẽ duy trì số lượng loa ít đi sẽ giảm tiếng ồn, sau đó, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để chọn vị trí và số lượng loa cần lắp đặt".

Bà Hương cũng trấn an rằng nội dung và thời lượng phát thanh sẽ được thay đổi để mỗi ngày loa phường không phát quá 2 lần, mỗi lần không quá 15 phút, dừng phát loa vào ngày cuối tuần, trừ việc cấp bách như dịch bệnh, thiên tai...

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG