Đường dẫn truy cập

‘Tết buồn’ giữa đại dịch Covid


Ảnh tư liệu: Một khu buôn bán hàng hoá trang trí dịp Tết vắng bóng người tại Hà Nội những ngày giáp Tết
Ảnh tư liệu: Một khu buôn bán hàng hoá trang trí dịp Tết vắng bóng người tại Hà Nội những ngày giáp Tết

“Tết thì buồn não lòng hết cả. Nói tóm lại kinh tế, mọi cái chán lắm luôn. Mọi năm thì còn buôn được ít bưởi, bán được ít hàng Tết...nhưng mà năm nay chả bán được cái gì luôn.” Đó là lời than thở của chị Nguyễn Thị Lan, một người buôn bán lặt vặt ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Gia đình 5 nhân khẩu nhà chị trông cậy vào việc buôn bán vỉa hè. Dịp Tết với hy vọng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, chị Lan trông chờ sẽ kiếm được thêm vài triệu đồng để cả nhà đón Tết nhưng cuối cùng, hàng hoá ế ẩm dù người dân đã được đi lại thoải mái. Chị Lan nói “người đi ra đường thì lắm nhưng người chịu bỏ tiền ra mua sắm chả có bao nhiêu.”

Tuy vậy, theo chị Lan, dù sao gia đình chị vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, đặc biệt là những công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Ít nhất chị còn có được sự giúp đỡ của bà con họ hàng nên nhà chị cũng miễn cưỡng có được một cái ‘Tết eo hẹp’.

“Bọn trẻ con mình còn chẳng mua sắm cho chúng nó cái gì, làm gì có tiền mà mua sắm, thôi thì chả quần, chả áo, chả cái gì hết, không cái gì hết. Tập trung vào gạo để ăn. Ăn để sống thôi chứ bây giờ Tết nhất thế này, buồn hết cả người. Giá như chẳng có cái Tết cho xong,” chị than thở.

Bà Nguyễn Thị Hương, một cư dân tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết năm nay đa số mọi gia đình đã thực tế hơn trong việc mua sắm Tết khi dịch bệnh kéo dài suốt hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của họ. Bằng chứng là các loại đồ ăn thức uống phục vụ Tết như bánh chưng, giò, chả hay gà cúng đã cháy hàng từ 27, 28 Tết trong khi đến tận chiều 30 các loại đào, quất và hoa cảnh vẫn còn ế rất nhiều. Bà Hương nói gia đình bà cũng chỉ sắm một cành đào nhỏ cắm trên bàn thờ để có không khí mà thôi.

Cũng như nhiều gia đình nghèo khác, cái Tết năm nay của đại gia đình bà Hương cũng không trọn vẹn khi hai người em gái trong nhà lâm cảnh khó khănvì chỗ làm của họ phải đóng cửa quá dài, không đủ khả năng trả lương, thưởng Tết cho người lao động.

“Người ta chỉ cho lương vay (tháng lương bù thêm), tức là lương chỉ có một nửa thôi còn một nửa không được thanh toán. Tôi thì dù sao cũng có đồng lương hưu, dù nghèo dù đói thì cứ có từng đấy, mình liệu cơm gắp mắm thì cũng ok hơn rồi,” bà Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Huyên, một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội, năm nay cố gắng về quê ăn Tết cùng gia đình ở Nghệ An. Anh cho biết năm nay ở quê anh nhiều gia đình mất Tết do con cái đi làm việc xa, đặc biệt là ở miềnNam, không thể về quê ăn Tết vì eo hẹp tài chính. Mọi năm cứ đến 28 Tết là làng anh đã rộn ràng, nhà nhà tất bật mổ lợn, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa. Năm nay, một bầu không khí im lìm bao trùm.

“Nhiều công nhân có về được đâu. Mà kể cả không phải công nhân kể cả cử nhân rồi cán bộ, nhân viên trong Sài Gòn cũng chả về nổi. Có tiền đâu mà về. Thôi thì ở lại cho nó tiết kiệm vậy,” anh Huyên nói và cho biết chưa bao giờ anh thấy một cái Tết buồn và ảm đạm như năm nay dù tình trạng hạn chế đi lại, ‘ngăn sống cấm chợ’ đã được dỡ bỏ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG