Đường dẫn truy cập

Đội tàu cá Trung Quốc lấn sân sang vùng biển châu Phi


An ninh biển và những tham vọng của Trung Quốc
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:33 0:00

An ninh biển và những tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc đã phát triển một đội tàu cá hùng mạnh đánh bắt ở vùng biển các nước châu Phi theo thỏa thuận với các nước này nhưng sự hiện diện của đội tàu cá Trung Quốc không đem lại lợi ích gì cho người dân các nước châu Phi, các học giả cho tại một diễn đàn mới đây ở thủ đô Washington D.C.

Có tên gọi là Diễn đàn An ninh Đại dương 2020, diễn đàn này do Dự án An ninh Đại dương Stephenson trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 7/1 nhằm phân tích về tác động của Ý tưởng Vành đai-Con đường cũng như của các đội tàu cá Trung Quốc đối với sự bền vững của đại dương.

Mở rộng ảnh hưởng chiến lược?

Ý tưởng Vành đai Con đường (BRI), vốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được phát động hồi năm 2013, không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích kinh tế thương mại mà còn là phương cách giúp Trung Quốc xây dựng và thực thi ảnh hưởng chính trị, ông Jonathan Hillman, chuyên gia cao cấp và là giám đốc Chương trình Tái kết nối châu Á của CSIS, nhận định.

Đây là sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn cá nhân của đích thân ông Tập nhằm xây dựng Con đường Tơ lụa mới trong thế kỷ 21 và Con đường Tơ lụa trên biển nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Đông, châu Phi và cuối cùng và châu Âu thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ mà Trung Quốc là nước bỏ vốn đầu tư.

Ông chỉ ra rằng các nước tham gia vào BRI không dám lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về vấn đề nhân quyền bởi vì họ sợ làm ảnh hưởng đến khoản đầu tư đến từ Bắc Kinh cho cơ sở hạ tầng ở nước họ.

Tuy nhiên, ông Hillman nói rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc ‘đem lại hậu quả về môi trường’ và phải cho tàu bè Trung Quốc tiếp cận vùng biển nội địa của các nước này.

Ông cũng chỉ ra một quan ngại khác là các cảng biển Trung Quốc xây dựng trong khuôn khổ BRI ‘có thể được sử dụng cho mục đích quân sự’ để tiếp đón những tàu chiến hải quân vào lúc nào đó, trong khi các tuyến đường cáp dưới biển vốn nhằm để tăng cường kết nối giữa các nước ‘có thể được dùng để thu thập thông tin tình báo’.

Ông cho biết trong số 14.000 dự án BRI mà cơ quan ông đang theo dõi, có khoảng 300 cảng biển. Với tổng số vốn được công bố lên đến 1.000 tỷ đô la Mỹ, ông cho rằng dự án này ‘lớn gấp 7 lần Kế hoạch Marshall’ mà Mỹ từng đưa ra để giúp châu Âu điêu tàn khôi phục lại sau Đệ nhị Thế chiến.

Số quốc gia đăng ký vào BRI đã lên đến 130 nước cùng rất nhiều tổ chức quốc tế, ông Hillman nói và cho biết BRI ‘còn mở rộng đến không gian và không gian ảo’.

“Bên cạnh cơ sở hạ tầng, còn rất nhiều các hoạt động khác cũng được đưa vào khuôn khổ BRI, chẳng hạn như các hiệp định thương mại, điều phối chính sách trên nhiều lĩnh vực,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ‘mới chỉ có một phần nhỏ tổng số 1.000 tỷ đô la vốn cam kết đã được thực hiện’ và thậm chí nếu số vốn đó được giải ngân hết thì nó vẫn chỉ là ‘muối bỏ bể’ so với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trên thế giới mà ông ước tính lên đến 26.000 tỷ đô la cho đến năm 2030.

“Do đó, ngay cả khi Trung Quốc thực hiện những cam kết lớn này thì vẫn còn nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng và vẫn có chỗ để Mỹ đóng một vai trò xây dựng,” chuyên gia này nhận định.

Đội tàu cá lớn nhất

Bên cạnh các dự án cảng biển kéo dài cánh tay của Bắc Kinh ra khắp các đại dương, các đội tàu cá của nước này cũng đã phát triển hết sức hùng mạnh, theo lời bà Tabitha Mallory, giáo sư Đại học Washington, Hoa Kỳ.

“Trung Quốc là quốc gia đánh bắt lớn nhất, là nhà sản xuất thủy hải sản lớn nhất và cũng là nước tài trợ lớn nhất cho các ngư dân trên thế giới,” bà cho biết.

“Họ cũng có ngành công nghiệp đánh bắt ở vùng biển xa lớn nhất thế giới vốn hoạt động ở ngoài biển khơi và trong vùng biển gần bờ của các nước khác.”

“Và trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng hỗ trợ cho các hoạt động đánh bắt ở hải ngoại của họ thông qua việc xây dựng các căn cứ đánh bắt trên khắp thế giới,” bà nói thêm.

Trong phần trình bày về tác động của đội tàu đánh cá Trung Quốc, ông Philip Chou, cố vấn cao cấp của Oceana, một tổ chức bảo tồn quốc tế, cho biết nước này ‘chiếm xấp xỉ 40% đội tàu đánh bắt vùng biển xa toàn cầu’.

Đội tàu cá Trung Quốc cũng đã đi từ chỗ vốn thuộc sở hữu chủ yếu của Nhà nước bây giờ lại trở thành thuộc các công ty tư nhân. Hiện giờ, ông ước lượng, khoảng 70% đội tàu cá đánh bắt vùng biển xa của Trung Quốc là thuộc sở hữu tư nhân.

Do đó, ông nhìn nhận rằng Trung Quốc đã đi từ một nước đánh bắt xa bờ trở thành nước có ngành công nghiệp đánh bắt xa bờ vươn tới các nước khác trên thế giới.

“Trung Quốc có sự kiểm soát đối với giao thương thủy hải sản ở các nước khác thông qua việc sở hữu các công ty đánh bắt, các dự án liên doanh hay chỉ đơn giản là thông qua ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình,” ông giải thích.

Về đội tàu đánh bắt vùng biển xa của chính Trung Quốc, ông Chou cho biết nó hiện đánh bắt ‘ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của khoảng 50 nước với sự tập trung ngày càng nhiều vào các nước châu Phi. “Khoảng 30% đội tàu đánh bắt biển xa của Trung Quốc tập trung ở châu Phi,” ông nói.

Mặc dù với độ bao phủ rộng khắp như thế nhưng con số đó còn chưa cho thấy được những tàu cá không cắm cờ Trung Quốc nhưng thực ra là hoạt động cho các ông chủ Trung Quốc, ông nói thêm.

Ông cũng nêu ra một số quan ngại về các đội tàu cá Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài này.

Thứ nhất ông cho rằng chúng hoạt động dựa trên ‘các thỏa thuận một chiều’, tức là làm lợi cho Trung Quốc nhiều hơn cho nước chủ nhà’, do đó hoạt động của chúng ‘có thể là phi đạo đức và không bền vững’.

Thứ hai, Bắc Kinh bí mật ràng buộc viện trợ phát triển cho các nước châu Phi với điều kiện phải cho họ tiếp cận nguồn tài nguyên đánh bắt của họ với các đội tàu đánh bắt ẩn danh – tức là không treo cờ Trung Quốc nhưng là phục vụ cho các công ty Trung Quốc.

Thứ ba, các đội tàu cá của Trung Quốc né tránh để cho các cơ quan quốc tế giám sát, chẳng hạn như tắt hết các tín hiệu mà các vệ tinh có thể bắt được để biết về phạm vi hoạt động của đội tàu.

Ngoài ra, các tàu Trung Quốc còn tham gia rất nhiều vào hoạt động ‘chuyển tàu’ (transshipment), tức là chuyển sản lượng đánh bắt từ tàu cá này sang tàu cá Trung Quốc rồi sau đó mới được đưa về cảng, ông Chou cho biết.

Các học giả tại diễn đàn cũng chỉ ra tình trạng chính quyền Trung Quốc tài trợ cho các đội tàu cá của họ dẫn đến các tàu cá này hoạt động quá công suất và ‘đánh bắt quá mức’.

Trợ cấp nhiều nhất

Ông Ernesto Fernandez Monge thuộc tổ chức Pew Charitable Trusts, cho biết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2017, các nước thành viên đã có các cuộc đàm phán để cấm và bãi bỏ các khoản trợ cấp của nhà nước cho hoạt động đánh bắt có hại (IUU – bất hợp pháp, không báo cáo và không có sự điều tiết).

Theo ông Fernandez Monge, ước tính các chính phủ trên thế giới trợ cấp cho ngành công nghiệp đánh bắt 35 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Trong số này, số tiền trợ cấp cho hoạt động đánh bắt có hại, chẳng hạn như đóng tàu, tăng cường công suất đánh bắt, là 22 tỷ, tức chiếm 63%. Số tiền còn lại là ‘trợ cấp tích cực’ được dùng để bảo tồn nguồn lợi thủy sản và quản lý hoạt động đánh bắt, ông cho biết.

“Trung Quốc là nước trợ cấp lớn nhất với trên 7 tỷ đô la, tức chiếm khoảng 20% tổng số tiền trợ cấp,” ông nói. Theo sau Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Nhật Bản.

Không những là nước trợ cấp cho ngành đánh bắt lớn nhất, Trung Quốc còn là nước trợ cấp có hại nhiều nhất, ông nói thêm với việc trợ cấp xăng dầu cho tàu đánh bắt chiếm phần chủ yếu.

Ông Fernandez Monge cho biết trong quá trình đàm phán ở WTO, Hoa Kỳ đã đề xuất áp đặt mức trần đối với các khoản trợ cấp này. Trung Quốc cũng đã đưa ra đề xuất của riêng họ về mức trần này, nhưng không phải là mức trần tuyệt đối mà là mức trần trợ cấp cho mỗi ngư dân, ông nói.

“Vấn đề là họ có khoảng 10 triệu ngư dân,” ông cho biết cho nên nếu tính mức trần trợ cấp trên đầu người thì số tiền trợ cấp vẫn còn rất lớn.

Ông cho biết hiện tại các tàu cá Trung Quốc đã ‘chiếm 1/4’ số tàu bè hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước châu Phi, các nước Caribe và Thái Bình Dương. Đội tàu cá Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về công suất, thời gian hoạt động ngoài khơi và số tiền trợ cấp mà họ nhận được.

Đánh bắt quá mức

Bà Dyhia Belhabib, thuộc tổ chức Ecotrust Canada, cho biết sự hiện diện của đội tàu cá Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng ‘đánh bắt quá mức’ trong khi ‘người dân châu Phi đang đói’.

“Mặc dù Trung Quốc nói rằng việc đánh bắt của họ (ở châu Phi) không liên quan đến chính trị. Vẫn có mối đe dọa,” bà nói và đưa ra dẫn chứng là ‘Kenya không thể trả nợ nần cho Trung Quốc’.

Mặc dù vậy, các nước châu Phi vẫn cho Trung Quốc đánh bắt vì cần tiền của Trung Quốc, bà nói và dẫn ra cuốn sách có tựa đề ‘ChineAfrique’ của các tác giả người Pháp là Serge Michel và Michel Beuret mà trong đó có nói rằng ‘các nhà độc tài ở châu Phi cho rằng nền dân chủ không thể giúp người dân của họ no ấm’ và suy nghĩ này ‘phù hợp với tư duy của Trung Quốc’.

Bà giải thích rằng trước khi xuất hiện các đội tàu cá của Trung Quốc, ở các nước Tây Phi đã có tình trạnh đánh bắt quá mức do cá là nguồn protein chủ yếu của người dân các nước này, chiếm đến 85%.

“Vượt quá của tầm quan trọng của ngành đánh bắt ở đây, nó còn là một phần của truyền thống, lịch sử và nền văn hóa,” bà nói.

“Nguồn cá thương mại ở đây đã bị khai thác quá mức,” bà nói. “Về cơ bản có quá nhiều tàu trong khi chỉ còn ít tôm cá.”

Trước khi có đội tàu cá của Trung Quốc, ở châu Phi đã có đội tàu các của các nước châu Âu. Khi tàu cá Trung Quốc vào, họ đã khai thác ‘khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ khai báo có 8% trong số đó.”

Trong khi đó, các nước châu Âu báo cáo 1/3 lượng đánh bắt của họ trong khu vực, bà nói thêm.

“Sản lượng đánh bắt của Trung Quốc tăng lên theo thời gian, nhưng họ chỉ trả có 4% tổng giá trị mà họ có được.”

Trước khi có đội tàu cá của Trung Quốc, ở châu Phi đã có đội tàu các của các nước châu Âu. Khi tàu cá Trung Quốc vào, họ đã khai thác ‘khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ khai báo có 8% trong số đó.”

Trong khi đó, các nước châu Âu báo cáo 1/3 lượng đánh bắt của họ trong khu vực, bà nói thêm.

“Sản lượng đánh bắt của Trung Quốc tăng lên theo thời gian, nhưng họ chỉ trả có 4% tổng giá trị mà họ có được.”

Bà cho biết Trung Quốc chi trả cho quyền đánh bắt ở các nước châu Phi bằng ‘cơ sở hạ tầng, trang thiết bị’. Tuy nhiên, do tình trạng tham nhũng hoành hành ở các quốc gia Tây Phi, rất nhiều trong số tiền này ‘bị tham ô’, bà nói.

“Trung Quốc là nước đánh bắt bất hợp pháp nhiều nhất ở khu vực,” bà cho biết và nhận định rằng đây là sự vi phạm đối với quyền tài phán của các quốc gia Tây Phi đối với vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG