Đường dẫn truy cập

VOA trò chuyện cùng Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia Mỹ gốc Việt, Alexandra Huỳnh


Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia Mỹ gốc Việt khi phỏng vấn trực tuyến với VOATiengviet. (Titi Mary Tran/VOA Vietnamese)
Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia Mỹ gốc Việt khi phỏng vấn trực tuyến với VOATiengviet. (Titi Mary Tran/VOA Vietnamese)

SACRAMENTO (Calif.) - Alexandra Huỳnh, hay Huỳnh Thụy An, là “nàng thơ” trẻ người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận được danh hiệu Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia (National Youth Poet Laureate) 2021 khi cô vừa tròn 18 tuổi.

Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia là danh hiệu trao tặng cho một người trẻ đạt giải nhất trong cuộc thi diễn thơ văn tại Mỹ mỗi năm do tổ chức Urban Word đề xướng và thực hiện cùng các chương trình nghệ thuật nhân văn địa phương và quốc gia trên khắp nước Mỹ, trong đó có Ủy Ban Nghệ Thuật Nhân Văn của Tổng Thống Hoa Kỳ, Thư Viện Quốc Gia, Viện hàn lâm các nhà thơ Mỹ, Hội Thơ Văn Mỹ, Trung Tâm ‘Văn Bút’ Hoa Kỳ, và Cave Canem.

Người đầu tiên đạt danh hiệu Khôi Nguyên Thi Ca quốc gia là cô Amanda Gorman, năm 2017. Cô là người đọc tác phẩm “The Hill We Climb - Ngọn Đồi Ta Leo” đầy cảm xúc trong buổi lễ nhậm chức Tổng Thống Joe Biden ngày 20 Tháng Giêng, 2021. Alexandra Huỳnh là Khôi Nguyên Thi Ca quốc gia thứ năm của nước Mỹ và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận được danh dự này.

Cuộc thi được chia làm nhiều giai đoạn. Trước hết, các nhà thơ trẻ trong lứa tuổi từ 13-19 được các tổ chức nghệ thuật và nhân văn địa phương đề cử sau khi đạt danh hiệu Khôi Nguyên Thi Ca của thành phố mình đang cư ngụ. Sau đó, từ cuộc thi thành phố lên đến tiểu bang rồi được chọn để đại diện một trong bốn vùng của Hoa Kỳ, như miền Tây (13 tiểu bang trong đó có California, Hawaii and Alaska), miền Trung Tây (12 tiểu bang), miền Đông Bắc (9 tiểu bang bao gồm tiểu bang New York), và miền Nam Hoa Kỳ (16 tiểu bang bao gồm Texas), để thi thơ đạt danh hiệu Khôi Nguyên Thi Ca Quốc Gia.

Ban giám khảo chọn lựa Khôi Nguyên Thi Ca quốc gia không những dựa vào tài thi thơ mà còn dựa vào các đóng góp cho xã hội và hoạt động cộng đồng cũng như khả năng lãnh đạo của những người trẻ này.

Amanda Gorman đọc thơ tại lễ đăng quang Tổng Thống Mỹ Joe Biden. (AP photos/Patrick Semanski - Pool)
Amanda Gorman đọc thơ tại lễ đăng quang Tổng Thống Mỹ Joe Biden. (AP photos/Patrick Semanski - Pool)


Thi thơ (poetry slam) là cách thi khi các tuyển sinh diễn thơ của chính mình trước đám đông khán giả, và ‘đấu thơ’ với nhau mặc dù các em không biết nhau. Có ba đợt thi và Huỳnh Thục An xếp hạng thứ hai trong số 100 em dự thi trong cả ba đợt.

Khi phỏng vấn với VOA Tiếng Việt, nàng thơ Huỳnh Thụy An tâm sự, “Tôi thật sự cảm thấy vinh dự. Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam rất đẹp và tôi hãnh diện để đại diện văn hóa này trên bình diện quốc gia, để đem những câu chuyện [về văn hóa Việt Nam] lên hàng đầu của tâm thức người Mỹ, bởi vì người Việt là những con người kiên cường và họ có một lịch sử vô cùng xinh đẹp.”

Tôi tồn tại để phục vụ điều gì đó cao cả hơn chính bản thân

Phải gọi Huỳnh Thụy An là nàng thơ vì cô xứng đáng với danh hiệu này. Từ lúc bảy tuổi, Thụy An đã bắt đầu viết những bài hát “tình,” đơn giản vì cô thấy những bài hát về tình thương được chiếu trên tivi và nghĩ đó là những gì mình nên viết. “Tôi dùng cây viết để bày tỏ những cảm xúc của mình, đặc biệt là những lúc tôi không biết cách nào để diễn tả những cảm xúc đó bằng ngôn ngữ thông thường,” Alexandra nói với VOA Tiếng Việt.

Thuở thiếu thời, Thụy An là cô bé ít nói. “Tôi luôn cảm giác tôi là một người ngoài cuộc,” Alexandra chia sẻ với VOA Tiếng Việt. “Tôi không thích nói chuyện với người lạ. Không phải vì tôi nghĩ họ không thú vị mà là vì họ làm tôi sợ một tí. Nhưng đa phần là tôi rất thích nói chuyện với chính tôi và nghĩ mông lung về thế giới theo cách của riêng mình. Tôi nhớ tôi thường đi bộ xung quanh sân chơi một mình và cảm thấy rất thoải mái vì tôi không sợ những gì đang xảy ra trong đầu tôi và cũng không sợ đối diện với sự thật hiện diện trước mắt tôi ở thế giới bên ngoài.”

Mặc dù vậy, Khôi Nguyên Thi Ca quốc gia thứ năm của Mỹ vẫn chưa vượt qua được sự e lệ của chính mình cho tới năm lớp 11, khi cô tự thách thức bản thân bằng cách đặt câu hỏi trong lớp học. Trường học ở Mỹ luôn khuyến khích học sinh nên đặt câu hỏi và chất vấn những điều họ thắc mắc hay chưa hiểu trong lớp học.

“Lúc tôi đang học lớp 11, tôi bắt đầu thách thức bản thân để đặt câu hỏi trong lớp. Điều này có vẻ rất thông thường nhưng trước đó tôi nghĩ tôi không phải là người hay hỏi đáp trong lớp học, mặc dù tôi luôn luôn là một học sinh chăm chỉ. Tôi chỉ nhận thông tin rồi chấp nhận nó thay vì thách thức bản thân xem thử có lổ hổng nào trong cái logic được trình bày, hay mường tượng thử có điều gì đó xa hơn những gì được dạy bảo,” Thụy An kể với VOA Tiếng Việt.

“Rồi từ lúc tôi luyện tập ‘cơ bắp’ nói và ‘cơ bắp’ suy nghĩ sâu sắc, tôi bắt đầu hiểu và đưa trải nghiệm sống từ cộng đồng vào nhận thức của tôi. Từ nhỏ tôi luôn hiểu rằng tôi không phải là trung tâm của vũ trụ, và tôi luôn muốn làm hết sức của mình để đóng góp cho cộng đồng vì điều này làm cho tôi vui.

"Nhưng mãi cho tới lúc 16 tuổi tôi mới cảm nhận rằng tôi lớn hơn bản thân và trải nghiệm của chính tôi, lúc đó tôi mới bắt đầu nghiệm ra rằng, ‘Ok, tôi tồn tại để phục vụ điều gì đó cao cả hơn chính mình,’” Thụy An chia sẻ tiếp.

Thơ không phải là cách duy nhất, nhưng là cách tự nhiên nhất để tôi biểu lộ cảm xúc

Đối với bố mẹ của Thụy An, họ không hiểu tại sao một cô bé rất thích học toán và các môn khoa học tự nhiên lại có tài và đam mê thi thơ viết văn đến như thế. Có lẽ họ chưa cảm nhận được khả năng thiên phú từ đứa con gái sinh đôi của mình. Ông bà Huỳnh có bốn đứa con, hai trai, hai gái. Con trai đầu lòng và con trai út, còn Thụy An là một trong hai chị em sanh đôi ở giữa.

Nhưng đối với Thụy An, điều này đến với cô một cách rất tự nhiên. Bởi vì, “viết thơ đối với tôi rất riêng tư,” Thụy An nói với VOA Tiếng Việt. “Mỗi lần tôi viết xong một bài thơ, như thể tôi được thở phào nhẹ nhõm vì tôi đã sắp xếp được những cảm xúc của tôi và đưa những cảm xúc đó cách xa tôi. Hơn nữa, viết thơ giúp tôi gỡ rối những suy nghĩ của mình trên giấy tờ và nó làm đầu óc tôi được rõ ràng. Tôi thầm cảm ơn viết thơ vì nó cho tôi một không gian lành mạnh và an toàn,” Thụy An tâm sự tiếp.

Có thể kinh nghiệm đời của cô bé 18 tuổi chưa nhiều lắm. Nhưng nếu tính luôn những ký ức vẫn còn lưu đọng từ lúc 7 bảy tuổi cùng với những hoạt động xã hội đóng góp cộng đồng không ngừng, bản năng thu nhập kiến thức nhanh chóng, cộng với khả năng cân bằng giữa văn hóa Việt ở nhà và văn hóa Mỹ ở học đường thì kinh nghiệm đời của Thụy An có thể được 11 năm rồi.

“Trong đợt thứ hai thi thơ, tôi nhớ tôi là người Mỹ gốc Á duy nhất trong hội trường đó, ngoại trừ một cô trong ban tổ chức. Sau khi tôi diễn thơ xong, cô này đến với tôi và nói, ‘Thank you, cảm ơn bạn đã đại diện cho chúng ta, đã kể những câu chuyện của bạn vì nó như thể nói về tôi.’ Lúc đó, tôi đã diễn một bài thơ nói lên cảm xúc của tôi về phía cạnh bên trong của hệ thống giáo dục, khi học sinh bị quy thành những con số thống kê và nó rất mất nhân đạo. Cô ấy nói với tôi bài thơ đó thật sự cảm hóa cô ấy. Và tôi cảm nhận rằng viết thơ không chỉ cho riêng tôi. Tôi viết vì khi tôi chia sẻ với người khác, thơ có thể đem lại sự thoải mái và đánh thức họ để họ tự kể những câu chuyện riêng của họ,” Thụy An kể với VOA Tiếng Việt. Đối với cảm xúc của tôi, thơ không phải là cách duy nhất để tôi bày tỏ tâm sự. Tôi thường cố gắng đi bộ, ngồi thiền và hít thở thật sâu. Nhưng đối với tôi, thơ là cách tự nhiên nhất để tôi bộc lộ bản tánh và cảm xúc của mình, Thụy An nhận định.

“Để tôi được hạnh phúc, tôi chỉ cần một nền giáo dục, một cộng đồng thương tôi, và năng lượng để tôi dùng nền giáo dục đó phục vụ cộng đồng,” Khôi Nguyên Thi Ca quốc gia Alexandra Huỳnh lập lại những thổ lộ chân thành cô đã nói với mẹ khi hai mẹ con ngồi cùng nhau trong xe.

Sau đây là bài thơ Huỳnh Thụy An đã chọn để đọc cho VOA Tiếng Việt. Bài thơ nói về trải nghiệm của một học sinh người Mỹ gốc Việt trong học đường Mỹ. Cô viết tác phẩm này vì cô cảm thấy, “điều duy nhất nghe được về con người Việt lúc tôi lớn lên là làm sao để họ nằm trong khuôn khổ Chiến Tranh Việt Nam, và người Việt lúc nào cũng được nhắc tới như là một nạn nhân, một lớp người tị nạn.” Cô ước mong có lịch sử dạy về người Mỹ gốc Việt rằng họ là những người kiên cường, và họ có đóng góp nhiều trong các lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, nhân văn.

Autumn Prayers

it is here I receive all news

old news of the world

not my own but with a passable scent

from an old man

with passable pity

he tells me about unit title lesson number

& I swallow

until he mentions Vietnam

(the war)

that is when I really start to listen

if I can’t be heroine

call me ornament immigrant

o the boats

& the people on those boats

so brave so different

from the refugees now we owed them

I moisten my tongue

at the sound of almost home

as the name Duong Thu Huong loses

its river in the teacher’s mouth

and no one asks why

my face is wet

& remembering my one sad desk

in the desolation of that classroom

I write a prayer for the children who fill it next

let the children speak their names as their mothers do

let the chorus sing it back or try & try

let the stories have no accent

& some sounds remain untranscribed

let the children fill the space with memory

yes the coriander. yes the silk. yes the stomp.

yes the beads. yes, the duplex. The asphalt.

yes, the drum. the honey. yes the incense.

yes the white bread. the sneakers. the stars.

yes, the chainlink. the copper. yes the river. the curls.

yes the ballads. yes the bell, the cable buzz. the clay.

yes the multiple. the many. yes the love. yes the love.

let the memories be told by the hearts they tumored

let the children know their melancholy name

let them shape the vowels into hope

& draw from ancestral hymn

let honor make no hostages of them

let their bloodlines become primary text

let what they’ve seen become their language

Lời nguyện cầu mùa thu

đây là nơi tôi nhận mọi thông tin

mẩu tin xưa cũ của thế giới

chẳng của riêng tôi

nhưng phảng phất mùi cảm thông

từ một ông già

với lòng cảm thông thương hại

ông giảng cho tôi

về bài học tên gì số mấy

& tôi nuốt xuống

cho đến khi ông nhắc đến Việt Nam

(cuộc chiến)

khi đó tôi bắt đầu thật sự lắng nghe

nếu tôi không thể là người hùng

gọi tôi người di dân gương mẫu

ôi những chiếc thuyền

& những người trên những chiếc thuyền ấy

can đảm biết bao & khác xa

đám tỵ nạn đương thời chúng ta nợ họ

tôi ngậm chặt lưỡi

nghe âm thanh thân thuộc gần như nhà mình

khi tên Dương Thu Hương mất đi dòng sông

trong miệng lão thầy

và chẳng ai buồn hỏi vì sao

mặt tôi giàn giụa

& nhớ đến chiếc bàn buồn bã trong góc xó lớp học

tôi viết lời nguyện cầu cho lũ trẻ sắp vào chật lớp này

hãy để đám trẻ được xưng tên chúng như mẹ chúng đã từng gọi thế

hãy để điệp khúc được xướng lại hay cố gắng & cố gắng như thế

hãy để những câu chuyện không pha chất trọ trẹ & giữ lại thanh âm không phiên dịch

hãy để lũ trẻ điền vào khoảng trống bằng ký ức

ừ thì rau ngò. ừ thì tơ lụa. ừ thì tiếng giậm chân.

ừ thì tràng hạt. Ừ thì căn nhà đôi. nhựa đường.

ừ thì tiếng trống. mật ngọt. ừ thì nén hương.

ừ thì bánh mì. những đôi giày. những ngôi sao.

ừ thì dây xích. đồng kẽm. ừ thì dòng sông. lọn tóc.

ừ thì ca khúc. ừ tiếng chuông, những xôn xao truyền hình dây cáp, đất sét.

ừ thì những số nhân. số nhiều. ừ tình yêu. ừ tình yêu.

hãy để ký ức được kể lại bằng những khối u mọc trong tim

hãy cho lũ trẻ biết tên gọi thực thụ của nỗi buồn

hãy để chúng kết âm thanh thành hy vọng

& rút tỉa từ những bi hùng ca của tổ tiên

hãy để danh dự không bắt chúng làm con tin

hãy để huyết thống chúng trở thành nguyên bản

hãy để những gì mắt thấy tai nghe trở thành ngôn ngữ chính.

(Alexandra Huynh - Hòa Bình Lê phỏng dịch)

VOA Express

XS
SM
MD
LG