Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt-Trung và tranh chấp Biển Đông (phần 2)


Tuần trước, 3 người bạn trẻ tham gia phần 1 cuộc thảo luận về “Quan hệ Việt-Trung và tranh chấp Biển Đông” đã chia sẻ cảm nghĩ và phân tích các mặt lợi-hại trong mối quan hệ được miêu tả là “môi hở răng lạnh” nhân dịp hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và Năm Hữu nghị Việt-Trung 2010. Hôm nay, các vị khách mời của chương trình sẽ tranh luận về tình hình căng thẳng chủ quyền tại Biển Đông và những thuận lợi-khó khăn của Việt Nam trước thế lấn lướt của Trung Quốc. Mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ Hiếu từ Hà Nội, Thắng đang ở Sài Gòn, và một người bạn mới, góp tiếng trong cuộc thảo luận lần này là Hồng Thuận, một bạn gái sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Trà Mi: Qua phân tích của các bạn, nhìn chung, các bạn có ủng hộ mối quan hệ mà giới lãnh đạo hai nước miêu tả là “môi hở răng lạnh’ này không?

Thắng: Trong giai đoạn này, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất nhạy cảm. Phía lãnh đạo Việt Nam vừa muốn quan hệ, vừa không, nhưng lại bị bắt buộc phải quan hệ. Đây là mối quan hệ gần như là gượng ép. Tôi có quen một số người cũng làm việc trong các cơ quan công quyền, những người đàm phán nói chuyện với bên lãnh đạo Trung Quốc. Họ cũng rất ghét. Từ thâm tâm người Việt Nam không bao giờ ưa người Trung Quốc cả, nhưng từ trước tới nay mình vẫn phải cố tình giữ mối giao hảo với anh láng giềng khổng lồ phương Bắc này. Đấy là vì đại cục mà thôi.

Trà Mi: Nhưng riêng với giới trẻ, bạn có ủng hộ mối quan hệ này không?

Thắng: Tôi nghĩ rằng, ít ra trong giai đoạn này, chúng ta phải cố gắng duy trì đến mức nhất định nào đấy trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, mình phải hạn chế các ảnh hưởng của Trung Quốc, đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế. Mình phải thoát ra khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế, văn hóa, thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc về chính trị. Chúng ta làm bạn với Trung Quốc trong tư thế bình đẳng, chứ không bất bình đẳng như thế này nữa.

Trà Mi: Cảm ơn anh Thắng. Ý kiến anh Hiếu thì sao?

Hiếu: Với tư cách công dân, Việt Nam quan hệ với bất kỳ nước nào mình cũng nên ủng hộ. Nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, phải nói thẳng ra rằng, bằng mặt mà không bằng lòng.

Trà Mi: Theo anh Hiếu, đây là mối quan hệ “bằng mặt, không bằng lòng”. Mời Thuận.

Hồng Thuận: Mối quan hệ Việt-Trung có rất nhiều thăng trầm. Trung Quốc không ngừng có những hành động lấn lướt Việt Nam qua việc khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa, bắn giết và đánh chìm tàu ngư dân Việt Nam. Hồi năm 2005, có 8 ngư dân ở tỉnh Thanh Hóa bị Trung Quốc giết chết. Còn Việt Nam thì càng yếu ớt trước những hành động của Trung Quốc bất kể sự ngang ngược và xấc láo của Trung Quốc. Cho nên, mối quan hệ Việt-Trung là một mối quan hệ bất bình đẳng. Mình không hài lòng. Tất nhiên với các nước láng giềng mình phải quan hệ như thế nào để giữ sự ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải quỵ lụy trước một người láng giềng như vậy.

Trà Mi: Ý kiến cho rằng trong khi Bắc Kinh liên tục có nhiều hành động rõ ràng để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông thì chưa thấy Việt Nam có biện pháp gì cụ thể hơn ngoài những lời tuyên bố hoặc tái khẳng định chủ quyền ở đây. Nhận xét này các bạn có đồng ý không?

Thắng: Tôi cho rằng không phải Việt Nam không có một biện pháp gì. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang có những biện pháp khắc phục dần những điểm đấy của mình. Thế nhưng một mặt giới lãnh đạo Việt Nam không dám tỏ ra có những biện pháp như thế. Mình phải nhẫn nhịn chờ thời vì nếu để xảy ra một cuộc chiến tranh thì có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, ảnh hưởng lâu dài về tất cả các mặt trong đời sống người Việt Nam. Chẳng hạn như việc mình mua tàu ngầm, sắm máy bay, sắm tàu khu trục loại lớn, tất cả những việc này đều đưa một tín hiệu nhất định đến phía Trung Quốc, cảnh báo họ, ngay cả việc Việt Nam làm việc với Mỹ. Đây cũng là gửi một tín hiệu tới Trung Quốc. Không phải họ không làm gì cả, trên thực tế, họ có làm.

Trà Mi: Đó là ghi nhận của một người bạn trong nước. Còn với người bạn ở nước ngoài, ý kiến của Thuận ra sao?

Hồng Thuận: Các hành động như Thắng nói vừa rồi, nào là mua tàu, mua phi cơ..chỉ nhằm xoa dịu nỗi bức xúc của người dân trong nước. Còn mình thấy là trong khi Trung Quốc có những hành vi gây hấn trên Biển Đông, mang tính hải tặc với các ngư dân Việt Nam như bắt cóc đòi tiền chuộc, đánh chìm tàu…Trong khi đó, Việt Nam lại đi đàn áp những người dân của mình, như đàn áp thanh niên-sinh viên đi biểu tình, bắt bớ các blogger như Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cày… Mình thấy chính phủ Việt Nam không những không lên tiếng, mà còn đi đàn áp chính những người dân của mình khi họ lên tiếng.

Trà Mi: Cảm ơn Thuận. Anh Hiếu đồng ý với Thuận hay anh Thắng?

Hiếu: Tôi thấy đây là một sự “làm mình làm mẩy” của một đứa con giận dỗi với bố, chứ thật ra chẳng phải là Việt Nam dám khẳng định hay tìm cách để giữ gìn Hoàng Sa-Trường Sa. Trung Quốc quá hiểu tất cả nội tình của Việt Nam. Tôi nghĩ không bao giờ Việt Nam sẽ quan hệ với các nước tới mức tiến tới mức độ thắt chặt quan hệ như kiểu Đài Loan hay Nhật Bản để kháng cự lại Trung Quốc. Đây là một sự “làm mình làm mẩy” để qua kỳ đại hội này, để họ có thể giữ lại ảnh hưởng của họ thôi. Trung Quốc đã đặt căn cứ quân sự bên Quảng Đông với tầm bắn tên lửa là 2 ngàn km, nhắm tới tất cả, Hoàng Sa-Trường Sa đều nằm trong tầm khống chế của Trung Quốc. Còn trên đất liền, 90% các công trình điện, khai khoáng dầu khí, luyện kim, hóa chất, các ngành quan trọng nhất của Việt Nam đều do người Trung Quốc đảm nhiệm, trúng thầu. Nếu có diễn biến gì, từ bên trong, họ cũng đủ khiến cho Việt Nam không thể nào cự lại được. Đấy là điều tôi rất buồn, và tôi khẳng định rằng Việt Nam không thể nào thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trà Mi: Những biến chuyển của phía chính phủ Việt Nam mà anh Thắng chia sẻ, anh Hiếu cho rằng cũng chỉ là hành động “làm mình làm mẩy” một chút thôi, chứ cũng không có ảnh hưởng gì lắm.

Hiếu: Tôi đã dự mấy cuộc hội thảo và tôi cũng nghiên cứu. Tôi cũng hy vọng là tiếng nói của thanh niên sẽ thúc đẩy nhà nước quan tâm hơn đến chủ quyền, nhưng thời gian gần đây, khi tôi nghiên cứu về kinh tế, chính trị, thì thấy rằng như là mình bất lực rồi.

Trà Mi: Có người cho rằng Việt Nam không nên làm phật lòng Trung Quốc trong vị thế một nước nhỏ, thua kém về nhiều mặt trước người khổng lồ Trung Quốc hiện giờ đang vươn lên hàng thứ hai trên thế giới, và rằng Việt Nam làm phật lòng Trung Quốc chỉ có hại thôi chứ không có lợi gì. Ý kiến của các bạn ra sao?

Hiếu: Việt Nam cũng không thể nào làm phật lòng họ được vì tất cả mọi thứ của mình họ đã khống chế cả rồi. Có chăng cũng chỉ giận dỗi ra mặt một tí thôi chứ có làm gì được đâu.

Trà Mi: Ý kiến của anh Thắng?

Thắng: Tôi không nghĩ thế. Dù mình là một nước nhược tiểu nhưng từ trước tới nay là một nước có chủ quyền. Việc làm phật lòng hay không trước tiên phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Cho dù có làm phật lòng họ hay không, mình vẫn phải làm. Khi cần chiến đấu, chúng ta phải chiến đấu. Khi cần cố gắng giữ gìn hòa bình thì chúng ta giữ gìn hòa bình. Trong trường hợp cần thiết, chúng ta sẵn sàng cho chiến tranh. Tôi nghĩ điều này có thể xảy ra trong thời gian gần.

Trà Mi: Quan điểm của Thuận có gì khác không?

Hồng Thuận: Nói chung, trong mối quan hệ quốc tế, chúng ta không nên làm phật lòng bất cứ quốc gia nào, nhưng mình phải bảo vệ được thể diện và quyền lợi quốc gia của mình. Trung Quốc mà có hành động xâm lăng thì chúng ta luôn có thể đứng lên để bảo vệ mãnh đất của chúng ta.

Trà Mi: Việt Nam thua kém Trung Quốc về nhiều mặt như thế, nếu mình không nhân nhượng, không chiều lòng Trung Quốc thì có thể làm gì được hơn?

Thắng: Vì mình là một nước thế cô, phải dựa vào ảnh hưởng của quốc tế, của khu vực, và những nước lớn hơn. Cụ thể là trong thời gian vừa rồi, Việt Nam cũng đã làm nên một thành công nho nhỏ tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN hay sự tham dự của Mỹ tại khu vực Biển Đông. Đấy là biện pháp duy nhất và cuối cùng để Việt Nam có thể tự vệ trước người khổng lồ Trung Quốc.

Trà Mi: Nhưng làm thế nào có thể quốc tế hóa vấn đề Biển Đông mà được gọi là “bình yên” trước nước cộng sản anh em “đáng gờm” này? Rõ ràng là Trung Quốc không để yên cho Việt Nam làm việc đó, phải không?

Thắng: Khi Trung Quốc sử dụng võ lực thô bạo trong vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam và các nước ASEAN đứng lên phản đối, các nước xung quanh khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản đứng lên phản đối. Khi đó, thị phần và những thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc bị ảnh hưởng, nền kinh tế của họ bị đánh không chỉ một mặt. Thứ hai, Việt Nam là một nước có chung mối quan hệ chính trị với Trung Quốc. Việt Nam là nước cộng sản duy nhất trên thế giới còn lại có mối quan hệ khá thân thiết chặt chẽ với Trung Quốc, cả về hình thái thể chế chính trị lẫn xu hướng phát triển kinh tế, và Trung Quốc phải duy trì mối quan hệ đấy. Hai điểm này đáng để Trung Quốc suy nghĩ khi đưa ra một quyết định quân sự nào.

Trà Mi: Các bạn khác có câu trả lời cho câu hỏi này không? Việt Nam có thể hướng tới việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để đối chọi, cân bằng lại trước thế lực của Trung Quốc, nhưng làm thế nào để được “yên thân” nếu tiến hành việc này?

Hồng Thuận: Là thành viên trong ASEAN, tất nhiên mình có vị thế để quốc tế hóa vấn đề này. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể tạo điều kiện trong nước như cho các cơ quan, tổ chức tìm hiểu, đưa ra những luận cứ phản biện lại Trung Quốc.

Trà Mi: Anh Hiếu có ý kiến bổ sung không?

Hiếu: Theo tôi, ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc ép bức Việt Nam quá, Việt Nam trở thành “Đài Loan” hay “Nhật Bản”, tức trở thành một nước không thân thiện với Trung Quốc nữa mà có thể khẳng khái đối đầu, hoặc nhờ trợ giúp của các nước khác, kể cả có chiến tranh đi nữa, thì đấy cũng là một điều may mắn cho đất nước Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng chuyện đấy không xảy ra đâu.

Trà Mi: Anh nói trong trường hợp tệ nhất có chiến tranh vẫn là “may mắn” cho Việt Nam, ý của anh nghĩa là thế nào?

Hiếu: Ý tôi là Trung Quốc mà sử dụng sức mạnh võ khí, trắng trợn xé bỏ bộ mặt hữu nghị thì đó cũng là một điều may mắn cho Việt Nam, để mình làm lại một đất nước từ đầu vẫn còn hơn. Nhưng vấn đề quyết định ở đây là những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Khi Trung Quốc ép bức quá, giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam có dám mở một cuộc chiến không? Hay họ nghĩ rằng nếu mở cuộc chiến đấy thì tất cả sẽ tan vỡ và làm lại từ đầu nên họ cứ duy trì, cứ thôi, cứ nhân nhượng dần, cứ dàn xếp dần, để họ có thể tồn tại được. Điều này không chỉ là chủ quyền đất nước, mà nó còn dây dưa đến sinh mệnh của giai cấp lãnh đạo Việt Nam. Cho nên, tôi nghĩ, khi chúng ta nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo, chúng ta nên tính tới yếu tố “sinh mệnh của giai cấp thống trị” thì mới gọi là toàn cục được. Nếu chúng ta ngồi trên hàng ghế lãnh đạo, có những tài sản và thế hệ con cháu đang lên làm “Bí thư tỉnh Bắc Giang” chẳng hạn, thì chúng ta cũng phải nghĩ khác đi.

Trà Mi: Nếu Việt Nam không nhân nhượng Trung Quốc có thể dẫn tới những hậu quả như thế nào? Giới trẻ có thể làm gì để góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước ngoài việc thể hiện sự bất bình qua hành động hay lời nói, vốn không được nhà nước hoan nghênh? Thanh niên Việt Nam có nguyện vọng gì muốn đề đạt với những người hữu trách?

Trước khi Tạp chí Thanh niên trở lại cùng quý vị vào giờ này tuần sau với phần cuối loạt thảo luận quanh chủ đề “Việt-Trung và tranh chấp Biển Đông”, chúng tôi mong nhận được ý kiến tham luận của quý thính giả ngay bên dưới bài này, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com, hoặc trên trang Facebook của VOA. Mời quý vị thường xuyên ghé thăm và chia sẻ quan điểm của mình. Tạp chí Thanh niên xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG