Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng gây bão dư luận khi thúc đẩy việc sửa bia mộ ‘liệt sĩ vô danh’


Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trong một buổi làm việc ở Hà Nội, 5/7/2022.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trong một buổi làm việc ở Hà Nội, 5/7/2022.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam hứng chịu làn sóng chỉ trích trong hai ngày nay sau khi ông đề nghị khắc lại bia mộ của các liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi.

Dân Trí, Tuổi Trẻ và một số báo trong nước đưa tin hôm 5/7 rằng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong cùng ngày có buổi làm việc ở Hà Nội với một đoàn cán bộ tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7).

Trong buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị nêu kiến nghị về việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.

Quảng Trị từng là chiến trường khốc liệt giữa một bên là Nam Việt Nam có đồng minh là Mỹ và bên kia là Bắc Việt Nam của những người cộng sản, với thiệt hại nhân mạng nặng nề cho cả hai bên.

Sau khi chiến tranh chấm dứt vào ngày 30/4/1975 với thắng lợi thuộc về phe cộng sản, Quảng Trị có số lượng nghĩa trang liệt sĩ cộng sản lớn nhất cả nước với 72 nghĩa trang, theo thông tin chính thống của nhà nước Việt Nam, trong đó có hàng nghìn ngôi mộ cắm bia “liệt sĩ vô danh”.

Đáp lại kiến nghị về việc sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo phải quyết liệt thực hiện, các báo tường thuật.

"Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế, việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là ‘Liệt sĩ chưa xác định được thông tin’. Bia mộ nên làm với cùng một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, các báo cho hay. Bộ trưởng Dung đặc biệt lưu ý rằng không được để tiêu cực trong việc này.

Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin của 24.720 mộ liệt sĩ, bộ trưởng nói, vẫn theo tường thuật của báo chí trong nước, nhưng các bài báo không nói rõ đây là con số của riêng tỉnh Quảng Trị hay của cả nước.

Những phát biểu của Bộ trưởng Dung đồng ý và thúc đẩy việc sửa bia mộ liệt sĩ đã dẫn đến một cơn bão dư luận chống lại ông, theo quan sát của VOA.

Đi đầu làn sóng chỉ trích ông Dung là những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội gồm luật sư Nguyễn Văn Quynh, các nhà báo kỳ cựu Nguyễn Tiến Tường, Võ Đức Phúc, Hoàng Linh, Tâm Chánh, Huỳnh Ngọc Chênh, doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân…

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, với gần 50.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng việc khắc lại bia mộ liệt sĩ “về bản chất không có gì thay đổi” nhưng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, tức tiền thuế của dân, hoặc nếu không cũng lãng phí tiền của các tổ chức, cá nhân khác.

Cho biết rằng chính gia đình ông có thân nhân là liệt sĩ và đã đi tìm mộ bao nhiêu năm qua mà chưa thấy, ông Quynh bình luận rằng “Giờ Bộ trưởng khắc bia lại cũng có thay đổi được liệt sĩ chưa có danh phận đâu”.

Luật sư Quynh đề nghị Bộ trưởng Dung “tìm cách đền ơn đáp nghĩa cho thân nhân liệt sĩ, tìm công ăn việc làm cho họ, chứ đừng thay bia mà không tìm được hài cốt cho thân nhân mong ngóng, chờ đợi muôn năm qua”.

Có chung quan điểm với ông Quynh, Facebooker Võ Đức Phúc với hơn 61.000 người theo dõi, viết rằng nội hàm ngữ nghĩa của dòng bia mộ cũ và mới không khác nhau gì mấy, trong khi đó, việc khắc lại dòng chữ có thể xem như là “bộ trưởng xới lại nỗi đau” của gia đình các liệt sĩ, hơn nữa, việc này còn gây “tốn tiền ngân sách”.

Ông Võ Đức Phúc cũng kêu gọi Bộ trưởng Dung nếu muốn thể hiện tấm lòng với các liệt sĩ, hãy quan tâm, chăm sóc cho gia đình của các liệt sĩ để họ có cuộc sống tốt hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Tường, có gần 77.000 người theo dõi, đánh giá rằng việc thay bia mộ là vô ích vì bia mới cũng vẫn không có tên tuổi của các liệt sĩ. Vì vậy, ông Tường thấy rằng điều nên làm là “dùng tiền đó mà đầu tư thêm cho việc tìm kiếm liệt sĩ hoặc chăm lo tử tuất cho gia đình họ” sẽ tốt hơn.

Ông Hoàng Linh đưa ra ý kiến rằng “Chuyện liệt sĩ linh thiêng, chớ có động chạm”. Ông viết thêm rằng “Là thân nhân gia đình liệt sĩ, tôi khuyên các vị không được hỗn”.

Ông Trần Quốc Quân, có gần 25.000 người theo dõi, đưa ra nhận xét rằng ý định đổi cụm từ “Liệt sĩ vô danh” mà ai cũng hiểu là gì sang lối viết theo kiểu giải thích ý nghĩa của từ là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” cho thấy thêm một điều bộc lộ sự ngu dốt của quan chức Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG