Đường dẫn truy cập

Tòa án xử Khmer Đỏ sắp nghe lập luận kết thúc vụ án then chốt


Tòa án xử Khmer Đỏ.
Tòa án xử Khmer Đỏ.
Tòa án do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ xét xử tội diệt chủng tại Campuchia ngày mai sẽ bắt đầu nghe những lập luận kết thúc của vụ án cột mốc đầu tiên chống lại các cựu thủ lãnh Khmer Đỏ còn sống. Phong trào này bị cho là chịu trách nhiệm đối với cái chết của hai triệu người trong suốt thời kỳ họ cai trị Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael gởi về bài tường thuật sau đây.

Hai bị cáo lớn tuổi sẽ ra tòa vào ngày mai khi tòa bắt đầu nghe những lập luận kết thúc của vụ xử đầu tiên trong số ít nhất là hai vụ xử dự trù sẽ diễn ra để xử họ.

Phiên tòa, dự trù kéo dài hai tuần, là cơ hội chót để bên biện hộ, công tố viên và luật sư đại diện cho hàng ngàn nạn nhân trình bày lý lẽ của mình trước tòa án.

Phát ngôn viên tòa án Lars Olsen nói phiên xử ngày mai là một thời điểm trọng yếu.

“Điều này có nghĩa là những nạn nhân đã phải chờ đợi hơn 38 năm sẽ sớm thấy được ít nhất một phán quyết đối với hai người bị cáo buộc là một phần của chế độ đã gây nên những tội phạm tập thể chống lại dân chúng Campuchia. Do đó dĩ nhiên đây là một cột mốc, và là một bước xa hơn nữa để mang lại công lý cho các nạn nhân.”

Vụ án bắt đầu vào cuối năm 2011 với 4 bị cáo lớn tuổi. Tuy nhiên, vào năm ngoái một trong những người này-cựu bộ trưởng xã hội Ieng Thirith-được xét thấy là mất trí nhớ và không thể bị xét xử. Vào tháng Ba, chồng bà, cựu bộ trưởng ngoại giao Ieng Sary, chết vì đau tim.

Chỉ còn lại Nuon Chea, phụ tá của Pol Pot, và Khieu Samphan, quốc trưởng của chế độ đã nắm quyền ở Campuchia từ năm 1975 đến 1979.

Tuổi tác của các bị can- cả hai đều ở độ tuổi 80 - và sự phức tạp của vụ án đã khiến cho các thẩm phán chia vụ xử ra thành một loạt những vụ nhỏ. Đây là vụ đầu tiên của những vụ xử án nhỏ này mà tòa án sẽ bắt đầu kết thúc trong tuần này.

Dù có những mâu thuẫn, phiên xử nhỏ đầu tiên này không đề cập đến những tội ảnh hưởng đến hầu hết những người Campuchia - những điều kiện như nô lệ trong đó dân chúng lao động cực nhọc để xây những hệ thống thủy lợi và trồng lúa. Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng.

Thay vào đó, tòa án đặt trọng tâm vào việc xem xét những tội phạm chống nhân loại liên hệ đến việc bắt buộc dân chúng phải di dời.

Việc này đầu tiên xảy ra vào những ngày, những tuần lễ sau khi Khmer Đỏ nắm quyền vào tháng 4 năm 1975, khi hơn 2 triệu cư dân ở những khu vực thị tứ được lệnh rời các thành phố và bị giam lỏng ở vùng quê. Đợt thứ hai bắt đầu hai năm sau đó, và có hàng trăm ngàn người di chuyển trên khắp nước. Một yếu tố thứ ba của vụ xử nhỏ này là xem xét đến việc binh sĩ của Cộng hòa Khmer thua trận đã bị giết hại tập thể.

Ông Long Panhavuth là nhân viên chương trình của Sáng kiến Công lý Campuchia, một tổ chức bất vụ lợi chuyên theo dõi việc xét xử các cự thủ lãnh Khmer Đỏ. Ông nói vụ xử này đánh dấu một bước quan trọng trên con đường chấm dứt văn hóa phạm tội mà không bị trừng phạt của Campuchia, nhưng ông tiếc là phạm vi của vụ xử nhỏ đầu tiên này quá giới hạn.

“Và quan trọng hơn nữa là có mối lo ngại về vấn đề phán quyết có được đưa ra kịp thời hay không - khi những bị cáo và một số nạn nhân vẫn còn sống, và vấn đề thứ hai là liệu có một hội đồng xét xử mới hay không và Toà án Đặc biệt Campuchia có xét xử tất cả những cáo trạng ghi trong lệnh khởi tố hay không.”

Vụ xử nhỏ thứ hai sẽ xét xử những cáo trạng về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và những tội ác chống nhân loại khác. Tuy nhiên tòa án chưa cho biết khi nào vụ xử nhỏ thứ hai sẽ bắt đầu, và có những lo ngại là bệnh tật hay chết chóc có thể làm cho một hay cả hai bị cáo không thể đối mặt với công lý.

Trong suốt vụ xử nhỏ đầu tiên, cả hai bị cáo đều phủ nhận những cáo buộc đối với họ. Trước đây trong năm, hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan đã xin lỗi các nạn nhân và nhận một số trách nhiệm về tội lỗi của chế độ. Tuy nhiên hai bị cáo đều tránh né bằng cách nói họ không có thực quyền và không biết dân chúng chịu nhiều thống khổ.

Ông Youk Chhang là người đứng đầu Trung tâm Tài liệu Campuchia, tổ chức nghiên cứu hàng đầu chuyên sưu tầm tài liệu về những tội phạm trong thời gian này. Ông cho biết đối với dân chúng Campuchia, sự kiện những bị cáo bị bắt và bị đưa ra xử có ý nghĩa hơn là những lời xin lỗi của họ.

“Và chúng tôi biết là họ không bao giờ được trả tự do trong quãng đời còn lại trừ khi họ chết như Ieng Sary. Và ngay cả khi họ chết trong tù thì đối với dân chúng Campuchia họ cũng bị quả báo vì nghiệp chướng của họ.

Phần lớn trong số 212 ngày bị xét xử, các bị cáo từ chối trả lời những câu hỏi về vai trò mà họ bị cho là đã nắm giữ. Phát ngôn viên tòa án Lars Olsen nói dù dân chúng muốn nghe nhiều hơn, các bị cáo có quyền giữ im lặng.

“Tuy vậy, chúng tôi có những dấu hiệu cho thấy là cả hai bị cáo sẽ lên tiếng trong phần lập luận kết thúc phiên xử, ít nhất là họ sẽ nêu lên lập luận của họ về những gì đã xảy ra, do đó hy vọng là điều này làm cho cả các nạn nhân lẫn những người quan sát khác chú ý lắng nghe.”

Phần lập luận cuối cùng dự trù sẽ tiến hành cho đến cuối tháng này, và các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết vào giữa năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG