Đường dẫn truy cập

Đông Nam Á được đưa vào bản đồ truy tìm nguồn gốc COVID của giới khoa học


Các nhà khoa học truy tìm nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19 và cách ngăn ngừa đại dịch kế tiếp cho hay ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy cần nới rộng cuộc truy tìm ra ngoài Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Kể từ khi đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên được xác nhận, khiến thế giới đổ dồn sự chú ý tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12/2019, các nhà nghiên cứu tìm kiếm nguồn gốc virus gây bệnh, SARS-CoV-2, đã nhắm vào Trung Quốc.

Bà con gần nhất của virus, chia sẻ khoảng 96% gen di truyền của nó, là một virus corona khác được phát hiện đầu năm ngoái tại tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên một loạt các cuộc nghiên cứu mới đây phát hiện thêm nhiều virus tương tự với SARS-CoV-2 (như loại virus ở Vân Nam) tại Thái Lan và Campuchia.

Các nhà virus học trong chuyến điều tra tới Vũ Hán gần đây do Tổ chức Y tế Thế giới bảo trợ để truy tìm nguồn gốc COVID-19 cũng tuyên bố giai đoạn kế tiếp của cuộc săn lùng sẽ có thêm khu vực Đông Nam Á.

Họ khuyên nên theo dấu loài dơi. Một số loài dơi là vật chủ của gia đình virus corona và ứng viên hàng đầu của nguồn SARS-CoV-2.

Những dấu hiệu của loài dơi

Các nhà khoa học đã nhận dạng được hơn 100 loại virus corona có liên hệ đến SARS trong các loài dơi trên khắp đất nước Trung Quốc, ông Peter Daszak, một nhà virus học có tham gia phái đoàn điều tra của WHO, nói.

“Nhưng chúng tôi chưa làm đủ ở Myanmar, Lào và Việt Nam để thực sự nói rằng tại các nước đó không có nhiều hơn,” ông nói với VOA.

“Khi lập sơ đồ cư trú của loài dơi có mang virus, ta bắt đầu thấy các nước nằm ở biên giới phía nam Trung Quốc có nhiều loài dơi còn đa dạng hơn và có phần chắc là có nhiều virus đa dạng khác nhau. Do đó, có thể nguồn gốc thực sự của virus là tỉnh Vân Nam, nhưng theo suy đoán của tôi là chúng ta nên nghiên cứu tại Myanmar, Lào, Việt Nam và tiến xa về phía nam vào toàn vùng Đông Nam Á như là một vùng nóng khả dĩ.”

Trung Quốc từ chối trao dữ liệu sống của một số bệnh nhân COVID-19 sớm nhất. Tuy nhiên dù là như thế, ông Daszak nói, các nhà khoa học Trung Quốc và phái đoàn WHO đã nhất trí rằng con đường SARS-CoV-2 tiến tới lây cho con người hầu như chắc chắn là từ loài dơi, qua trung gian của việc nuôi động vật hoang dã.

Đầu năm ngoái, các nhà khoa học từ Trung Quốc và Úc báo cáo phát hiện virus tương đồng SARS-CoV-2 trong hơn 90% con tê tê Mã Lai - một vật trung gian khả dĩ vốn bị con người săn lùng để lấy vẩy và thịt - được chuyển lậu vào miền nam Trung Quốc từ Đông Nam Á.

Ít tháng sau đó, các nhà khoa học phát hiện virus giống như SARS-CoV-2 có trong dơi móng ngựa vốn được thu thập tại Campuchia và đông lạnh cách đây hơn một thập niên. Họ báo cáo rằng phát hiện này “cho thấy virus liên hệ tới SARS-CoV-2 có sự phân bố địa lý rộng rãi hơn trước đây từng nghĩ và cũng cho thấy Đông Nam Á là một khu vực chính yếu cần xem xét trong việc truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Sau đó vào tháng Hai, các nhà khoa học tại Thái Lan cũng phát hiện virus gần như tương đồng với SARS-CoV-2 trong một quần thể dơi không xa Bangkok, và những kháng thể hữu hiệu chống SARS-CoV-2 trong những con tê tê bị buôn lậu mà nhà chức trách địa phương tịch thu được ở phía nam nước này, gần biên giới Malaysia.

Chính là ‘bà con’

Bà Supaporn Wacharapluesadee, một nhà virus học làm việc tại Trung tâm Khoa học Sức khoẻ Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi Hội Chữ thập Đỏ Thái, Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, người có tham gia cuộc nghiên cứu vừa kể, gọi đây là “một phát hiện quan trọng trong việc nghiên cứu nguồn gốc SARS-CoV-2.”

Bà nói cuộc truy tìm các nguồn gốc này sẽ đưa đến nơi cư trú của loài dơi có virus ‘bà con’ gần nhất.

Để thu hẹp phạm vi tìm kiếm hơn tập trung vào nguồn gốc SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các virus nào tương đồng nhiều hơn tỷ lệ 96% của chủng tìm thấy ở Vân Nam năm ngoái. Các chủng phát hiện ở Thái Lan và Campuchia có tỷ lệ tương đồng từ 91% đến 93%.

Nhìn vào mật độ dân số và số lượng các loài dơi dồi dào ở Đông Nam Á, toán chuyên gia kiếm ra họ hàng của SARS-CoV-2 ở Thái Lan nói khu vực phụ có phần chắc là điểm nóng của các virus đó hơn là Trung Quốc và cần phải chú ý thêm.

Truy lùng

Daszak, chủ tịch Liên minh EcoHealth, một tổ chức phi lợi nhuận chống lại mối đe doạ của các bệnh mới nổi từ động vật, cho biết nhóm của ông mới khởi sự công việc theo dõi tại Lào, Myanmar và Việt Nam-ba nước đều có biên giới với Trung Quốc-để tìm kiếm dấu vết của SARS-CoV-2 nơi dơi. Cũng như các nhà khoa học địa phương và các khoa học gia ở các nơi khác, vài năm nay, họ cũng làm các công việc tương tự với virus corona tại Thái Lan và Malaysia.

Ông hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát và xét nghiệm các trang trại nuôi thú rừng và các ngôi chợ bán thịt thú rừng tại biên giới phía nam như đã nhất trí. Ông cũng hy vọng làm việc với công an địa phương để xét nghiệm các động vật thu giữ được từ những tay buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới.

Ông không kỳ vọng sẽ có câu trả lời nhanh chóng về xuất xứ của SARS-CoV-2 và cách chúng nhảy sang gây bệnh nơi người. Ông cho rằng công cuộc tìm kiếm nguồn gốc của virus sẽ mất khoảng 5 năm.

Cuộc truy tìm đáp án không chỉ là vấn đề khoa bảng. Lần tìm cội nguồn của SARS-CoV-2, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy các virus khác và các con đường lây bệnh khác có khả năng gây ra đại dịch kế tiếp để ra tay trước khi việc này xảy ra.

"Giống như triệt phá các ổ khủng bố," ông Daszak nói. "Khi ta nghe đồn về một cuộc tấn công khủng bố, ta không đợi nó xảy ra mà phải đi tìm để triệt phá mạng lưới đó, hạ gục nó. Đó là điều chúng ta cần làm với các trận đại dịch."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG