Đường dẫn truy cập

Nhiều nghi vấn trong vụ ‘thâu tóm’ đất của Quốc Cường Gia Lai


Một phần dự án khu dân cư Phước Kiển do Quốc Cường Gia Lai đầu tư ở huyện Nhà Bè, Tp.HCM
Một phần dự án khu dân cư Phước Kiển do Quốc Cường Gia Lai đầu tư ở huyện Nhà Bè, Tp.HCM

Lãnh đạo đảng tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây yêu cầu một ủy ban dưới quyền ông điều tra việc một công ty thuộc thành ủy bán đất cho một công ty tư nhân.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hôm 20/4 yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ lật lại, xem xét việc công ty Tân Thuận bán hơn 32 hectare đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai để xác định xem giao dịch này có vi phạm pháp luật hay quy định của thành uỷ hay không.

Công ty với 100% vốn thuộc văn phòng thành ủy có tên đầy đủ là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.

Lúc này cần phải điều tra liệu có tham nhũng giắt vào vụ chuyển nhượng này không, bởi vì cái biểu hiện của nó là giá đất hai bên thống nhất với nhau thấp hơn giá đất thị trường. Có thể là có phần tiền nào đó đặt ngoài hợp đồng trao tay với nhau.
Giáo sư Đặng Hùng Võ

Ông Nhân yêu cầu Ủy ban Kiểm tra làm rõ xem trong giao dịch kể trên có những vi phạm gì, mức độ như thế nào, hậu quả và trách nhiệm của “các cá nhân, tập thể có liên quan” ra sao. Vị bí thư cũng yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra với Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.

Trước đó, hôm 18/4, Ban thường vụ đã yêu cầu công ty Tân Thuận đàm phán với công ty Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi thành ủy cho rằng Tân Thuận đã không báo cáo cho thành ủy về việc bán đất. Thành ủy khẳng định Tân Thuận đã không tuân thủ quy chế của thành ủy về quản lý, sử dụng nhà, đất tại các công ty thuộc sở hữu của đảng bộ thành phố.

​Thương vụ đó diễn ra hồi đầu tháng 6/2017, trong đó Tân Thuận bán “đất đã được đền bù” tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho Quốc Cường Gia Lai. Khu đất hơn 320.000 m2 được bán với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Khu đất này trước đây thuộc quyền sử dụng của người dân địa phương. Khoảng 8 năm trước, Tân Thuận đã “đền bù” cho dân để nắm quyền quản lý, sở hữu khu đất, trước khi bán cho Quốc Cường Gia Lai.

Báo chí trong nước dẫn lời giới kinh doanh bất động sản địa phương nói rằng giá bán của Tân Thuận thấp “rẻ mạt” một cách đáng kinh ngạc nếu so sánh với giá thị trường trong khoảng từ 8,5 đến 10 triệu đồng/m2 ở cùng thời điểm. Họ cho rằng chênh lệch giá này làm cho nhà nước thiệt hại ít nhất 2.500 tỉ đồng.

Cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ bình luận với VOA:

“Lúc này cần phải điều tra liệu có tham nhũng giắt vào vụ chuyển nhượng này không, bởi vì cái biểu hiện của nó là giá đất hai bên thống nhất với nhau thấp hơn giá đất thị trường. Có thể là có phần tiền nào đó đặt ngoài hợp đồng trao tay với nhau. Nếu mà đã xảy ra như thế, thì chắc chắn là sai về mặt tham nhũng”.

Trên Facebook cá nhân, nhà báo có nhiều ảnh hưởng Trương Huy San đặt câu hỏi: “Nếu không phải là một công ty của Thành uỷ, liệu ở thời buổi này có tư nhân nào gom đất ở Nhà Bè, Quận 7 được 3, 4 chục hecta [hay không?]. Bao nhiêu hộ dân ở Phước Kiển, Tân Phong đã bị thu hồi đất bởi một cơ quan có quyền lực nhất [?]”.

Người thường được biết đến với tên Huy Đức có gần 210.000 người theo dõi qua Facebook viết thêm: "‘Nhân dân’ đã bị mất đất bởi những thế lực nhân danh ‘sở hữu toàn dân’ để rồi chính họ nhìn thấy đất từ tay mình rơi vào tay các tư nhân thế lực”.

Ông Huy Đức nhận định “có những giao dịch bắt đầu từ 2015 và phần lớn diễn ra trong năm 2016”, liên quan đến Phó bí thư Tất Thành Cang, và “chắc chắn không chỉ Tất Thành Cang chịu trách nhiệm”.

Ông Cang chưa lên tiếng trước bình luận này. Tin mới nhất cho biết, ông đã xuất viện hôm 19/4, “sau một ngày phải nhập viện vì bệnh lý liên quan tới tim mạch”.

Tin tức về giao dịch đất bị đặt trong vòng nghi vấn đã làm giá trị cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, đồng thời gây thiệt hại cho công ty về giá trị vốn hóa lên đến 450 tỷ đồng.​

Bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, trả lời báo Người Tiêu Dùng
Bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, trả lời báo Người Tiêu Dùng

Trước những diễn biến này, Quốc Cường Gia Lai hôm 20/4 đã công bố văn bản “phản hồi thông tin báo chí” trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Công ty bất động sản do bà Nguyễn Thị Như Loan làm chủ tịch khẳng định hơn 32 ha đất họ mua của Tân Thuận “không phải là đất công” nên việc chuyển nhượng “không cần thông qua đấu giá”.

Để bảo vệ lập luận này, Quốc Cường Gia Lai nêu dẫn chứng rằng số đất đó – nguyên là đất nông nghiệp – “không phải do nhà nước giao Tân Thuận quản lý”, và công ty của thành ủy đã có đất này thông qua việc Tân Thuận “dùng tiền kinh doanh” để “thương lượng, đền bù trực tiếp” cho người dân.

Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích với VOA về tình huống này:

“Hiện nay cũng chỉ có yêu cầu là hai bên đàm phán để hủy hợp đồng chứ không hề có chuyện nói rằng cái hợp đồng đấy sai. Thì có nghĩa là ở đây, theo tôi, là đất đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức là UBND Tp.HCM giao trực tiếp cho Tân Thuận. Và như vậy, Tân Thuận hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác”.

Nếu có sự can thiệp mà chưa đầy đủ chứng lý về chuyện vi phạm pháp luật, Quốc Cường cho rằng việc phải hủy hợp đồng gây thiệt hại cho họ thì hoàn toàn họ có quyền kiện.
Giáo sư Đặng Hùng Võ

Cùng ngày 20/4, bà Loan cho phóng viên báo Người Tiêu Dùng biết rằng hiện công ty bà đang san lấp mặt bằng tại khu đất đã mua. Bà tuyên bố nếu nhà nước thấy họ “bán hớ”, công ty của bà sẵn sàng trả lại đất, nhưng công ty Tân Thuận phải “bồi thường thiệt hại” cho Quốc Cường Gia Lai.

Người Tiêu Dùng trích lời bà nói: “Chúng ta ra tòa, dù là nhà nước cũng phải ra tòa rất là rõ ràng, không thể ép doanh nghiệp được, doanh nghiệp không sai”.

Về sự tự tin của nữ chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, chuyên gia lĩnh vực đất đai Đặng Hùng Võ nói:

“Nếu có sự can thiệp mà chưa đầy đủ chứng lý về chuyện vi phạm pháp luật, Quốc Cường cho rằng việc phải hủy hợp đồng gây thiệt hại cho họ thì hoàn toàn họ có quyền kiện. Và nếu họ có đầy đủ chứng lý rằng vụ chuyển nhượng này không có dắt díu một chút gì đến tham nhũng thì tôi cho rằng đấy là quyền của họ và đấy là quyền hợp pháp”.

Trong một loạt bài hồi tuần trước, báo Người Tiêu Dùng viết trong nhiều năm qua Quốc Cường Gia Lai đã “mạnh tay ‘vung tiền’ thâu tóm gần hết đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển”, trong đó, bao gồm cả đất từng thuộc quyền sử dụng của dân địa phương và một phần rất lớn “đất công sản”.

Khu Phước Kiển có vị trí đẹp ở gần sông Sài Gòn. Báo chí đưa tin khu vực này sau khi xây dựng hạ tầng, giá đất nền lên tới trên 40 triệu đồng/m2. Điều đó càng làm tăng những nghi vấn về giao dịch bị cho là “thiếu minh bạch” với giá chuyển nhượng rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai.

Văn bản với chữ ký của ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan, công bố trên cổng thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, viết rằng “các thông tin báo chí đưa ra không thận trọng, không xác minh từ hai phía cho các sự việc thực tế đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công ty Quốc Cường Gia Lai”.

Nghi vấn một công ty thành ủy tham nhũng
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:35 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG