Đường dẫn truy cập

Đề xuất quốc tịch cho H1B: ‘Bánh vẽ’ của ông Trump?


H-1B Visa
H-1B Visa

Trước nay cũng có các trường hợp mà những người có visa H-1B sang Mỹ làm việc rốt cuộc trở thành công dân Mỹ, và bất cứ những thay đổi nào về quy định di trú cần đi qua quy trình phức tạp chứ không phải muốn là được, các chuyên gia nhận định về tuyên bố mới đây của Tổng thống Donald Trump về visa H-1B.

Mỗi năm, nước Mỹ cấp hơn 100.000 thị thực có thời hạn 3 năm (và có thể gia hạn thêm 3 năm, tùy trường hợp) cho lao động có trình độ cao ở những lĩnh vực mà nước Mỹ thiếu hay cần lao động như công nghệ thông tin, y khoa. Trong khi đó, với chủ trương ‘Nước Mỹ trên hết’, lập trường của ông Trump lâu nay vẫn là hạn chế di dân và giữ việc làm ở Mỹ lại cho người Mỹ.

Hôm 11/1, ông Trump đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp và giới hoạch định chính sách bất ngờ khi loan báo trên Twitter rằng ‘sắp có những thay đổi tích cực’ đối với chương trình thị thực H-1B.

“Những người có visa H-1B ở Mỹ có thể an tâm rằng sắp có những thay đổi để giúp cho việc họ ở lại Mỹ được dễ dàng hơn và chắc chắn hơn, trong đó có con đường trở thành công dân,” ông Trump viết. “Chúng tôi muốn khuyến khích những người tài năng và có trình độ cao theo đuổi sự nghiệp ở Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên, thông báo này của Tổng thống Trump có nhiều điểm mơ hồ mà các luật sư đã nhanh chóng chỉ ra.

Trong một bài phân tích ngắn, Berry Appleman & Leiden (BAL), hãng luật về di trú cho doanh nghiệp hàng đầu có trụ sở ở San Francisco, nhận định: “Chưa rõ ý của ông Trump như thế nào khi ông đề cập đến ‘con đường trở thành công dân’; theo các điều luật và quy định hiện hành thì những người có visa H-1B đã được phép sửa đổi tình trạng di trú để trở thành thường trú nhân, và do đó họ có thể đệ đơn xin nhập tịch.”

Cũng trong bài phân tích này, hãng BAL còn cho rằng Bộ An ninh Nội địa chưa hề cho thấy trong nghị trình làm việc hay tại bất cứ diễn đàn công khai nào rằng ‘họ đang xem xét sửa đổi quy trình hiện tại về xin quy chế thường trú nhân hay xin nhập tịch dành cho những người nắm thị thực H-1B’.

“Không có bằng chứng gì cho thấy chính quyền Trump đang thay đổi chính sách H-1B đã được áp dụng trong hai năm qua vốn nhìn chung là hạn chế nhân công nước ngoài có trình độ đến Mỹ làm việc,” BAL viết trong bài phân tích.

Trong một bài viết trên tạp chí Forbes, ông Stuart Anderson, giám đốc điều hành của Sáng hội Quốc gia về Chính sách Mỹ (National Foundation for American Policy), một tổ chức phi đảng phái chuyên nghiên cứu chính sách về các vấn đề di trú và thương mại, cho rằng nguyên do ông Trump viết như vậy ‘bởi vì gần đây ông đã được báo cáo về những đề xuất để thay đổi quy trình xổ số H-1B’ nhưng việc thay đổi này lại không có ảnh hưởng gì đến thẻ xanh dành cho visa H-1B.

“Ông ấy cũng có thể đang phản hồi, ít nhất một cách khoa trương, trước sự khẩn nài của các lãnh đạo doanh nghiệp đang quan ngại về phương hướng chính sách nhập cư dưới chính quyền của ông,” ông Anderson nhận định về dụng ý dòng tweet của ông Trump.

Ông Anderson cũng dẫn lại lời của ông Stephen Yale-Loehr, giáo sư Khoa Luật Đại học Cornell, nói rằng chúng ta không nên quan tâm quá nhiều đến những gì ông Trump viết trên Twitter mà là hành động chính sách cụ thể của ông ấy.

“Dòng tweet này đi ngược lại những gì mà chính quyền Trump đang làm để hạn chế các nhân công nước ngoài làm việc trong khuôn khổ thị thực H-1B,” Giáo sư Yale-Loehr được dẫn lời nói và đưa ra dẫn chứng là kể từ khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp ‘Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ’ hồi tháng Tư năm 2017, Cơ quan Dịch vụ Di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã làm khó hơn rất nhiều đối với các chủ doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân công nước ngoài trình độ cao H-1B cũng như giữ họ lại sau đó.

Ông Yale-Loehr dẫn một báo cáo của Sáng hội Quốc gia về Chính sách Mỹ cho thấy số hồ sơ bị bác H-1B đã tăng 41% trong quý tư của Năm tài chính 2017.

“Chỉ mới tuần trước, một công ty đã kiện USCIS lên tòa án liên bang sau khi cơ quan này từ chối đơn xin gia hạn visa H-1B cho một nhân viên của họ, mặc dù trước đây USCIS đã từng chấp nhận visa H-1B bốn lần cũng cho cùng nhân viên đó trong cùng công việc đó,” ông lưu ý.

“Trên thực tế, Tổng thống đã dựng nên một bức tường vô hình chặn lại những ai muốn xin visa H-1B. Do đó, làm sao chúng ta có thể tin vào sự thay đổi 180 độ này như vậy?”

Hơn nữa, theo phân tích của Giáo sư Yale-Loehr, thì quy trình cấp thẻ xanh được pháp luật quy định chứ không phải tuân theo sắc lệnh của một mình nhánh hành pháp.

“Ngay cả khi Tổng thống Trump nghiêm túc về ý định giúp cho nhân viên H-1B được ở lại lâu dài ở Mỹ thì chính quyền của ông cũng không thể đơn phương làm việc đó,” ông giải thích. “Quốc hội cần phải thông qua luật.” Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang chia rẽ về vấn đề di trú, khiến cho nỗ lực cải cách trong lĩnh vực này khó mà thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, ông Anderson cũng liệt kê ra một số bước mà chính quyền ông Trump có thể làm để thực hiện lời hứa ‘giúp quý vị ở lại Mỹ dễ dàng hơn và chắc chắn hơn’ mà ông đã đưa ra trong dòng tweet về visa H-1B.

Một là rút lại chính sách của USCIS là không công nhận những đơn xin H-1B và các thị thực trình độ cao khác đã được phê chuẩn trước đây khi những người có visa này làm đơn xin gia hạn. Chính sách này đã khiến cho rất nhiều người làm việc lâu năm ở Mỹ bị buộc trở về nước.

Hai là ủng hộ ra luật để bãi bỏ giới hạn cho từng nước về số di dân đến Mỹ làm việc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với lao động có trình độ cao gốc Ấn – giúp họ giảm đáng kể thời gian chờ đợi.

Ba là cải cách chính sách di dân để tăng số lượng thẻ xanh cho những người đến Mỹ làm việc mà không đi kèm với yêu sách rằng những người di dân theo diện đoàn tụ gia đình phải bị bãi bỏ hay giảm xuống.

Bốn là chấm dứt quy định không cho phép vợ hoặc chồng của người có visa H-1B được làm việc ở Mỹ.

Năm là tránh đưa ra những biện pháp hạn chế sinh viên quốc tế ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này có nghĩa là mở rộng chứ không phải hạn chế hay bãi bỏ chương trình OPT (Chương trình Thực tập Không bắt buộc) đối với sinh viên quốc tế trong những ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.

Trao đổi với VOA Việt ngữ, Luật sư Di trú Khanh Phạm thuộc Văn phòng Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, nói rằng bản thân ông cũng thấy bất ngờ với thông báo của ông Trump về visa H1-B vì đó là sự quay ngoắt hoàn toàn của chính quyền Trump vốn lâu nay theo đuổi chính sách bài di dân, trong đó có hạn chế người nước ngoài đến Mỹ làm việc. Luật sư Khanh nói một lý do nữa khiến ông bất ngờ trước tin này chính là để người có H1-B trở thành công dânMỹ đòi hỏi phải có một đạo luật mới mà điều này thì một mình Tổng thống không thể làm được.

“Tôi cũng không hiểu ông ấy ý muốn nói gì,” ông Khanh nói với ngụ ý nhắc đến dòng tweet của ông Trump. “Trước giờ ông ấy có lập trường chống thị thực H1-B. Giờ tự nhiên quay ngược lại.”

Luật sư Khanh đưa ra dẫn chứng là chính quyền Trump từng muốn tăng mức lương tối thiểu lên đối với những lao động nước ngoài để khiến các nhà tuyển dụng không có động cơ thuê mướn họ nữa.

Theo phỏng đoán của vị luật sư di trú này thì thay đổi khả dĩ mà ông Trump có thể thực hiện là chỉ thị cho USCIS thay đổi quy trình đối với visa H-1B giúp các ứng viên có thể xin được dễ dàng hơn.

Ông Trump có thể ra sắc lệnh hướng dẫn cho USCIS về cách duyệt đơn xin H-1B, chẳng hạn rút ngắn thời gian xét duyệt lại hay quy định visa H-1B có thể gia hạn thêm được bao lâu hay phải đợi bao lâu mới được gia hạn, hay có thể gia hạn thời gian OPT cho sinh viên quốc tế để họ xin H-1B, hay cho phép ứng viên trả thêm tiền để đẩy nhanh quá trình xét duyệt xuống còn 15 ngày.

Tuy nhiên, luật sư Khanh nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là phỏng đoán của cá nhân ông vì ông Trump chưa nói gì rõ ràng cả.

Luật sư Khanh cũng nói rằng theo quy định bây giờ thì sau khi hết thời hạn H-1B (tối đa 6 năm), lao động nước ngoài có thể xin thẻ xanh nếu được chủ tuyển dụng đứng ra tài trợ làm đơn I-140 (tức đơn xin cho lao động nhập cư trở thành thường trú nhân) và đồng thời phải được Bộ Lao động Mỹ cấp chứng chỉ lao động. Quá trình này phải diễn ra 365 ngày trước khi hết hạn H-1B, theo lời luật sư Khanh. Thông thường, sau 5 năm được cấp thẻ xanh thì một thường trú nhân có thể xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Do đó, việc ông Trump hứa hẹn ‘con đường đi đến quốc tịch’ có thể là giúp quá trình xin làm thường trú nhân dễ dàng hơn, theo suy đoán của ông Khanh. Việc đó có thể là kéo dài thời hạn làm hồ sơ xin tư cách thường trú nhân sang năm thứ sáu của visa H-1B, thay vì phải làm xong trước năm thứ 5 như quy định trước đây.

Tuy nhiên, ông Khanh nói cũng không nên lo lắng hay vui mừng gì với tuyên bố của ông Trump vì ‘ông ấy nói không có nghĩa là ông ấy sẽ làm’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG