Đường dẫn truy cập

'Quần đảo tra tấn' tại Syria


Các thành viên phe đối lập Syria tham gia cuộc biểu tình ở Beirut, kêu gọi cải thiên nhân quyền ở Syria, trong đó có việc chấm dứt hành động tra tấn trong các nhà tù
Các thành viên phe đối lập Syria tham gia cuộc biểu tình ở Beirut, kêu gọi cải thiên nhân quyền ở Syria, trong đó có việc chấm dứt hành động tra tấn trong các nhà tù
Theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch thì nhà cầm quyền Syria đã xây một “quần đảo” gồm ít nhất 27 trung tâm tra tấn. Trong một phúc trình được công bố hôm thứ Ba, tổ chức bênh vực nhân quyền này nói những hành động ngược đãi tại các trung tâm này có thể được coi là tội ác chống nhân loại.

Ông David Mepham là giám đốc tại Anh của Human Rights Watch (HRW).

Ông nói: “Những hình thức tra tấn mà chúng tôi nói đến ở đây thực ra là một những hành động ngược đãi kinh hoàng nhất. Có nhiều người bị đặt trong những tư thế căng thẳng nhất, có người bị giật điện cho đến chết, những người bị bỏng vì axít, có người bị bạo hành tình dục — những tội ác hãi hùng đã diễn ra.”

Human Rights Watch khởi sự nghiên cứu để viết phúc trình hồi tháng Ba năm 2011 và từ đó đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn. Phúc trình của HRW có những bản đồ cho thấy vị trí của các trung tâm giam giữ.

Phúc trình cũng đưa ra danh sách những cơ quan và trong nhiều trường hợp danh tánh rõ ràng của các viên chỉ huy có liên hệ tới các hành động ngược đãi.

Ông Mepham nói mục đích của phúc trình là xác định lý lịch những người chịu trách nhiệm về các hành động vi phạm, những vụ này xảy ra tại đâu để một ngày nào đó những cá nhân liên hệ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Ông nói trách nhiệm cuối cùng phải được quy cho những giới chức đứng đầu chính phủ Syria.

Ông Mepham nói: “Theo khái niệm được gọi là “trách nhiệm của người chỉ huy”, ngay cả trong trường hợp một nhân viên cấp thấp trong cơ quan tình báo Syria hay quân đội Syria thực hiện các hành động ngược đãi, thì chúng ta đều nghĩ rằng các cấp chỉ huy của đơn vị hay ngành nào đó của cơ quan tình báo cũng phải biết về những gì đang xảy ra, phải có những bước để giải quyết vụ này. Do đó trách nhiệm về hình sự phải được qui trách cho các cấp chỉ huy cao cấp trong chế độ cầm quyền tại Syria.”

Cho đến nay, chính phủ Syria chưa trả lời về những cáo buộc được nêu lên trong phúc trình của HRW.

Tổ chức này nói rằng những cách đối xử tàn tệ trong tù có thể được coi là tội ác chống nhân loại.

Tổ chức này muốn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề này lên Tòa án xét xử Tội ác Quốc tế.

Human Rights Watch còn muốn trừng phạt những giới chức có liên hệ tới các hành động vi phạm.

Ông Fawaz Gerges thuộc Trường Kinh tế London nói phúc trình của HRW khó thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ông nói:

“Tôi nghĩ Nga và Trung Quốc đã làm tê liệt Hội Đồng Bảo An và do đó phúc trình về nhân quyền này không thể mang lại thay đổi nào về cách nhìn cuộc khủng hoảng ở Syria dưới con mắt khu vực và quốc tế.”

Đối với Trung Quốc và Nga, ông Gerges nói tình hình Syria được xem như là một cuộc nội chiến trong đó cả hai bên đều có hành động vi phạm.

Ông Gerges nói: “Bạn không thể so sánh những gì nhà cầm quyền Syria đã làm với những gì phe đối lập đã làm cho đến nay. Nhưng các vụ vi phạm vẫn xảy ra, và vì thế bạo động càng tiếp diễn, lại càng có nhiều vụ vi phạm nhân quyền tại Syria xảy ra dưới tay cả nhà cầm quyền Syria lẫn cánh vũ trang của đối lập .”

Đáp lại phúc trình của Human Rights Watch, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague hôm thứ Ba nói “không có chỗ nào để ấn nấp” đối với những người đã thực hiện các vụ vi phạm nhân quyền tại Syria.

Ông nói Anh sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo những người chịu trách nhiệm phải bị đưa ra trước công lý.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG