Đường dẫn truy cập

Tờ quảng cáo kịch làm bùng ra tranh luận về kiểm duyệt ở Hồng Kông


Phong trào Chiếm Trung ở Hồng Kông. Có rất nhiều nghệ sĩ Hồng Kông tham gia và làm ra những tác phẩm về phong trào này.
Phong trào Chiếm Trung ở Hồng Kông. Có rất nhiều nghệ sĩ Hồng Kông tham gia và làm ra những tác phẩm về phong trào này.

Cuộc tranh luận về vấn đề kiểm duyệt đối với các nghệ sĩ ở Hồng Kông đã bùng ra trở lại, sau khi chính quyền của đặc khu hành chánh này đòi loại bỏ chữ “quốc gia” ra khỏi một tờ quảng cáo của một ban kịch. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông gửi về bài tường thuật.

Tờ quảng cáo của The Nonsensemakers (Hồ Đồ), một ban kịch ở Hồng Kông, bao gồm tiểu sử của một nhà sản xuất của họ. Ban kịch này cho biết chính phủ Hồng Kông đã yêu cầu loại bỏ chữ “quốc gia” ra khỏi tên của trường đại học mà nhà sản xuất đó từng theo học là Đại học Mỹ thuật Quốc gia Đài Bắc.

Yêu cầu đó đã làm bùng ra một vụ tranh cãi về vấn đề tài trợ cho hoạt động nghệ thuật ở Hồng Kông và về vấn đề là phải chăng các tổ chức nghệ thuật bị chính phủ trung ương ở Bắc Kinh gây sức ép.

Ông Oscar Ho, Giám đốc chương trình thạc sĩ về Quản trị Văn hóa của Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết như sau:

"Điều này đã trở nên hết sức rõ ràng. Tôi nghĩ rằng trong quá khứ, từ năm 1997 trở đi, có khá nhiều sự kiểm duyệt thông qua tự kiểm duyệt, và sự kiểm duyệt thông qua những phương tiện gián tiếp như tài trợ".

Giáo sư Ho nói rằng tình trạng nguồn lực hiếm hoi khiến cho việc tài trợ tập trung vào những tổ chức nghệ thuật có liên hệ gần gũi với chính phủ. 9 tổ chức nghệ thuật ở Hồng Kông nhận tổng cộng 43 triệu đôla tài trợ mỗi năm. Những tổ chức nhỏ hơn, như ban kịch The Nonsensemakers, nhận được khoảng 100.000 đôla mỗi năm.

Một cuộc triễn lãm tại một bảo tàng viện mới hồi đầu năm nay cũng gây ra những nghi vấn về tự do nghệ thuật. Viện bảo tàng M+ đang được xây dựng và được tài trợ toàn bộ từ công quỹ. Bà Carrie Lam, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính phủ Hồng Kông, là người đứng đầu một ủy ban giám sát bộ phận văn hóa của viện bảo tàng này.

Tháng Hai vừa qua, Viện bảo tàng M+ đã triển lãm một số tác phẩm, trong đó có những tác phẩm của ông Ngãi Vị Vị, nhưng đã thay đổi tên của cuộc triễn lãm. Trong những lần triễn lãm trước đây tại Âu châu, cuộc triễn lãm có tên “Right is Wrong” (Phải là trái), nhưng tên cuộc triễn lãm đã bị đổi thành “Bốn thập niên nghệ thuật đương đại Trung Quốc”.

Ông Ngải Vị Vị tại một cuộc triển lãm. Viện bảo tàng M+ đã triển lãm một số tác phẩm của ông Ngãi nhưng thay đổi tên của cuộc triễn lãm.
Ông Ngải Vị Vị tại một cuộc triển lãm. Viện bảo tàng M+ đã triển lãm một số tác phẩm của ông Ngãi nhưng thay đổi tên của cuộc triễn lãm.

Một số người trong cộng đồng nghệ thuật Hồng Kông nói rằng việc đổi tên đó nêu bật nạn kiểm duyệt ở thành phố này. Tuy nhiên, ông Vicent Chan, chủ nhân Phòng triễn lãm Leo ở Hồng Kông, cho biết các nghệ sĩ vẫn được tự do sáng tác và những tác phẩm của họ nói về những cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi gần đây là minh chứng của điều đó.

"Họ bày tỏ ý tưởng của chính họ trong tác phẩm. Cho nên khi phong trào Chiếm Trung diễn ra có rất nhiều nghệ sĩ tham gia và nhiều nghệ sĩ đã làm ra những tác phẩm về phong trào này".

Theo một bản báo cáo của Freemuse, một tổ chức độc lập có bản doanh ở Copenhagen, những vụ tấn công nhắm vào quyền tự do nghệ thuật đang trên đà gia tăng trên khắp thế giới. Cuộc khảo sát của tổ chức này ghi nhận 469 vụ tấn công nhắm vào quyền tự do diễn đạt trong năm 2015, tăng gấp đôi con số của năm 2014. Trung Quốc dẫn đầu những nước vi phạm với 20 vụ xâm hại nghiêm trọng quyền tự do nghệ thuật, kể cả việc kiểm duyệt và bắt giữ các nghệ sĩ.

Ông Mathias Woo, giám đốc tổ chức nghệ thuật Zuni Icosahedron, cho biết áp lực kiểm duyệt đang gia tăng tại Hồng Kông và vấn đề kiểm duyệt được thể hiện qua việc hạn chế nguồn lực, không gian triễn lãm và tài trợ.

"Nếu quí vị nhìn vào New York, London và những thành phố quốc tế lớn, quí vị sẽ thấy lúc nào cũng có những sân khấu khác nhau để quí vị có thể diễn đạt những ý tưởng cấp tiến, và quí vị có thể có những cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội. Nhưng tại Hồng Kông không có một môi trường như vậy. Đó chính là lý do vì sao dân chúng xuống đường. Đó chính là lý do vì sao những người trẻ phải chiếm cứ những địa điểm công cộng".

Mặc dầu vậy, nhiều người ở Hồng Kông hy vọng những lễ hội nghệ thuật như Art Basel, là cuộc triễn lãm thu hút 70.000 người xem trong năm nay, và Viện bảo tàng M+, sẽ làm cho thành phố này trở thành một điểm đến văn hóa. M+ sẽ có hơn 60.000 mét vuông trong khu Kowloon của Hồng Kông và sẽ khánh thành vào năm 2019.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG