Đường dẫn truy cập

Thanh niên VN tranh luận về quan hệ Việt-Mỹ


Tuần trước, chúng ta đã nghe những ý kiến, bình luận, và nhận xét về mối bang giao Việt-Mỹ của nhà ngoại giao kỳ cựu Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi hai nước bắt tay bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 15 năm. Hôm nay, Trà Mi mời quý vị chia sẻ cảm nhận của thanh niên Việt Nam, thế hệ sinh sau cuộc chiến Việt Nam, về mối quan hệ được xem là “biến thù thành bạn” này. Cuộc thảo luận hôm nay có sự góp mặt của 2 bạn trẻ ở hai miền Nam-Bắc đất nước là Vi Na từ Thái Bình, Bá Duy ở Bạc Liêu, 1 du học sinh tại Pháp tên là Nam Long, và bạn Vĩnh Phong sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Trà Mi: Chủ đề thảo luận hôm nay nói về “Quan hệ Việt-Mỹ trong cảm nhận của thanh niên Việt Nam”. Là những người trẻ trong và ngoài nước, các bạn nhận xét như thế nào về mối quan hệ này?

Bá Duy (Bạc Liêu): Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tương đối tốt đẹp tuy bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề mà hai bên chưa hiểu nhau, như vấn đề tôn giáo, nhân quyền, tự do. Hiện nay, tôi thấy hai bên đang từng bước xây dựng mối quan hệ đó ngày càng tốt đẹp hơn, giải tỏa được một số vướng mắc giữa đôi bên.

Trà Mi: Đó là ý kiến của một người bạn trẻ trong nước. Bây giờ xin mời một người bạn đang ở nước ngoài nhận xét về mối quan hệ Việt-Mỹ.

Nam Long (Pháp): Vì khối (cộng sản) Đông Âu sụp đổ và cuộc chiến với Trung Quốc, Việt Nam bắt buộc phải có mối quan hệ với một cường quốc, nhất là Mỹ, để có đối trọng lại với Trung Quốc. Bởi Trung Quốc rất nguy hiểm, họ đã từng tấn công Việt Nam. Thứ hai, để phát triển kinh tế, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa từ năm 1990. Quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng tăng. Số du sinh Việt Nam qua Mỹ ngày càng đông, chứng tỏ ảnh hưởng của Hoa Kỳ về kinh tế, văn hóa đối với Việt Nam ngày càng lớn.

Trà Mi: Vừa rồi là một số ghi nhận của các bạn về quan hệ Việt-Mỹ nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Bây giờ mở rộng ra một chút, theo các bạn, tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, và sự cần thiết của mối quan hệ này đối với mỗi bên và đối với thế giới như thế nào?

Vi Na (Thái Bình): Trước tiên cũng phải cảm ơn Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã trực tiếp nối lại mối quan hệ với Việt Nam. Trước thời gian đó, Việt Nam cũng nổ lực rất nhiều để được đàm phán, nối lại quan hệ với Mỹ, nhưng khoảng thời gian đó xảy ra rất nhiều luồng ý kiến vì hai bên chưa tìm được quan điểm chung. Việt Nam thì luôn luôn sợ Mỹ, sợ chơi với Mỹ sẽ bị mất nước. Thêm vào đó, những hệ lụy chiến tranh để lại khiến người dân trong nước lúc ấy cũng căm phẫn nước Mỹ do các hậu quả nặng nề gây ra cho đất nước Việt Nam. Những người tiến bộ hơn thì họ hiểu được là sẽ phải chơi với Mỹ.

Trà Mi: Vi Na vừa nói là Việt Nam cũng đã tìm mọi cách để nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ. Vì sao mình phải tìm cách bắt tay với cựu thù của mình? Tầm quan trọng, ý nghĩa, và sự cần thiết của mối quan hệ này đối với Việt Nam như thế nào?

Vi Na (Thái Bình): Bởi vì nước Mỹ là một đất nước hiện đại, phát triển, là nước số một trên thế giới. Không có lý do gì để mình không chơi với Mỹ cả, nhưng do ý thức hệ và lịch sử cuộc chiến xảy ra như thế cho nên xảy ra rất nhiều ngăn cách, khó khăn rồi đến tận 1995 mới nối lại được đàm phán với Mỹ.

Trà Mi: Vi Na vừa nói vì Mỹ là một nước hiện đại nên Việt Nam cần phải bắt tay với Mỹ để học hỏi và cùng tiến bộ. Nhưng ngược lại, quan hệ với Việt Nam có tầm quan trọng ra sao và có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ?

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Việc bang giao bình thường hóa hai bên đều có dụng ý và ích lợi riêng của họ. Hoa Kỳ lúc nào cũng muốn có được một bàn đạp ở Châu Á hoặc Đông Nam Á để cân bằng những thế lực tại đây mà thế lực lớn nhất là từ Trung Quốc. Ngoài ra, với nền kinh tế cộng sản thì Việt Nam không thể nào phát triển được nên Việt Nam ít nhiều đã mở rộng cải cách thị trường và đổi mới. 15 năm qua, không ai có thể phủ nhận là kinh tế Việt Nam đã phát triển và tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, chúng ta cũng thấy có các vấn đề như tôn giáo, nhân quyền..v..v.. Những vấn đề này không chỉ là những điểm bất đồng hoặc quan ngại từ chính phủ Hoa Kỳ không thôi, mà thật sự đó là những điều gây rất nhiều quan ngại đối với chính phủ các nước. Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào sự phát triển kinh tế mà không quan tâm đến xã hội hoặc các vấn đề khác thì xã hội chúng ta sẽ đi về đâu?

Trà Mi: Việt Nam có quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước trên thế giới, nhưng dường như mối quan hệ với quốc gia cựu thù Mỹ lại rất đựơc coi trọng và luôn được nhắc tới. Không chỉ ở cấp quản lý nhà nước, mà ngay cả dư luận, quần chúng, hoặc thế hệ trẻ như các bạn đây cũng rất quan tâm đến mối quan hệ này. Theo các bạn, nguyên nhân vì sao? Quan hệ với Mỹ mang lại cho Việt Nam những lợi ích gì hơn so với quan hệ với các nước khác chăng?

Bá Duy (Bạc Liêu): Mỹ là một quốc gia có thể xem là đầu tàu kinh tế thế giới, nên quan hệ với Mỹ sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam và Việt Nam có thể tiếp thu một số thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại của Mỹ. Theo tôi, hiện nay, chính phủ Việt Nam quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Miễn là có lợi cho đất nước chúng tôi thì chúng tôi sẽ quan hệ.

Trà Mi: Như các bạn nói, vì có lợi mới quan hệ, phải chăng quan hệ với Mỹ có lợi hơn nhiều cho nên mối quan hệ này được quan tâm hơn nhiều so với những mối quan hệ khác?

Bá Duy (Bạc Liêu): Chưa hẳn rằng được nhắc tới nhiều là quan tâm nhiều.

Nam Long (Pháp): Mình cho là trong các mối quan hệ với các nước, quan hệ với Hoa Kỳ rất là quan trọng, vì như các bạn nói, Mỹ là đầu tàu của thế giới. Mỹ là thị trường rất lớn dành cho Việt Nam. Những vụ kiện cá basa hay các vấn đề về kinh tế với Mỹ đều làm cho Việt Nam rất đau đầu. Chỉ cần Mỹ giảm tiêu thụ hàng của Việt Nam, nông dân, cũng như các ngành hải sản và xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất là điêu đứng. Cho nên, vấn đề kinh tế là quan trọng nhất. Thứ hai, Việt Nam cũng có giao dịch với Trung Quốc nhưng bị thâm hụt mậu dịch, cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam rất cần một thị trường khác lớn như Mỹ để điều chỉnh lại cán cân đó.

Trà Mi: Đó là phân tích của các bạn về tầm quan trọng của mối quan hệ Việt-Mỹ. Theo ghi nhận của các bạn, bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua sau khi bình thường hóa quan hệ song phương có những điểm son nào đáng chú ý?

Nam Long (Pháp): Đáng chú ý là các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam đi qua Mỹ. Gần đây, các tàu của Mỹ đã đến Việt Nam. Những chuyến thăm đó đánh dấu sự quan tâm càng ngày càng mạnh của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.

Trà Mi: Vừa rồi là ghi nhận của Nam Long. Xin mời các bạn khác ở Việt Nam.

Vi Na (Thái Bình): Quan trọng nhất là năm 2000, Tổng thống Bill Clinton và Thượng nghị sĩ John Kerry đã sang Hà Nội, đặc biệt đi cùng với Tổng thống có đại diện Bộ Thương Mại Mỹ. Đến năm 2006, Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, lúc đó Việt Nam rất khó đàm phán với đối tác Mỹ vì lúc đó Mỹ vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam chưa phải là kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, một số chính trị gia Mỹ cũng lồng vấn đề dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí vào việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thời gian đó mối quan hệ hai nước rất khó khăn.

Trà Mi: Bây giờ xin mời Phong. Theo ghi nhận của bạn thì 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ vừa qua có gì đáng chú ý?

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Ngoài Tổng thống Bill Clinton còn có Tổng thống George W.Bush trước khi mãn nhiệm kỳ cũng đã đến Việt Nam. Việt Nam chấp thuận cho Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào trong các hải cảng Việt Nam, một đánh dấu quan trọng cho việc hợp tác về quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trà Mi: Chúng ta vừa điểm qua một số những tiến bộ đạt được cũng như những điểm đáng chú ý trong mối bang giao Việt-Mỹ 15 năm qua. Theo các bạn, trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam quan tâm đến vấn đề nào nhất, và ngược lại, Mỹ lưu ý tới những lĩnh vực nào nhất khi bang giao với Việt Nam?

Bá Duy (Bạc Liêu): Những lĩnh vực như vấn đề tôn giáo, nhân quyền, tự do ngôn luận tuy hai bên cũng có đề cập tới nhưng người ta vẫn thúc đẩy mối quan hệ về kinh tế là chủ yếu trong quan hệ Việt-Mỹ.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Phía Hoa Kỳ quan tâm đến ba lĩnh vực. Thứ nhất là kinh tế. Thứ hai là hợp tác quân sự. Thứ ba là các vấn đề về tôn giáo, nhân quyền, tự do ngôn luận..v.v.. Rõ ràng là chính phủ Hoa Kỳ không chỉ quan tâm lĩnh vực kinh tế. Quốc hội Hoa Kỳ muốn sự phát triển kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng cao và sự hợp tác kinh tế Việt-Mỹ ngày một phát triển. Tuy nhiên, họ muốn sự phát triển đó phải đi song song với sự cải thiện trong cuộc sống con người Việt Nam. Hiện nay Việt Nam vẫn không có các nguồn truyền thông ngôn luận độc lập nên người dân không thể nói lên tiếng nói trung thực, không bị lệ thuộc, hoặc không bị khống chế bởi nhà nước. Nếu nói chính phủ Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến sự hợp tác kinh tế với Việt Nam cũng không đúng vì chúng ta đã thấy nhiều lần Quốc hội Hoa Kỳ đã lên tiếng về các vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam và những vụ bắt giữ các nhà đấu tranh ôn hòa trong nước, những người thực thi những quyền căn bản mà Hiến pháp Việt Nam quy định.

Bá Duy (Bạc Liêu): Về vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam không cấm tự do ngôn luận, không cấm phản biện xã hội, nhưng phản biện ở đây phải mang tính chất xây dựng, tức là anh chỉ ra cái sai để người ta khắc phục, sửa chữa, làm tốt hơn. Còn đằng này, anh lợi dụng tự do ngôn luận để chỉ ra cái sai. Rồi từ cái sai đó, anh xuyên tạc, bôi bác, bôi nhọ chế độ thì không chấp nhận được.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Nói vậy cũng không đúng. Ví dụ một công dân Việt Nam chỉ ra cái sai rằng Hiến pháp Việt Nam tạo ra những mâu thuẫn với nhau, nhà nước Việt Nam có chấp nhận hay không và có chịu thay đổi hay không? Hay họ chỉ ra những cái sai đó rồi họ bị…

Bá Duy (Bạc Liêu): Xin phép anh tôi nói thế này. Ví dụ anh nói cái nào sai, không phù hợp, anh nói thẳng ai, chỉ ra ông A, ông B làm sai thế này, thế kia. Đằng này, đa số các nhà bất đồng chính kiến lại dùng từ là “Cộng sản làm sai”, rồi “chế độ” thế này, thế kia. Như vậy là không chấp nhận được.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Cái đó rất bình thường trong bất cứ xã hội nào. Ví dụ như ở Mỹ, khi chính quyền do một đảng Cộng hòa hay Dân chủ nắm giữ, nếu chính quyền đó có những chính sách sai thì người dân qua lá phiếu của mình sẽ không bầu cho các ứng cử viên của đảng đó, như một hình thức trừng phạt cái đảng đó. Một chính quyền không phải do 1 hay 2 người mà do một khối. Ở Việt Nam, đảng Cộng sản là khối duy nhất nắm chính quyền. Cho nên, đó là lý do khi người ta phản bác, người ta phản bác cái chính phủ đó, chứ không chỉ là một người Bộ trưởng hay Thứ trưởng, vì tất cả đều nằm trong một hệ thống.

Trà Mi: Duy có ý kiến phản biện không?

Bá Duy (Bạc Liêu): Singapore cũng là một nước độc đảng.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Cho nên Singapore cũng có những vấn đề tương tự như ở Việt Nam.

Vi Na (Thái Bình):
Nói chung ý kiến của bạn Phong cũng đúng, nhưng bạn phải hiểu là bởi do nền văn hóa của Việt Nam. Văn hóa của nước ta rất khác so với các nước khác. Chúng ta gần Trung Quốc mà 4 ngàn năm vẫn không bị Trung Quốc đồng hóa.

Trà Mi:
Vi Na nhắc tới đặc điểm văn hóa ở đây phải chăng ý bạn muốn nói là nền văn hóa của Việt Nam không chấp nhận sự chỉ trích đối với những lãnh đạo cấp cao?

Vi Na (Thái Bình): Vâng, đúng đấy ạ. Ví dụ như trong gia đình, mình nói bố mẹ không đúng, bố mẹ sai, thì bố mẹ đã không hài lòng rồi, huống chi nói rộng ra về mặt xã hội.

Nam Long (Pháp): Nhưng rõ ràng Việt Nam nói là “nhân dân làm chủ”. “Nhân dân làm chủ” mà nhân dân lại không có quyền chỉ trích, tức là nói dối rồi! Đảng thì nói chế độ của mình dân chủ gấp triệu lần tư sản mà lại không được có ý kiến đối nghịch, dân cũng không có được tờ báo tư nhân để nói lên ý kiến của mình, tất cả đều phải phụ thuộc vào đảng? Thứ hai, khi bạn nói tới vấn đề văn hóa. Tại sao có những nước Châu Á như Hàn Quốc mà họ lại có được một nền dân chủ tiến bộ, họ cũng là một nước Châu Á, ngày xưa họ cũng là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Thậm chí ở miền Nam Việt Nam trước 1975 người dân cũng có một số quyền dân chủ nhất định như quyền biểu tình hay ra báo tư nhân.

Bá Duy (Bạc Liêu): Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 người dân có quyền biểu tình, tôi thừa nhận, nhưng dưới sự trấn áp của lưỡi lê và lựu đạn cay.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Về vấn đề văn hóa, Phong cũng đồng ý là mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng. Nhưng chúng ta không thể dùng văn hóa làm lý do để đặt ra quyền đàn áp người dân. Việt Nam trước 1975 có những cuộc biểu tình, kể cả những cuộc biểu tình chống lại các chính sách sai trái của nhà nước, nhưng vấn đề đang bàn ở đây, như các bạn nói, người dân có quyền tự do ngôn luận miễn đừng đụng đến nhà nước và chính trị thôi. Như vậy, tự do ngôn luận ở mức nào? Và người dân Việt Nam có cảm thấy mức đó thích hợp cho sự phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội..v..v.. của Việt Nam hay không? Hay mức đó chưa đủ? Người dân Việt Nam phải có quyền quyết định mức độ đó, nhưng hiện nay cái quyền đó cũng không có.

Trà Mi: Nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận ở Việt Nam, đề tài mà các vị khách mời này bất đồng quan điểm và tranh luận với nhau cũng là một trong những vấn đề mà đôi bên Việt-Mỹ chưa đạt được điểm chung. Làm thế nào khắc phục những bất đồng đó để phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương? Giới trẻ Việt Nam có nguyện vọng ra sao và họ có thể làm gì hầu góp phần thăng tiến bang giao hai nước?

Mời quý vị và các bạn đón nghe phần tranh luận sôi nổi tiếp theo giữa các thanh niên trong và ngoài nước trên Tạp chí Thanh Niên trên đài VOA tối thứ ba tuần sau. Trà Mi xin kính chào tạm biệt quý vị.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG