Đường dẫn truy cập

Bangladesh để tang các nạn nhân vụ hỏa hoạn nhà máy dệt


Hàng trăm người dự tang lễ các nạn nhân vụ hỏa hoạn xưởng may ở Dhaka, ngày 27/11/2012.
Hàng trăm người dự tang lễ các nạn nhân vụ hỏa hoạn xưởng may ở Dhaka, ngày 27/11/2012.
Bangladesh đang để tang những nạn nhân thiệt mạng trong một đám cháy một xưởng may mặc. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha tường thuật về những mối lo ngại ngày càng tăng có liên quan đến tình trạng thiếu an toàn trong công nghiệp may mặc đang bùng phát mạnh khiến Bangladesh trở thành một trung tâm chính của các công ty bán lẻ toàn cầu.

Cờ rủ, các phân xưởng đóng cửa và các buổi lễ cầu nguyện được tổ chức vào lúc Dhaka dành một ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong một đám cháy thiêu rụi nhà máy Tazreen ở ngoại vi thành phố.

Trong một thông cáo, đại công ty bán lẻ Walmart cho biết nhà máy đã sản xuất quần áo bán ở các cửa hàng của công ty mà công ty không biết. Công ty nói một nhà cung cấp đã ký hợp đồng phụ với nhà máy mà không được cấp phép. Walmart nói sẽ tiếp tục làm việc với công nghiệp may mặc để cải thiện việc huấn luyện và đào tạo về an toàn.

Công nghiệp may mặc của Bangladesh đã trở thành một nguồn cung ứng chính cho các công ty bán lẻ trên toàn cầu trong những năm gần đây.

Nhưng công nghiệp này đầy rẫy những vấn đề gây sự dò xét của quốc tế.

Thân nhân nhận diện người thân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại khu vực Savar ở Dhaka, ngày 25/11/2012.
Thân nhân nhận diện người thân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại khu vực Savar ở Dhaka, ngày 25/11/2012.
Có nhiều mối lo ngại về mức lương thấp trả cho công nhân – trung bình là 37 đôla/tháng. Nhưng vụ hỏa hoạn mới đây làm nổi bật một vấn đề khác – đó là các tiêu chuẩn an toàn lơi là ở hàng trăm nhà máy, trong lúc chạy đua để thực hiện các đơn đặt hàng.

Ông Zafrul Hasan tại Viện Nghiên cứu Lao đông Bangladesh ở Dhaka nói nhiều người thừa nhận rằng các điều kiện làm việc thiếu thốn tại nhiều nhà máy.

Ông Hasan nói: “Mọi người đều biết rằng có rất nhiều cơ sở khác xảy ra loại tai nạn như thế này, sẽ có hậu quả tương tự. Ða số các nhà máy không được trang bị đủ để đối phó với các rủi ro. Thiết bị điện không đúng tiêu chuẩn. Ðây là một sự bất cẩn lớn của phía quản lý.”

Nguyên do vụ hỏa hoạn hôm thứ bảy vừa qua chưa được xác lập, nhưng nhân viên điều tra nghi ngờ một đường dây bị chập điện. Những người sống sót trong đám cháy cho biết một lối thoát bị khóa, khiến hàng trăm công nhân bị kẹt bên trong. Nhiều người chết vì tìm cách nhẩy ra ngoài. Những người sống sót nói các dụng cụ chữa lửa không hoạt động và những gói vải vóc và chỉ sợi chất đống trên các lối đi đã bốc cháy, biến những đường thoát ra thành các bẫy chết người.

Công nhân dệt may Bangladesh xuống đường biểu tình ở ngoại ô thủ đô Dhaka, ngày 27/11/2012.
Công nhân dệt may Bangladesh xuống đường biểu tình ở ngoại ô thủ đô Dhaka, ngày 27/11/2012.
Vụ cháy hôm thứ bảy là vụ gây nhiều tử vong nhất tại một xưởng may mặc ở Bangladesh, như đã từng có những đám cháy khác. Khoảng 200 người đã tử nạn trong các đám cháy trong công nghiệp may mặc tính từ năm 2006.

Ông Hasan nói công nghiệp này cần phải có các luật lệ khắt khe hơn.

Ông Hassan nói tiếp: “Cơ chế kiểm tra trong đa số trường hợp không kiểm tra thích đáng xem mọi thứ có đúng cách hay không. Họ nói họ có đủ nhân lực để kiểm tra mọi công nghiệp và đôi khi giới chủ nhân đã dùng thế lực để tìm cách nới lỏng luật lệ.”

Các đại diện của công nghiệp may mặc Bangladesh và chính phủ nói không thể loại trừ khả năng phá hoại. Nhưng đám cháy mới nhất sẽ gây áp lực cho chính phủ phải theo dõi chặt chẽ hơn các sơ suất về an toàn trong ngành công nghiệp đem về khoản thu nhập chừng 24 tỷ đôla hàng năm và chiếm khoảng 80 phần trăm số hàng xuất khẩu của Bangladesh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG