Đường dẫn truy cập

Hy Lạp tiến gần hơn tới thỏa thuận về việc cắt giảm thêm chi tiêu


Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đến Brussels để họp với các Bộ trưởng Tài chính khối euro
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đến Brussels để họp với các Bộ trưởng Tài chính khối euro

Các nhà lập pháp Hy Lạp cho biết họ đạt được thỏa thuận về các biện pháp kiệm ước mà các chủ nợ quốc tế đòi hỏi để Hy Lạp có thể nhận một chương trình cứu nguy nữa và tránh bị vỡ nợ vào tháng tới.

Sau cuộc thương lượng kéo dài cả đêm cho tới sáng sớm hôm nay, các nhân vật lãnh đạo chính trị Hy Lạp chỉ còn một vấn đề chưa giải quyết xong là mức độ cắt giảm tiền hưu trí của những người nghỉ hưu, trong khi đã đồng ý giảm 20% mức lương tối thiểu, và loại bỏ 15.000 công ăn việc làm trong chính phủ.

Tuy nhiên vài giờ sau đó Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos và các đối tác trong liên minh cầm quyền nói rằng họ tìm ra một cách khác để giảm chi tiêu chính phủ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau nhiều tuần thương lượng với các chủ nợ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chánh Hy Lạp Evangelos Venizelos đang trên đường tới Brussels để họp với các vị Bộ trưởng Tài chánh của khu vực sử dụng đồng euro trong ngày hôm nay.

Ông sẽ vận động để họ chấp thuận khoản cứu nguy thứ nhì trong vòng 2 năm trị giá 172 tỉ đô la. Hy Lạp cần có khoản tiền này để tránh vỡ nợ khi 19 tỉ đô la trái phiếu đáo hạn vào tháng 3.

Thêm vào đó Hy Lạp đang điều đình với các chủ nợ lớn về một kế hoạch để giảm phân nửa số nợ mà Hy Lạp còn thiếu, tương đương với 132 tỉ đô la.

Theo kế hoạch tái cấu trúc nợ này, những khoản đầu tư của 32 tổ chức tài chánh lớn vào Hy Lạp sẽ bị lỗ 70%.

Công nhân Hy Lạp đã thực hiện một loạt các cuộc đình công và những cuộc biểu tình qui mô lớn để phản đối. Họ nói rằng họ không thể hy sinh thêm nữa.

Giới lãnh đạo châu Âu đã mất kiên nhẫn với các cuộc thương thuyết kéo dài về vấn đề nợ, với giới phân tích tài chính nói lên những lo sợ của họ rằng một vụ vỡ nợ của Hy Lạp có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới.

Trong khi đó giới lãnh đạo Hy Lạp đã phải đối phó với những sự chống đối mạnh ở quốc nội từ những công nhân viên phẫn nộ vì các biện pháp khắc khổ trước đây.

Các công đoàn kêu gọi lãng công thêm vào thứ Sáu và thứ Bảy để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới nhất.

Ngay cả với sự đồng ý áp dụng thêm các biện pháp kiệm ước, Hy lạp vẫn trong tình trạng tài chính bấp bênh. Nước này vẫn còn trong tình trạng suy thoái trong 5 năm liên tiếp. Chính phủ cho hay mức thất nghiệp đang tăng và lên tới gần 21% vào tháng 11 năm ngoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG