Đường dẫn truy cập

Ông Tập khẳng định công thức ‘Một quốc gia-hai chế độ’ đối với Hong Kong


Ông Tảp Cận Bình và phu nhân tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc
Ông Tảp Cận Bình và phu nhân tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc

Không có lý do gì để thay đổi công thức ‘một đất nước, hai chế độ’ của Hong Kong, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm hiếm hoi đến trung tâm tài chính toàn cầu sau khi chứng kiến tân đặc khu trưởng John Lee, tức Lý Gia Siêu, tuyên thệ nhậm chức hôm 1/7.

Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1/7 năm 1997 mà khi đó Bắc Kinh hứa hẹn trao quyền tự trị rộng rãi, các quyền cá nhân không bị cản trở và tư pháp độc lập ít nhất là cho đến năm 2047.

Những người chỉ trích Trung Quốc cáo buộc chính quyền chà đạp những quyền tự do này, vốn không có ở đại lục bị cai trị độc đoán, với luật an ninh quốc gia sâu rộng do Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ năm trước đó.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30/6 nói Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết khi được chuyển giao.

Chính quyền Trung Quốc và Hong Kong bác bỏ cáo buộc này và nói đạo luật này ‘đã khôi phục trật tự từ hỗn loạn’ để thành phố có thể thịnh vượng.

Ông Tập nói công thức ‘một đất nước, hai chế độ’ đã thành công với Trung Quốc có thẩm quyền toàn diện’.

“Đối với kiểu chế độ tốt đẹp này, không có lý do gì để thay đổi. Nó phải được duy trì trong thời gian dài,” ông Tập nói.

“Sau giông bão, mọi người có thể đau lòng mà thấy rằng Hong Kong không thể hỗn loạn, và không được trở nên hỗn loạn một lần nữa... Sự phát triển của Hong Kong không thể bị trì hoãn một lần nữa, và bất kỳ sự can thiệp nào cũng phải được loại bỏ”.

Ông Tập nói thêm Trung Quốc sẽ hỗ trợ vai trò trung tâm tài chính và thương mại quốc tế của Hong Kong.

Tại buổi lễ tuyên thệ, tất cả các quan chức, gồm cả ông Tập, đều đeo khẩu trang và không bắt tay.

Ông Lý Gia Siêu, cựu sĩ quan cảnh sát, bị Washington trừng phạt vì vai trò thực hiện luật an ninh của ông. Ông lên nắm quyền khi thành phố đang đối mặt làn sóng ra đi của người dân và nhân tài trong bối cảnh nơi này áp đặt các giới hạn phòng dịch COVID-19 gắt gao nhất thế giới.

Giới chức đã triển khai lực lượng an ninh khổng lồ, chặn các con đường và không phận xung quanh cảng Victoria xinh đẹp, nơi thống đốc thuộc địa cuối cùng, Chris Patten, đã rơi nước mắt trong buổi lễ trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc tại một buổi lễ ướt mưa vào năm 1997.

Đèn lồng đỏ, cờ Trung Quốc và Hong Kong, và các áp phích tuyên bố ‘kỷ nguyên ổn định mới’ trang hoàng các quận trên toàn thành phố.

Ông Tập đã không tham dự lễ thượng cờ truyền thống hôm 1/7, và báo chí đưa tin ông qua đêm ở Thâm Quyến bên kia biên giới sau khi đến Hong Kong hôm 30/6.

Chuyến đi của ông Tập tới Hong Kong là lần đầu tiên kể từ năm 2017, khi ông chứng kiến bà Carrie Lam tuyên thệ nhậm chức và ở lại Hong Kong trong suốt chuyến thăm. Nơi ở qua đêm của ông lần này, và lý do tại sao ông chọn Thâm Quyến, vẫn chưa được xác nhận chính thức.

Hong Kong đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID hàng ngày hôm 30/6, mức độ sẽ khiến bất kỳ thành phố nào trong đại lục thúc đẩy các hạn chế chặt chẽ. Trung Quốc là nước duy nhất trong các nước lớn chọn cách dập dịch khi nó xảy ra bằng mọi giá.

Một số nhà phân tích coi chuyến thăm của ông Tập là chuyến đi thắng lợi sau khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát Hong Kong. Sau khi đến Hong Kong, ông Tập nói rằng thành phố đã vượt qua thách thức và ‘vươn lên từ đống tro tàn’.

“Những gì xảy ra trong 25 năm qua chứng minh rằng tương lai và vận mệnh của Hong Kong phải nằm trong tay những người yêu nước, những người sẽ hô lên đầy tự hào mình là người Trung Quốc,” Hoàn cầu Thời báo viết trong một bài xã luận. “Sự phục hương vĩ đại của đất nước Trung Quốc là không thể đảo ngược và tương lai của Hong Kong sẽ còn tươi sáng hơn nữa.”

Lễ kỷ niệm ngày trao trả thường chứng kiến hàng nghìn người tuần hành để bày tỏ sự bất bình về mọi thứ, từ giá bất động sản cao ngất ngưởng đến sự kìm kẹp của Bắc Kinh, kể cả trong chuyến đi lần trước của ông Tập đến Hong Kong.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2019, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, người biểu tình đã xông vào và đập phá cơ quan lập pháp của thành phố.

Không có cuộc biểu tình nào diễn ra lần này, khi các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động dân chủ mạnh miệng nhất đều đang ở tù hoặc tự lưu vong.

“Đó là sự kết thúc của một kỷ nguyên, nó là sự kết thúc của ‘một quốc gia, hai chế độ’,” nhà hoạt động Hong Kong lưu vong Samuel Chu nói với Reuters từ Oslo, Na Uy. “Đây là thành phố không còn nhận ra được nữa.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG