Đường dẫn truy cập

Chính phủ lâm thời Ai Cập thờ ơ trước kêu gọi đối thoại


Người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi xuống đường biểu tình tại trung tâm thành phố Cairo.
Người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi xuống đường biểu tình tại trung tâm thành phố Cairo.
Chính phủ lâm thời Ai Cập đã có phản ứng thờ ơ trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ đề nghị một cuộc đối thoại tại quốc gia bị phân cực này. Phe chống đối chính phủ được quân đội hậu thuẫn nhấn mạnh rằng không thể có đối thoại cho đến khi nào tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trở lại nắm quyền.

Những người ủng hộ tổng thống Ai Cập bị lật đổ đã biểu tình phản đối kể từ lúc ông bị đẩy ra khỏi chức vụ ngày 3 tháng 7. Hàng ngàn người lại tụ tập ở thủ đô trong đêm hôm qua, reo hò, cầu nguyện và nghe những bài phát biểu của những người lãnh đạo, thôi thúc và đòi ông Morsi trở lại.

Một người biểu tình nói rằng đối thoại là cần thiết, nhưng phải được đặt cơ sở trên việc trở về của Tổng thống Mohamed Morsi. Ông Morsi phải trở về để có thể bắt đầu thương nghị, nhưng nếu ông không trở về và hiến pháp cùng quốc hội không được phục hồi, thì sẽ không có đối thoại.

Phe đối lập, trong đó có nhà cựu ngoại giao Amr Moussa, nói rằng đưa ông Morsi và đảng Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ ông trở lại sẽ gây phương hại cho Ai Cập.

Ông Amr Moussa nêu thắc mắc liệu Ai Cập và dân chúng nước này có thể chịu đựng thêm một năm nữa với các thành tích tệ hại nhất từ trước đến giờ hay không. Liệu Ai Cập có thể chịu đựng vẫn những người bất tài như cũ, chính phủ thiếu khả năng như cũ hay không. Ðó là câu hỏi cơ bản và câu trả lời đồng nhất là không, vì lợi ích của chính đất nước.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm qua đã kêu gọi chấm dứt bạo động ở Ai Cập và đề nghị các nhà lãnh đạo quân đội phát động một tiến trình hòa giải.

TNS Mỹ McCain và Graham kêu gọi chấm dứt bạo động ở Ai Cập và đề nghị các lãnh đạo quân đội phát động tiến trình hòa giải.
TNS Mỹ McCain và Graham kêu gọi chấm dứt bạo động ở Ai Cập và đề nghị các lãnh đạo quân đội phát động tiến trình hòa giải.
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham và John McCain cũng đưa ra thông điệp tương tự cho chính phủ lâm thời ở Cairo.

Ông McCain kêu gọi một cuộc chuyển tiếp mau chóng qua thể chế dân chủ.

Thượng nghị sĩ Mỹ McCain cũng hô hào phóng thích các tù nhân chính trị. Ông cực lực kêu gọi một cuộc đối thoại toàn quốc, bao gồm tất cả các bên, kể cả đảng Huynh đệ Hồi giáo và đồng thời, ông cũng hy vọng đảng này tự chế không sử dụng bạo lực.

Ai Cập là quốc gia xếp hạng thứ nhì về nhận viện trợ của Hoa Kỳ, sau Israel, với số lượng khoảng 1,5 tỷ mỗi năm. Nhưng luật pháp của Hoa Kỳ quy định phải cắt đứt viện trợ cho bất cứ nước nào có đảo chính quân sự.

Thượng nghĩ sĩ Graham gợi ý rằng điều này có thể xảy ra cho Ai Cập.

Thượng nghị sĩ Graham nói ông hy vọng và mong muốn vấn đề có thể được giải quyết và với những người ở Mỹ muốn cắt đứt quan hệ và cắt đứt viện trợ, để thượng nghị sĩ McCain có thể tuyên bố rằng đó là điều không cần thiết và không nên làm.

Chính phủ lâm thời Ai Cập phủ nhận việc lật đổ ông Morsi là một cuộc đảo chính và nói rằng dân chúng Ai Cập muốn bãi chức ông. Giới hữu trách quân đội nói họ đã đề xuất một lộ đồ cho một cuộc chuyển tiếp chính trị và các cuộc bầu cử mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG